Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ra đồng trong tâm thế mới

Ra đồng trong tâm thế mới
Publish date: Saturday. June 20th, 2015

Hóa ra, nông dân ở Lâm Đồng bây giờ ra đồng chẳng còn cảnh chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối như xưa mà tâm thế đã khác trước rất nhiều.

Anh Đinh Xuân Toản (thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) là tổ trưởng tổ sản xuất rau VietGAP của Công ty Metro Cash & Carry Vietnam (Kho Trung chuyển rau củ quả Đà Lạt, có trụ sở đóng tại huyện Đức Trọng) đang tất bật chỉ huy mấy anh thợ sắt dựng khu nhà kính 1.200m2 công nghệ Pháp ngay trong vườn nhà bỏ dở việc để vào nhà mở tủ lục mấy cuốn sổ ghi chép chỉ cho tôi xem nhật ký sản xuất của từng hộ, từng giống cây trồng, từng loại thuốc bảo vệ thực vật, từng loại phân bón...

Kiểm soát chặt chất lượng

Anh nông dân tuổi chưa đến sáu mươi Đinh Xuân Toản này khẳng định với tôi rằng: “Với cách làm này, sản phẩm của chúng tôi khi đến người tiêu dùng... rủi có vấn đề gì thì cơ quan chức năng dễ dàng truy đến tận nguồn gốc xuất xứ. Ngược lại, khi tiêu thụ, sản phẩm của nhà nông ở đây có giá cao hơn, được khách hàng tin hơn vì chất lượng đạt tiêu chuẩn đặt ra hơn”.

Tôi nhờ Nguyễn Ri Mi Phong, cán bộ kỹ thuật của Kho Trung chuyển rau củ quả Đà Lạt thuộc Metro Cash & Carry Vietnam - người đang “nằm vùng” tại Suối Thông (Đạ Ròn, Đơn Dương) - đưa đi thăm đồng, thăm những nông dân làm rau VietGAP.

Ngồi sau xe máy của Phong, tôi tranh thủ “khai thác”: “Nghe bảo Phong trước đây học ở Đại học Đà Lạt, chuyên ngành nông học, có thời làm cho Dalat Hasfarm, nay về Metro, phụ trách hướng dẫn kỹ thuật tổ hợp tác nông dân ở đây, em thấy sao?”. Anh chàng kỹ sư nông học (đang học dở thạc sỹ) tuổi ba hai này thật thà: “Cái nào cũng có sự hay riêng. Nhưng được “cắm chân” ngay trên đồng ruộng để hướng dẫn bà con nông dân làm rau VietGAP, có nỗi đam mê riêng, anh à! Xuống với bà con, em tự thuê nhà trọ để ở, thu nhập không đáng nói lắm, nhưng em hài lòng vì được làm đúng với cái nghề mà mình đã học”.

Phong dừng xe bên vệ đường. Phía bên trên là vườn rau VietGAP của anh Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1963, trú tại Suối Thông B2, Đạ Ròn). Anh Phúc là một trong những người vào tổ hợp tác sản xuất rau ở đây ngay từ đầu (2007) nên tỏ ra khá thạo tin: “Tổ hợp tác của chúng tôi hiện có 20 thành viên, diện tích sản xuất là 25ha.

Rau củ của 20 hộ thành viên chúng tôi làm ra cung cấp tất tật cho Metro. Trước, nhà nông chúng tôi làm theo tiêu chuẩn Metro Requirements, nay thì nâng lên thành tiêu chuẩn VietGAP. Việc chuyển từ Metro Requirements lên VietGAP không quá khó khăn”. “Vì nhờ có ông cán bộ kỹ thuật Phong này hướng dẫn rồi...” - anh Phúc chỉ vào chàng thanh niên kỹ sư thạo việc và cười thay cho lời ngợi khen. Anh Phúc hiện đang có 1,3ha đất nông nghiệp sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho Metro.

Trên diện tích này, ba loại cây trồng chính được anh trồng theo hướng dẫn của Metro là bắp cải, cà chua và cải thảo; thỉnh thoảng, theo lịch vụ, một phần trong diện tích này sẽ được chuyển sang trồng xà lách, cà tím... “Tùy theo nhu cầu của thị trường mà luân canh. Hơn nữa, sản phẩm làm ra được đảm bảo tiêu thụ hết. Kể cả những lúc nông sản rớt giá thì nông dân là thành viên trong tổ hợp tác của chúng tôi cũng được đảm bảo không lỗ vốn” - anh Phúc nói.

