Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Bời Lời, Chìa Khóa Thoát Nghèo Ở Hướng Việt

Cây Bời Lời, Chìa Khóa Thoát Nghèo Ở Hướng Việt
Publish date: Tuesday. November 4th, 2014

Cuộc sống người dân xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đang đổi thay từng ngày. Hiện nay người dân dưới chân đèo Sa Mù đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương đưa vào thâm canh các loại cây trồng mới, trong đó hiệu quả nhất là phát triển mô hình trồng cây bời lời.

Chúng tôi đến nhà ông Hồ Văn Hoàng, thôn Xa Đưng, một trong những người tiên phong trồng cây bời lời ở xã Hướng Việt. Ông Hoàng cho biết ngày trước, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Sau khi được các thương lái đặt mua vỏ cây bời lời với số lượng lớn, ông Hoàng và nhiều người dân trong bản đã vào rừng khai thác vỏ cây bời lời vì đây là công việc nhẹ nhàng, nhưng lại có nguồn thu nhập khá cao so với làm nương rẫy.

Nhưng khi lượng người khai thác ngày càng nhiều thì vỏ cây bời lời càng khan hiếm, hoặc muốn khai thác được nhiều thì phải đi vào những cánh rừng già xa xôi, cách trở và nguy hiểm.

Từ đó, ông nảy ra ý định đưa cây bời lời về trồng trên nương rẫy, hoặc trong vườn gia đình để có thể khai thác lâu dài. Ngay khi có cây con giống và các hạt giống nảy mầm, các thành viên trong gia đình ông ra sức chăm sóc, với niềm tin cây bời lời sẽ mang đến cuộc sống sung túc sau này. Từ thời điểm trồng cây bời lời đến khi thu hoạch phải mất ít nhất 7 năm, nên trong khoảng thời gian cây đang phát triển, ông trồng xen thêm ngô, lạc, cây sắn...

Cuộc sống gia đình ông bắt đầu thay đổi khi gần 1 ha cây bời lời đưa vào khai thác năm 2004, thu về hàng chục triệu đồng. Từ đó, ông Hoàng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống cho nhiều người dân trong thôn để cùng nhau phát triển cây bời lời trên địa bàn xã Hướng Việt.

Anh Hồ Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho biết, từ năm 2004 đến nay, chính quyền địa phương có chủ trương đẩy mạnh phát triển cây bời lời, xem đây là cây trồng chủ lực ở địa phương. Bời lời là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, phát triển mạnh trong mọi điều kiện khí hậu, đất đai...

Cây bời lời được tận dụng từ cành đến gốc, như vỏ, lá cây làm bột nhang, làm keo, còn thân cây được dùng trong công nghiệp chế biến gỗ, đồ gia dụng...

Đến nay, toàn xã có hơn 200 ha cây bời lời, trong đó trên 50% diện tích đã cho khai thác. Theo thống kê, bình quân mỗi gia đình trồng ít nhất từ 3.000 - 4.000 cây bời lời, nhiều nhất trên 10.000 cây. Cây bời lời phát triển mạnh tạo nên sự đa dạng về cây trồng ở Hướng Việt và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.

Ngoài ra ở xã hiện có gần 50 mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng/người/năm.

Ngồi trong ngôi nhà kiên cố vừa mới xây dựng với số tiền trên 100 triệu đồng của gia đình ông Hoàng, chúng tôi cảm nhận được hiệu quả kinh tế mà cây bời lời mang lại. Từ hơn 2 ha cây bời lời vừa mới được khai thác, thu về hơn 100 triệu đồng, ông Hoàng không chỉ xây dựng nhà cửa khang trang cho mình mà còn xây nhà, mua sắm phương tiện cho các con khi lập gia đình. Nhiều năm qua, đã có rất nhiều gia đình thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu từ cây bời lời.

Anh Hồ Văn Nam ở thôn Xa Đưng dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây bời lời hơn 3 ha, có tuổi đời trên 10 năm. Bây giờ, cuộc sống gia đình anh đã thay đổi, vươn lên làm giàu với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp, trong đó, cây bời lời là nguồn thu nhập chính.

Dừng chân trên đỉnh đèo Sa Mù, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy màu xanh bạt ngàn của cây bời lời. Đây là tín hiệu vui, bởi không lâu nữa trên 200 ha bời lời đưa vào khai thác thì cuộc sống người dân Hướng Việt sẽ thay đổi rõ rệt, thoát nghèo và vươn lên giàu có bền vững.


Related news

Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học

Chuyến công tác về lại 3 huyện phía nam là Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai (Lâm Đồng) trong những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi thêm một lần nữa chứng kiến cảnh dở khóc dở cười của nông dân về chuyện “trồng - phá, phá - trồng” cây ca cao.

Tuesday. June 3rd, 2014
Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín

Bà Lâm Kim Huệ, ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), nuôi tôm khép kín trong 4.000m2, vừa thu được 7 tấn tôm chân trắng. “Tôi nuôi tôm 4- 5 năm rồi nhưng chỉ thu được chừng 2 tấn với kích cỡ tôm 100 con/kg, giá bán thấp.

Tuesday. June 24th, 2014
Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt

Cây hồng không hạt được người dân xã Quảng Bạch (Chợ Đồn - Bắc Kạn) đưa về trồng từ khá lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho chất lượng quả thơm, ngon không kém so với các nơi khác. Để cây hồng trở thành cây trồng mũi nhọn kinh tế, xã Quảng Bạch đang vận động nhân dân mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng trồng hồng không hạt hàng hóa.

Tuesday. June 3rd, 2014
Bình Thuận Tìm Đường Mới Cho Thanh Long Xuất Ngoại Bình Thuận Tìm Đường Mới Cho Thanh Long Xuất Ngoại

Từ đầu năm đến nay thị trường thanh long của tỉnh Bình Thuận bị biến động mạnh, giá sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chất lượng sản phẩm giảm làm cho nhiều nhà vườn lao đao…Tìm và mở thị trường mới là nhu cầu cấp bách của thanh long Bình Thuận.

Tuesday. June 24th, 2014
Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha

Tại ĐBSCL, vài năm qua đã hình thành các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "cánh đồng lúa chất lượng cao" quy mô từ vài hàng chục đến hàng trăm héc-ta…. Từ những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.

Tuesday. June 3rd, 2014