Cây Bí Đỏ Trên Đồng Đất Vĩnh Phúc
Với ưu điểm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, cho giá trị kinh tế cao và có đầu ra tiêu thụ sản phẩm... những năm gần đây, cây bí đỏ đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều nông dân và khẳng định hiệu quả ở các vùng đất khác nhau trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đây chính là những điều kiện quan trọng để Vĩnh Phúc hướng tới xây dựng thương hiệu "Bí đỏ Vĩnh Phúc".
Sau thu hoạch bí đỏ vụ xuân 2013, nông dân một số xã trồng bí đỏ nhẩm tính, nếu trồng 1 sào bí đỏ cho thu lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng, nếu trồng 1 ha sẽ thu lãi từ 55,4 - 69,25 triệu đồng. Với diện tích hàng năm khoảng 1.000ha, bí đỏ đã trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đang liên kết với các thương lái ở tỉnh Đồng Nai, Hải Dương và một số chợ đầu mối ở Long Biên (Hà Nội) để bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm bí đỏ cho nông dân phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Là hộ trực tiếp và có nhiều kinh nghiệm trồng bí đỏ, anh Khổng Văn Hiệp xã Yên Lập (Vĩnh Tường) cho biết: Từ trồng 2 sào bí đỏ, đến nay anh đã mở rộng diện tích lên gần 1 mẫu. Mỗi vụ trồng bí đỏ, gia đình anh thu lãi gần 2 triệu/sào. Theo anh Hiệp, giống bí đỏ F1-868 là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thích hợp với nhiều điều kiện đất đai và có thể trồng quanh năm. Nếu chăm sóc đúng quy trình, ngoài thu quả bà con có thể tận thu thêm từ 400.000 - 500.000 đồng/sào/vụ từ nụ, hoa, lá và ngọn bí.
Đặc biệt, chi phí đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Một ưu điểm nữa của bí đỏ F1 868 là khả năng tái sinh của cây rất mạnh, sau khi thu hoạch xong, nếu không phá bỏ để trồng cây khác có thể cắt sát gốc, tiếp tục chăm sóc bón thêm phân để bí ra mầm mới, sau thời gian ngắn sẽ cho thêm 1 lứa quả và rau ngọn nữa có giá trị 400.000 - 500.000 đồng/sào. Ngoài ra, quả bí đỏ còn chứa nhiều hàm lượng sắt, giàu vitamin, muối khoáng cũng như các axít hữu cơ.
Axit ascorbin có trong bí đỏ giúp tránh cảm, vitamin nhóm B giúp đấu tranh với mệt mỏi, cáu giận và mất ngủ, củng cố tóc và móng chân, tay. Mấy năm gần đây, ngoài diện tích hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa của tỉnh, người dân trong xã còn chủ động mở rộng và tận dụng tối đa diện tích có thể trồng được để thâm canh cây bí đỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Liễu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Lạc Trung, xã Trung Nguyên (Yên Lạc), qua hơn 6 năm trồng cây bí đỏ, giờ đây, xã viên HTX rất thành thạo về kỹ thuật thâm canh cũng như các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại để cây bí đỏ cho năng suất cao nhất. Sau mỗi vụ thu hoạch, các thương lái ở miền Nam và tỉnh Hải Dương đến thu mua ngay tại ruộng nên xã viên rất yên tâm về đầu ra sản phẩm. Hàng năm, HTX duy trì trồng trên 100ha/năm và đã trở thành cây hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho địa phương và các vùng lân cận.
Với mục tiêu đưa các giống bí đỏ mới vào sản xuất, giúp nông dân tăng giá trị và hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, vụ xuân 2013, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát triển khai vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa giống bí đỏ F1-868 với quy mô 222ha và trình diễn giống bí đỏ mới Dream 968 với quy mô 5,5ha tại 6 xã, thị trấn: Yên Lập, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường), Hoàng Lâu, Hợp Hoà (Tam Dương), Tề Lỗ (Yên Lạc), Liên Hoà (Lập Thạch).
Qua thực tế đánh giá tại đồng ruộng, không ít nông dân so sánh: trong cùng điều kiện canh tác, cách chăm sóc như nhau nhưng Dream 968 vượt trội về năng suất và đạt 540kg/sào (cao hơn giống bí đỏ F1868 là 110kg/sào), thu lãi gần 1,8 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài ra, Trung tâm còn bao tiêu sản phẩm cho 55ha ở thị trấn Hợp Hòa và 1 phần sản phẩm bí đỏ ở xã Tề Lỗ và Trung Nguyên (Yên Lạc).
Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hạt giống Tân Lộc Phát, trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh yếu tố ngoại cảnh và kỹ thuật canh tác thì việc lựa chọn được một giống cây trồng có đặc tính tốt nhằm giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao là yếu tố quan tâm hàng đầu của nhà nông.
Vì vậy, ngay sau khi bí đỏ hạt đậu lai F1 - 868 được đưa vào trồng ở các vùng đất khác nhau trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô, khoai lang. Điều quan trọng, quả bí đỏ F1868 có vỏ dày, cứng, có thể bảo quản trong thời gian dài (vài tháng) nên rất thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi rau giáp vụ kham hiếm.
Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương tỉnh về xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với các địa phương xây dựngvùng trồng trọt sản xuất hàng hóa bí đỏ. Đến nay, diện tích bí đỏ đã lên đến hàng nghìn ha/năm, góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác. Đặc biệt ở vụ đông, những vùng khó khăn về nguồn nước, cây bí đỏ được người dân tận dụng tối đa diện tích để trồng, qua đó đã hạn chế tình trạng để đất trống.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Dương, Trưởng phòng chuyển giao tiến bộ KHKT (Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh) ngoài việc duy trì hàng năm khoảng 1.000ha bí đỏ thì vụ đông 2013, Trung tâm sẽ nhân rộng giống bí đỏ mới Dream 968 lên từ 50-100ha; đưa phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm vào trình diễn từ 5 - 10ha. Đây chính là tiền đề quan trọng không chỉ giúp nông dân Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả kinh tế đơn vị diện tích đất canh tác mà còn tích cực áp dụng các giải pháp thâm canh sạch để sản phẩm bí đỏ được an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu cho bí đỏ Vĩnh Phúc.
Related news
Vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dúi cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện.
Bơ không phải là cây trồng chủ lực của Lâm Đồng, nhưng đã góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả đầu tư cho nông dân trên một đơn vị diện tích và nhất là không tốn nhiều diện tích đất, có thể trồng tận dụng đất quanh nhà, trồng xen với cây chè hay cà phê…
Ngày 30/7, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III Nha Trang - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tổ chức hội thảo kỹ thuật nuôi cua biển xanh thương phẩm tại xã Lợi An.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), sau một thời gian dài được kiểm soát, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại tỉnh Hòa Bình
Khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng khóm chưa được đảm bảo, do giá cả bấp bênh. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao giá trị cho loại nông sản này, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người trồng khóm.