Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cánh đồng mẫu lớn đem lại lợi nhuận cho nông dân

Cánh đồng mẫu lớn đem lại lợi nhuận cho nông dân
Publish date: Friday. August 28th, 2015

Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị lúa hàng hóa cho nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh đã triển khai chương trình “Cánh đồng mẫu” sản xuất lúa trên địa bàn các huyện trọng điểm của tỉnh. Qua triển khai, chương trình này đã khẳng định hiệu quả kinh tế và thu hút đông đảo bà con nông dân đăng ký tham gia.

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng GAP nhằm gia tăng chất lượng lúa gạo bằng cách sản xuất theo những yêu cầu và đòi hỏi của quy trình GAP. Theo đó, sản phẩm lúa gạo làm ra không chứa dư lượng hóa chất và vi sinh vật gây hại. Đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ, truy nguyên được nguồn gốc.

Từ những định hướng trên trong năm 2015 này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai thực hiện được 27 điểm về cánh đồng lớn, diện tích 4.327ha, có 4.236 hộ tham gia.

Nông dân tham gia mô hình trên tinh thần tự nguyện, được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, hướng dẫn cách ghi chép sổ tay trong quá trình sản xuất lúa. Cánh đồng sản xuất theo qui trình: cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ; sử dụng cùng một loại giống lúa cấp xác nhận chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, xuống giống đồng loạt với mật độ gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha. Qui trình bón phân cũng phải đúng theo bảng so màu lá.

Việc triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp Trà Vinh qui hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững; giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng nông sản theo hướng tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao, trên cơ sở đó, mở rộng “liên kết 4 nhà” theo hướng “Nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”.

Mục tiêu chính của chương trình “Cánh đồng mẫu” là hướng nông dân tiếp cận 4 tiêu chí của GAP gồm: sản phẩm được an toàn và có chất lượng, an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường và truy tìm được nguồn gốc sản phẩm.

Tạo thói quen cho nông dân trong việc lập sổ ghi chép quá trình sản xuất lúa và chuyển giao, ứng dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa chất lượng cao…Việc ứng dụng tốt quy trình sản xuất lúa theo hướng GAP đã giúp nông dân giảm được 50% lượng giống, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt.

Để thực hiện có hiệu quả cho mô hình, Chi cục còn kết hợp với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức tập huấn các giai đoạn bón phân và cung cấp phân bón chuyên dung cho bà con thực hiện mô hình đến cuối vụ mới thu hồi. Như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Minh, ấp An Chay, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tham gia thực hiện “Cánh đồng mẫu” vụ hè- thu này gia đình làm 20 công, với giống lúa OM 5451 và thực hiện biện pháp sạ hàng.

Gia đình anh thu hoạch cho năng suất trên 37 giạ/công, với giá bán hiện nay là 6.000 đồng/kg, gia đình anh thu vào hơn 4,3 triệu đồng/công. Anh Nguyễn Văn Minh cho biết: “Tham gia cánh đồng mẫu này gia đình tôi được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Công ty VFC hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, Công ty phân bón Bình Điền tập huấn và hỗ trợ phân bón trả chậm. Kết quả, tôi thấy cây lúa gia đình phát triển tốt, chi phí cũng thấp hơn. Vụ năm nay ruộng tôi trúng hơn so với các vụ trước”.

Hiện nay lúa trên “Cánh đồng mẫu” ở tỉnh đã bắt đầu thu hoạch, ước cho năng suất bình quân trên 5,5 tấn/ha, với giá bán 6.000 đồng/kg, nông dân thu vào hơn 33 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng hơn 3 triệu đồng/ha.

Mô hình “Cánh đồng mẫu” mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện trên địa bàn đã giúp cho bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xây dựng vùng sản xuất và thương hiệu cho lúa chất lượng cao ở Trà Vinh đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu và đem lại lợi ích cho người nông dân.


Related news

Thả 9 triệu con cá giống nước ngọt vào môi trường tự nhiên Thả 9 triệu con cá giống nước ngọt vào môi trường tự nhiên

Sáng 11–9, Chi Cục Thú y tỉnh Bình Dương tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2015 trên địa bàn Bình Dương.

Wednesday. September 16th, 2015
Giải pháp đảm bảo nguồn nước nuôi trồng thủy sản Giải pháp đảm bảo nguồn nước nuôi trồng thủy sản

Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có lợi thế rất lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ.

Wednesday. September 16th, 2015
Cần quản lý con giống và môi trường nuôi thủy sản Cần quản lý con giống và môi trường nuôi thủy sản

Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên vừa thu mẫu nước tại 14 vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh để xác định mức độ ô nhiễm môi trường nước tại các vùng nuôi này.

Wednesday. September 16th, 2015
Sản xuất tôm kháng virut đốm trắng Sản xuất tôm kháng virut đốm trắng

Nhà nghiên cứu Dean Lo Chu-Fang từ Đại học Quốc gia Cheng Kung (NCKU) của Đài Loan và các cộng sự đã hợp tác với trại nuôi tôm sú hữu cơ OSO ở Madagascar để sản xuất một loại tôm sú có khả năng kháng bệnh vi rut đốm trắng (WSSV).

Wednesday. September 16th, 2015
Chợ cá trong mưa bão Chợ cá trong mưa bão

Hàng trăm tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh chạy vào bờ tránh trú báo từ trưa 13.9. Cũng từ thời khắc này, bến neo đậu tàu thuyền trở thành chợ cá sôi động trong mưa bão.

Wednesday. September 16th, 2015