Cây sen ở vùng đất nhiễm phèn nặng

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên vùng đất lúa nhiễm phèn nặng, năng suất thấp để cải thiện thu nhập là mục tiêu trọng tâm của chính quyền và nông dân ấp Ba Tiêu, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Mô hình trồng sen lấy ngó hiện đang được người dân Ba Tiêu ưa chuộng, bởi thời gian trồng, chăm sóc dễ dàng và cho thu hoạch nhanh. So với trồng lúa, mô hình này cho thu nhập cao hơn.
Bà Thạch Thị Nhựt cho biết: Một số diện tích đất ở đây là vùng trũng và nhiễm phèn nặng, sản xuất lúa bấp bênh. Năm 1997, sau khi tham quan nhiều mô hình trồng sen trong và ngoài tỉnh hiệu quả, gia đình tôi cải tạo 0,4ha đất để trồng sen lấy ngó.
Bà Nhựt cho biết thêm: Sen rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, sử dụng phân bón tương đối ít và thời gian thu hoạch ngó sen kéo dài quanh năm. Đất càng ngập, càng sình thì sen càng cho nhiều ngó. Sen sau khi trồng khoảng 02 - 03 tháng là có thể thu hoạch. Mùa mưa thì sen cho năng suất thấp hơn mùa nắng.
Hiện tại, với 0,4ha sen, cách một ngày gia đình thu hoạch một lần ngó sen, mỗi lần thu hoạch được khoảng 16 - 20kg, với giá bán dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg; trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 04 - 05 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa.
Tiếp lời bà Nhựt, bà Thạch Thị Bông, ngụ cùng ấp phấn khởi nói: Gia đình tôi hiện nay cuộc sống ổn định cũng nhờ cây sen. Sen là loại cây rất dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây trồng khác. Khi mới trồng cũng có lúc gặp khó khăn nhưng dần dà có thêm kinh nghiệm để ngày một hoàn chỉnh quy trình trồng.
Bà Bông chia sẻ: Sen trồng đến 02 - 03 tháng là có thể thu hoạch, khi bắt đầu trồng bón khoảng 50kg Urê + 50kg DAP/ha cho đến 02 - 03 tháng sau khi giáp lá thì bón tiếp 50kg Urê + 50kg DAP/ha và thu hoạch cho đến gần hết năm (khoảng 10 - 12 tháng). Sau một thời gian, nếu cây sen quá dầy, chất lượng ngó không tốt, bà dùng máy xới, xới thành từng luống cho cây sen thưa bớt và tiến hành bón phân lần nữa cũng với liều lượng như các lần trước, trung bình mỗi héc-ta trồng sen bón khoảng 200kg phân Urê và DAP. Bà nhẩm tính: Với 0,2ha chuyên trồng sen, mỗi tháng thu hoạch khoảng 15 ngày, mỗi ngày trung bình khoảng 08 - 10kg, bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 03 triệu đồng/tháng.
Ông Thạch Đenh, Bí thư, kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Ba Tiêu nói: Toàn ấp có trên 194ha chuyên sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa đóng vai trò chủ đạo. Trong ấp cũng có một số diện tích đất lúa thuộc vùng trũng, nhiễm phèn nặng, sản xuất lúa bấp bênh. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi do xã phát động, người dân thuộc các vùng đất trũng đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen với diện tích 4,5ha, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Với ưu thế về thời gian thu hoạch ngắn, ít tốn vốn đầu tư và công chăm sóc, sản phẩm dễ tiêu thụ, nghề trồng sen lấy ngó trên cánh đồng lúa trũng Ba Tiêu đang là mô hình thích hợp đối với nông dân.
Related news

Ông Lương Văn Tám, ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã mày mò nghiên cứu và áp dụng thành công bao trái trên mít. Kết quả là vườn mít của ông 3 năm qua đều xanh tốt, cho trái to, đẹp và được thị trường ưa chuộng.

Ông Trần Văn Cang, ngụ xã Tân Hội Đông (Châu Thành, Tiền Giang) được tiếng khen cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lục mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.

Nếu xét về ưu thế, Trà Vinh cũng như các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây thanh long ruột đỏ (thanh long), nhất là từ khi dự án ngọt hóa Nam Mang Thít đưa vào sử dụng.

Cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN-PTNT, mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, về lĩnh vực chăn nuôi, Nam Định lựa chọn 4 đối tượng chủ lực gồm lợn, gà, ngao và tôm.

Những ngày qua, giá hải sản liên tục tăng, khiến ngư dân rất phấn khởi. Tại cảng cá khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, tàu thuyền của ngư dân ra vào tấp nập, với những khoang cá đầy ắp.