Cây Trồng Biến Đổi Gen Không Gây Hại
Mặc dù đã trải qua 5 năm khảo nghiệm nhưng cây trồng biến đổi gen (bắp) vẫn chưa thể rời các vườn thí nghiệm để ra đồng ruộng với nông dân.
Nguyên nhân
Theo nhiều chuyên gia, đây là một thành tựu công nghệ có tính đột phá, đã và đang được triển khai ở nhiều quốc gia và chính Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhiều lần khẳng định, áp dụng công nghệ sinh học là chiến lược để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam của Chính phủ.
Gần 5 năm trước, khi mới bắt đầu tiến hành khảo nghiệm các giống bắp biến đổi gen tại Việt Nam theo quy trình quy định, Bộ NN-PTNT đã từng tuyên bố rằng bắt đầu từ năm 2012 sẽ cho phép nhân rộng sau khi các nhà khoa học khẳng định những tính ưu việt và khả năng an toàn của các giống bắp được khảo nghiệm.
Tuy nhiên cho đến nay đã thêm 3 năm, tất cả gần như vẫn dậm chân tại chỗ mặc dù việc khảo nghiệm đã hoàn thành.
Lộ trình đưa cây trồng biến đổi gen vào Việt Nam liên tục gặp trở ngại do một số nhà khoa học dẫn theo tài liệu nước ngoài cho rằng cây biến đổi gen sẽ để lại những hậu quả về môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên gần đây, những thông tin có tính cáo buộc đăng tải ở một số nước cũng đã dần bị rút lại khi nhiều cơ quan tuyên bố đó là những khảo cứu không có cơ sở chính xác.
Đã có 1.783 công trình nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen và các nhà nghiên cứu khẳng định đã không tìm ra bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy thực phẩm biến đổi gen có bất kỳ mối nguy hại nào đối với con người và động vật. Những thông tin đưa ra trước đó đã làm nhiều người lo ngại và các cơ quan cũng tỏ ra dè dặt hơn với cây trồng biến đổi gen. Ngoài ra, còn có một khó khăn khác là những quy định về quy trình và thủ tục.
Động thái mới đây khi Bộ NN-PTNT tuyên bố công nhận 4 giống bắp biến đổi gen được khảo nghiệm tại Việt Nam đủ điều kiện để làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, tức không gây hại, là một tín hiệu mở cho các sản phẩm bắp biến đổi gen. Tuy vậy, để cây bắp có thể ra ruộng đồng lại không phải dễ, bởi còn phải tiếp tục trải qua nhiều thủ tục rườm rà và quá trình xem xét lại của những bộ có liên quan như TN-MT, Y tế…
Càng chần chừ càng thiệt hại
Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cung cấp, từ nhiều năm nay, các sản phẩm biến đổi gen của các nước đã có mặt tại Việt Nam, được nhập vào Việt Nam với khối lượng lớn.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ông Lê Bá Lịch cho biết, hàng năm chúng ta đang nhập khoảng 4 triệu tấn đậu tương và gần 1,5 triệu tấn bắp… chủ yếu từ Argentina, Mỹ, Ấn Độ là những nước đang trồng cây biến đổi gen trên diện rộng – tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ. Rõ ràng, sản phẩm biến đổi gen đã có mặt ở khắp thị trường Việt Nam.
Việc chần chừ đưa cây bắp biến đổi gen ra trồng trên diện rộng để tạo ra bước đột phá và chủ động về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không chỉ tiếp tục đẩy chúng ta phải phụ thuộc vào nước ngoài mà còn gây thiệt thòi cho người trồng trọt và cả chính người chăn nuôi.
Ông Lê Bá Lịch phân tích, nhiều năm nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục bị đẩy lên cao, nông dân phải bán thịt heo, gà dưới giá thành vì đang sử dụng phần lớn thức ăn chăn nuôi ngoại nhập.
TS Lê Huy Hàm cho biết thêm, qua nhiều lần kiểm tra, khảo nghiệm rất chặt chẽ tại tất cả các vùng miền, điều kiện khí hậu khác nhau ở Việt Nam, các giống bắp biến đổi gen đã thể hiện tính ưu việt hơn hẳn về năng suất so với các giống bắp thường.
Đặc biệt, kết quả khảo nghiệm trên diện hẹp và diện rộng cho thấy các giống bắp không hề gây ảnh hưởng tới môi trường như các thông tin, tài liệu công bố. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc khảo nghiệm chỉ là tuân theo quy định của Việt Nam, còn sự thật là cây bắp biến đổi gen đã và đang được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện chúng ta đã hoàn thiện khung pháp lý đánh giá an toàn sinh học và đã ban hành thông tư quy định quy trình, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Mới đây, Bộ TN-MT cũng đã ban hành thông tư đánh giá an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen và họp Hội đồng An toàn sinh học để đánh giá về cây trồng biến đổi gen. Đây là những tín hiệu để mở cửa cho cây trồng biến đổi gen ra đồng ruộng.
*Theo số liệu của Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã nhập 856.000 tấn đậu tương với giá trị 504 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; khối lượng bắp nhập 2,33 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Related news
Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 10/ 2015/QĐ-UBND về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2015 - 2020.
Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) vừa ký ban hành công văn số 388/UBND đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ hơn 56,6 tỷ đồng cho những hộ nuôi nghêu bị thiệt hại do nghêu chết tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông năm 2015.
Ảnh hưởng của phân ủ từ rơm (phế thải của việc sản xuất nấm rơm) có xử lý Trichoderma đến sinh trưởng và năng suất của 2 giống lúa MTL560 và IR50404 là đề tài của nhóm nghiên cứu Nguyễn Thành Hối, Mai Vũ Duy, Lê Vĩnh Thúc, Nguyễn Thị Diễm Hương, Trường đại học Cần Thơ.
Hiện nay, tuy vụ lúa hè thu đã đi vào sản xuất nhưng công tác chuyển đổi giống cây trồng trong thời điểm hạn hán gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 7/5, Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương phối hợp với Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả mô hình giống lúa mới Thiên ưu 8.