Tôi quay sang hỏi Phong: “Nhờ vào đâu? Metro có bù lỗ?”. Phong chắc nịch: “Không bù lỗ. Vì Metro luôn dự báo thị trường khá chính xác. Với lại, sản phẩm được làm ra ở đây được tiêu thụ chủ yếu trong hệ thống siêu thị Metro trong cả nước nên vấn đề đầu ra luôn đảm bảo. Ví dụ, có lúc cà chua ở Đơn Dương chỉ còn vài ngàn đồng một kg, Metro vẫn thu mua ở mức giá đảm bảo cho nông dân không lỗ, hoặc có lời chút đỉnh; và khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị thì vẫn đảm bảo tiêu thụ hết và có lời chút đỉnh, hoặc ít nhất là huề vốn. Thế mới đảm bảo cho nhà nông yên tâm sản xuất”.

Anh Nguyễn Minh Thắng - một trong những tổ viên của tổ hợp tác rau VietGAP ở Suối Thông B2 nói: “Tôi làm với Metro 7 sào, làm từ 6 năm nay rồi. Hiện 7 sào của tôi được trồng 2 sào sú đang thu hoạch, 2 sào sú khác được gần 20 ngày tuổi (hai tháng rưỡi là thu hoạch), 3 sào còn lại đang trồng cà chua giống Ana theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

6 năm rồi tôi chưa bao giờ phải “mất ăn mất ngủ” như những hộ nông dân sản xuất tự do ở bên ngoài. 2 sào sú của tôi cho thu khoảng 10 tấn, tương đương 70 triệu đồng, cứ trừ khoảng gần 40% chi phí đầu vào thì biết ngay lợi nhuận. Nói chung, làm theo VietGAP với Metro sẽ có thu nhập cao hơn từ 15% - 25% so với làm bình thường trước đây!”.

Xu thế tất yếu

Quả thực, khi chứng kiến cảnh làm việc của những nông dân VietGAP trên đồng rau, tôi không hề có cảm giác về sự khốn khó theo câu thành ngữ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như nhà nông xưa. Bây giờ, nông dân VietGAP khi ra đồng là “ông chủ” và đến lúc rời đồng về nhà “phủi cẳng” bước lên ghế là “đại gia” với áo quần tinh tươm, sang trọng. Tâm thế của họ hẳn khác xưa nhiều lắm!

Vậy, những nông dân ở Đơn Dương (và ở một vài địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng) làm rau theo tiêu chuẩn Metro Requirements so với tiêu chuẩn VietGAP có gì khác, có gì khó hơn? Anh Đinh Xuân Toản khẳng định: “Hai tiêu chuẩn tuy có sự khác nhau nhưng về cơ bản là tiêu chuẩn này chính là cái nền để thực hiện tiêu chuẩn kia nên bà con nông dân ở đây không mấy bỡ ngỡ khi chuyển đổi. Ở tiêu chuẩn Metro Requirements, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Metro.

Còn bây giờ, làm theo tiêu chuẩn VietGAP thì đây là tiêu chuẩn quốc gia nên sản phẩm của bà con được tiêu thụ rộng rãi hơn. Về lý thuyết thì “rộng rãi” hơn là vậy, nhưng trong thực tế thì sản phẩm của bà con làm ra không đủ để cung cấp cho Metro...”. Anh Toản vừa lật lật mấy cuốn sổ ghi chép kiểu nhật ký gieo trồng vừa nói thêm để tôi dễ hình dung “tâm thế” của nhà nông VietGAP ở đây: “Có nhiều mối đến đặt hàng rau VietGAP với nhà vườn Suối Thông nhưng mọi người đều từ chối. Vì, thứ nhất là không đủ hàng, thứ hai là vì “chữ tín” với Metro - đơn vị đang giúp chúng tôi làm nông theo kiểu mới”.

Anh Võ Văn Tuấn - cán bộ quản lý thu mua ngành rau củ quả của Kho Trung chuyển rau củ quả Đà Lạt thuộc hệ thống Metro Cash & Carry Vietnam cho tôi biết thêm: Sau khi thành lập Kho Trung chuyển rau củ quả Đà Lạt, bắt đầu từ 2007, Metro Cash & Carry Vietnam đã đặt ra nhiệm vụ cho mình là huấn luyện nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn MetroGAP (Metro Requirements) để tạo nguồn hàng đầu vào vừa ổn định, vừa có nguồn gốc xuất xứ và vừa đạt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến đầu 2014 đến nay, Metro đã chuyển đổi từ tiêu chuẩn MetroGAP sang VietGAP được 40 nông dân, vừa phát triển thêm 15 nông dân sản xuất theo VietGAP; và cũng theo tiêu chuẩn VietGAP, đang có 25 nông dân được đào tạo. Cho đến lúc này, Metro đã có 55 nông dân ở Lâm Đồng được cấp chứng nhận VietGAP với tổng cộng 100ha đất sản xuất rau củ quả đạt chuẩn VietGAP tại 3 vùng nguyên liệu chính là Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt.

