Cây Hồ Tiêu Chết Hàng Loạt
Chuyện cây hồ tiêu bị trộm hái trái non, phá vườn cây chưa làm người dân huyện Chư Pưh hết buồn, thì những ngày qua nhiều vườn tiêu tại huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) bỗng nhiên đổ bệnh, rụng lá chết dần.
“Gia đình tôi trồng tiêu đã 13 năm rồi, tích góp trồng mãi đến giờ được hơn 2.000 trụ, nay tiêu chết dần chỉ còn mấy trăm trụ. Theo hướng dẫn, tôi đã phun thuốc nhưng tiêu vẫn cứ chết”- ông Bùi Văn Khánh, thôn 5, xã Ia Pal (Chư Sê) than thở, quan sát vườn tiêu, chúng tôi nhìn những trụ tiêu giờ chỉ còn lại màu đen, treo lơ lững vài dây tiêu đã khô.
Tại thôn 5, xã Ia Pal có 128 hộ, tính hộ có từ 500 trụ tiêu trở lên thì có khoảng 100 hộ. Hiện nay, hộ nào cũng có tiêu chết, ít thì vài chục trụ, nhiều thì vài trăm trụ. Theo anh Vũ Văn Quyến trưởng thôn 5, thì cả thôn có khoảng 50 ha tiêu (99.000 trụ), đến cuối tháng 11 qua có hơn 10.000 trụ tiêu bị chết, thời điểm này là 12.000 trụ và tiêu vẫn tiếp tục bị chết. Con số trên là tính tiêu kinh doanh, chưa tính tiêu mới trồng, riêng nhà anh Quyến, có 1.500 trụ thì có 400 trụ bị rụng lá, chết khô.
Đến nay, nguyên nhân làm cây tiêu chết hàng loạt vẫn chưa xác định rõ. Ông Khánh-một người trồng tiêu tại thôn 5 chua xót nói: “Thà đất không phù hợp thì chẳng nói, nhà tôi mới chuyển đất từ cà phê sang trồng hồ tiêu cũng bị chết, kể cả vùng thuận lợi cho hồ tiêu cũng bị chết”.
Đồng cảnh ngộ với những hộ trồng tiêu ở Chư Sê, tình hình tiêu chết ở huyện Chư Pưh cũng diễn ra bất thường. Đến vườn tiêu nhà bà Trần Thị Lan, thôn Phú Quang, xã Ia Hrú khi bà đang còn dọn dây tiêu chết trong vườn. Đứng cạnh những trụ tiêu rụng lá, chết dần, bà Lan nói: “Nhà có hơn 2.000 trụ tiêu thì đã chết hơn 1.000 trụ. Tiêu trong vườn đã chết gần hết, đã bỏ hơn 10 triệu đồng tiền thuốc mà chẳng thấy gì.
Tiêu bên rẫy cũng bắt đầu chết, sắp tới lại phải tiếp tục đổ thuốc nhưng không biết có cứu được không”. Theo bà Lan, trong thôn Phú Quang có nhiều hộ trồng tiêu bị chết nhưng không biết là bao nhiêu trụ, hộ nhiều phải kể đến là ông Bốn Phương và anh Vũ. Năm nay, vườn tiêu nhà ông Bốn Phương chết hơn 3.000 trụ. Những xã thiệt hại nặng nhất của huyện Chư Pưh là xã Ia Phang hơn 16 ha, Ia Blứ 37 ha, Ia Đreng hơn 13 ha, Ia Le 10 ha…
Giải thích về việc tiêu chết hàng loạt vừa qua trên địa bàn huyện Chư Pưh, ông Lưu Trung Nghĩa-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Pưh, cho rằng: Nguyên nhân tiêu chết là do nhiều hộ nông dân không theo khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn, đã đầu tư trồng hồ tiêu ở cả các diện tích đất không phù hợp. Mặt khác, do một số diện tích hồ tiêu kinh doanh đã có từ lâu, nên bị thoái hóa chết, số còn lại thì do bệnh chết.
Việc chọn giống tiêu không đảm bảo, người dân lựa chọn giống theo cảm tính, theo kinh nghiệm, khi trồng thì tiêu đã mang sẵn mầm bệnh, nên khi trồng vừa cho hạt thì chết. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tiến hành những biện pháp hỗ trợ người dân đề phòng bệnh cho cây tiêu.
Để giúp dân khắc phục và ngăn chặn việc cây tiêu chết hàng loạt, hiện huyện Chư Pưh đã kết hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu cho người dân. Dự kiến mỗi thôn chọn 2 người để đi tập huấn kỹ thuật rồi về hướng dẫn lại cho bà con.
Đồng thời huyện thường xuyên đưa ra những khuyến cáo kịp thời, để người dân chủ động phòng, sớm có biện pháp cứu chữa vườn tiêu của mình-cũng theo lời ông Nghĩa nói.
Related news
Tiếp nối thành công của Dự án “Xây dựng tiểu vùng nuôi cá rô phi tập trung tại các vùng đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2009-2012” tại khu vực miền Tây, năm 2013, Dự án đã tiếp tục được triển khai tại 3 huyện miền Đông là Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh). Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án đang được xem là hướng đi mới cho người dân vùng cao khi tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” do các cấp Hội Nông dân phát động, nhiều hội viên Hội Nông dân xã An Bình (Kiến Xương - Thái Bình) đã thi đua, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế từ nuôi ba ba gai, đạt nhiều kết quả.
Sau thời gian lao đao, gần đây do giá tôm thẻ chân trắng tăng nên nhiều hộ dân ở vùng ven biển Quảng Ngãi đổ xô nuôi tôm. Đáng chú ý là người dân nuôi tôm theo kiểu phong trào, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp về lịch thời vụ, môi trường ao nuôi, nguy cơ dẫn đến thất bát là điều khó tránh khỏi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định xuất hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa và Tây Ninh phòng chống dịch cúm gia cầm.
Người nuôi gia cầm ở Vĩnh Long và một số tỉnh ĐBSCL đang chịu cảnh thua lỗ do nhiều ngày qua giá trứng giảm mạnh. Cụ thể, hơn tuần trước, trứng gà giá từ 2.000- 2.500 đ, hiện chỉ còn 1.500- 2.000đ; trứng vịt từ 2.000- 2.500đ, giảm còn 1.200- 1.4000đ, trong khi giá thành lên tới 2.000 đ/trứng.