Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Mía Hết Thời?

Cây Mía Hết Thời?
Publish date: Friday. July 4th, 2014

Với gần 4 ngàn hécta, mía là một trong những cây trồng có diện tích lớn của Đồng Nai. Nhưng vài năm trở lại đây, nông dân kém mặn mà với cây mía vì hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi nông dân loay hoay với bài toán tìm cây trồng hiệu quả hơn, thì các nhà máy chế biến đường lại lo vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Diện tích mía giảm trong niên vụ mới vì hiệu quả kinh tế của cây trồng này ngày càng thấp. Trong ảnh: Nông dân Nguyễn Văn Chì ở xã Bình Lợi chăm sóc mía.

Ông Trần Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), cho biết từ lâu đây là vùng đất trồng mía với vài chục lò nấu đường thủ công hoạt động. Nhưng đến nay, nhiều lò đường đóng cửa, nông dân cũng quay lưng với cây mía. Hiện Bình Lợi chỉ còn khoảng 120 hécta mía, giảm khoảng 50% so với niên vụ năm ngoái.

* Lo vụ mía mới

Lợi nhuận từ cây mía tuy không bằng một số cây trồng khác, nhưng bao nhiêu năm qua nông dân vẫn gắn bó vì các công ty mía đường đầu tư cho người trồng từ giống, phân đến bao tiêu sản phẩm. Nhưng điều này cũng không thể giữ chân được nông dân nếu hiệu quả kinh tế của cây trồng này ngày càng thấp.

Theo ông Nguyễn Chí Cường, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), niên vụ năm nay diện tích trồng mía của xã giảm khoảng 100 hécta so với mọi năm. Nông dân kém mặn mà với cây mía vì hiện nay lợi nhuận từ 1 hécta mía chỉ đạt từ 20-25 triệu đồng/năm.

Ông Lê Văn Lấm, nông dân trồng mía tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 hécta đất trồng mía. Thấy cây mía kém hiệu quả, tôi đã chuyển hơn 1 hécta sang cây trồng khác. Vụ mía năm ngoái, tôi chỉ huề vốn, nếu vụ tới tình hình vẫn không cải thiện, tôi sẽ bỏ luôn cây mía”.

Ông Trần Đức Hùng (nông dân ở huyện Trảng Bom) nhận xét niên vụ này, một số nông dân đã bỏ hẳn cây mía, người còn gắn bó cũng trong tâm trạng thấp thỏm, bất an. Ông Hùng dẫn chứng: “Niên vụ trước, khi quy định vận chuyển đúng trọng tải được áp dụng, giá vận chuyển 1 tấn mía tăng thêm 60-70%. Chi phí vận chuyển hầu như ăn hết đồng lời của cây mía.

Hiện gia đình tôi đang trồng khoảng 90 hécta, chủ yếu đất đi thuê nên giá vận chuyển tăng cao, nguy cơ thua lỗ càng lớn. Để giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận cho cây mía, vụ này nhiều nông dân tự trộn phân bón hoặc tăng sử dụng phân hữu cơ”.

* Cơ hội nào cho cây mía?

Nhiều nông dân vẫn giữ đất mía với kỳ vọng đầu ra của cây trồng này sẽ dần ổn định. Việc ứng dụng cơ giới hóa được xem là giải pháp tăng hiệu quả trồng mía. Thực tế, tuy Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh cây mía nhưng vẫn theo hướng manh mún, nhỏ lẻ trong khi ứng dụng cơ giới hóa chỉ phù hợp với những cánh đồng lớn, chi phí đầu tư lại cao nên không dễ đi vào thực tế.

Với diện tích khoảng 150 hécta, ông Nguyễn Công Châu (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) được xem là một trong những nông dân chuyên canh cây mía theo mô hình cánh đồng lớn. Ông Châu cho rằng: “Nông dân chủ yếu vẫn sản xuất thủ công, manh mún nên khó cạnh tranh được với năng suất trồng mía của các nước lân cận làm theo hướng công nghiệp.

Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất không dễ vì cần có sự đầu tư đồng bộ với sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, một số nông dân đã bắt đầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất và đạt hiệu quả tốt. Nhiều loại cây trồng của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về đầu ra nên tôi vẫn đặt kỳ vọng vào cơ hội phát triển của cây mía”.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó tổng giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, cho biết phía công ty đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ nông dân, như: cải tiến về giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch... nhằm tăng năng suất, chất lượng cho cây mía. Kết quả niên vụ vừa qua, chữ đường bình quân cả vụ tăng từ 8,6 lên 9,5, tăng gần 1 chữ đường so với trước.