Điều đáng quan tâm nữa là, theo tiêu chuẩn này, 55 nông dân VietGAP Lâm Đồng ở 3 vùng nguyên liệu mỗi tháng cung cấp cho hệ thống Metro trong cả nước 600 tấn hàng rau củ với 72 sản phẩm các loại. “Đặc biệt, 72 sản phẩm rau củ quả của nhà nông Lâm Đồng khi bước vào Metro đều được kiểm chứng tiêu chuẩn VietGAP và hơn thế là phải đạt được tiêu chuẩn HACCP” - anh Võ Văn Tuấn nói thêm. Cán bộ kỹ thuật Nguyễn Ri Mi Phong giải thích: “HACCP là cụm từ tiếng Anh viết tắt: Hazard Analysis Critical Control Point, có nghĩa là hệ thống quản lý chất lượng mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua việc phân tích mối nguy và thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các điểm tới hạn”.

Anh nông dân Đinh Xuân Toản tiếp lời: “Nhà nông chúng tôi được huấn luyện những thứ này rất kỹ. Phải làm theo xu thế tất yếu này thôi. Vì, chỉ sơ sẩy trong sản phẩm của mình một tẹo thôi là... chết ngay!”. Rồi anh Toản nửa đùa nửa thật: “Cái bắp sú này của tôi khi đưa đến đâu đó trong hệ thống mà xảy ra “chuyện” thì hệ thống ghi chép này sẽ “mách bảo”tất cả!”.

Tôi lại nhớ đến những con số do chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cung cấp: Lâm Đồng hiện có gần 40.000ha đất nông nghiệp được sản xuất theo kiểu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, riêng cây rau chiếm đến 11.887ha. Và, một trong mười mục tiêu mang tầm chiến lược mà Lâm Đồng đặt ra cho địa phương phấn đấu trong những năm tiếp theo đó là “Xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm rau hoa không chỉ ở Việt Nam mà ở khu vực Đông Nam Á”. Như vậy, để trở thành một trung tâm rau hoa mang tầm khu vực Đông Nam Á, Lâm Đồng rất cần những nông dân ra đồng với tâm thế mới như những nông dân ở Đơn Dương vừa được cấp chứng nhận VietGAP như trên vừa kể!


Related news

Tôm Nuôi Được Mùa, Được Giá Tôm Nuôi Được Mùa, Được Giá

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 2.229 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm. Nhờ thực hiện khá nghiêm túc lịch thời vụ, kiểm dịch tôm giống, nhân rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng nên hầu hết các địa phương đã khống chế được tình trạng dịch bệnh tôm nuôi, năng suất tôm đạt khá.

Wednesday. October 9th, 2013
Hơn 24.190 Hộ Nuôi Tôm Còn Mắc Nợ Ngân Hàng Hơn 24.190 Hộ Nuôi Tôm Còn Mắc Nợ Ngân Hàng

Tính đến nay, các ngân hàng thương mại đã đầu tư hơn 556 tỷ đồng cho các hộ nuôi tôm. Tuy nhiên, do sản xuất gặp nhiều rủi ro, nên nhiều hộ nuôi tôm lâm vào cảnh nợ nần không còn khả năng thanh toán nợ.

Wednesday. October 9th, 2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Đối Mực Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Đối Mực

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái” tại khu thực nghiệm nuôi trồng thủy sản thuộc Khu sinh thái Cồn Chim- đầm Thị Nại (thuộc địa bàn thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước).

Wednesday. October 9th, 2013
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Giống Gà Siêu Trứng VCN-G15 Hiệu Quả Kinh Tế Từ Giống Gà Siêu Trứng VCN-G15

Với mục đích nâng cao năng suất, sản lượng trứng trong chăn nuôi gà, từ năm 2011 UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức tiếp nhận 2000 con gà giống siêu trứng VCN-G15 do Tổng cục V - Bộ Công an, Viện Chăn nuôi Quốc gia hỗ trợ và nuôi thử nghiệm tại trại chăn nuôi gà của gia đình ông Phạm Đình Thảo (Đội 11, xã Nghi Đức, TP. Vinh).

Wednesday. October 9th, 2013
Mô Hình Nuôi Trâu Murrah Ấn Độ Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Trâu Murrah Ấn Độ Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2008 đến nay, nhiều hộ gia đình ở các địa phương trong tỉnh đã đầu tư phát triển mô hình nuôi trâu Murrah Ấn Độ lấy thịt đạt hiệu quả cao.

Wednesday. October 9th, 2013