Năm nay, nhà máy tiếp tục đẩy mạnh chương trình đầu tư, hỗ trợ nông dân về vốn để ứng dụng cơ giới vào sản xuất. Nhờ vậy trong niên vụ mới, diện tích mía do nhà máy đầu tư cho nông dân ở Đồng Nai vẫn giữ được 3.360 hécta.

Theo ông Lê An Khang, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần đường Biên Hòa, niên vụ vừa qua lượng đường tồn kho lớn khiến giá đường giảm đã gây khó khăn cho nông dân trồng mía.

Dự báo thị trường đường sẽ khởi sắc hơn do niên vụ mới sản lượng đường thế giới sẽ giảm do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Theo đó, giá mía thu mua của nông dân sẽ được cải thiện.

Cụ thể, hiện lượng đường tồn kho của đơn vị đang giảm dần, kế hoạch sản xuất của nhà máy lại tăng nên nhu cầu tiêu thụ mía của nông dân sẽ tăng theo.

Thực tế vài năm trở lại đây, các nhà máy trực thuộc công ty chưa hoạt động hết công suất vì thiếu nguyên liệu. Công ty đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây mía.

Ông Huỳnh Công Minh, chủ lò đường tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), khẳng định: “Hàng chục lò nấu đường thủ công đã đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với thị trường khắc nghiệt hiện nay. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn cho những lò đường truyền thống.

Cụ thể, nhiều công ty nước giải khát hoặc một số lò bánh, mứt vẫn sử dụng đường tán để chế biến. Lò của tôi nhờ ký được hợp đồng với công ty sản xuất nước giải khát nên không lo về đầu ra, giá bán cũng khá ổn định.

Nhưng do mọi chi phí đầu vào đều tăng, nhất là giá nhân công ngày càng đắt đỏ nên tôi phải lấy công làm lời. Lò cũng đầu tư thêm nhiều máy móc để giảm chi phí nhân công, mua tận ruộng, bán tận tay nhà sản xuất để tăng hiệu quả hoạt động”.


Related news

Nuôi Rắn Thu Tiền Tỷ Nuôi Rắn Thu Tiền Tỷ

Anh Trần Đình Vường là một trong những người đầu tiên ở thôn Thống Nhất, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, Thái Bình nuôi rắn. Giờ đây, mỗi năm rắn đem về cho gia đình anh tiền tỷ.

Friday. September 28th, 2012
Một Tay Làm Nên Cơ Nghiệp Một Tay Làm Nên Cơ Nghiệp

Bị mất một bàn tay trong chiến tranh nhưng hiện ông Nguyễn Văn Thuận (trại Cầu Cả, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) vẫn có thu nhập 100 triệu đồng/năm từ làm VAC.

Wednesday. August 7th, 2013
Hạn Hán Gây Thiệt Hại Nặng Cho Thủy Sản Ở Cà Mau Hạn Hán Gây Thiệt Hại Nặng Cho Thủy Sản Ở Cà Mau

Hạn hán kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng cho sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Cà Mau, mà sản xuất thuỷ sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Friday. May 3rd, 2013
Trại Gà Nhất Miền Trung Trại Gà Nhất Miền Trung

Với năng lực sản xuất mỗi ngày cho ra đời từ 15.000-20.000 con gà ta giống, hệ thống khách hàng chằng chịt từ tỉnh Quảng Bình vào đến Nam bộ và Tây Nguyên, anh Lê Minh Dư - GĐ Cty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (Tuy Phước - Bình Định) được giới chăn nuôi trong khu vực đặt cho biệt danh là vua gà ta.

Thursday. June 20th, 2013
Người Dân Làm Giàu Nhờ Trồng Cây Lài Ở Tân Thanh (Bến Tre) Người Dân Làm Giàu Nhờ Trồng Cây Lài Ở Tân Thanh (Bến Tre)

Tại ấp Tân Lợi, Tân Hòa (xã Tân Thanh - Giồng Trôm - Bến Tre), có những con giồng bạt ngàn cây lài. Trước đây, chưa ai dám nghĩ đó là loại cây giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, cây lài trên vùng đất cát giồng đã khẳng định điều đó.

Friday. September 28th, 2012