Cảng Hải Phòng Ùn Ứ Hàng Vạn Tấn Nông Sản
Tính đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng nông sản (gạo, ngô, sắn, bột ngô...) đang bị ùn ứ nghiêm trọng tại các cảng Nam Ninh, Vật Cách, Hoàng Diệu (Hải Phòng), số lượng lên tới hàng vạn tấn.
Nguyên nhân của việc ùn ứ này là do việc lập trạm cân tải trọng xe, siết chặt tình trạng các loại xe vi phạm quá tải.
Bà Lê Thị Thanh Hằng - Giám đốc Cảng Nam Ninh - cho rằng, nếu cứ để tình trạng ùn ứ như thế này thì không biết hàng sẽ được đưa đi những đâu khi tất cả các kho đều đã chất đầy. Cảng Nam Ninh phải huy động cả bếp ăn, nhà ở của công nhân để chứa hàng. Đa phần các chủ hàng đều trong tình trạng nghe ngóng về việc đưa nguồn hàng đi như thế nào khi các trạm cân đều được lập chốt để cân tải trọng xe.
Hơn nữa, đây là thời điểm để các thương lái tăng giá cước, dao động từ 10 - 30%. Thế nhưng, việc tăng giá cước xem ra cũng không giải quyết được bài toán hàng ứ đọng. Người làm ra sản phẩm là nông dân đang bị thiệt đơn thiệt kép.
Chủ một doanh nghiệp (DN) cho biết, việc lập trạm cân để cân tải trọng xe, nếu được duy trì đều đặn, thì buộc các DN phải chấp hành đúng quy định, nhưng việc tăng giá cước vận tải là điều khó tránh. Hiện DN đã tăng giá lên tới 10% so với giá cũ, nên nhiều chuyến hàng tạm thời dừng hoạt động để nghe ngóng tình hình.
Hàng ách tại cảng không chỉ gây khó khăn cho chủ hàng mà còn hàng trăm người lao động không có việc làm, vì hàng nằm chờ không bốc xếp đồng nghĩa với việc người lao động “ngồi chơi xơi nước”.
Theo giám đốc một DN chuyên kinh doanh gạo, hiện số gạo bị ùn ứ của họ đến thời điểm hiện tại là trên 40.000 tấn. DN buộc tăng cước vận tải chở gạo đi từ Hải Phòng đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, tăng từ 900.000 - 1.000.000 đồng /tấn. Tuy nhiên, vẫn không có chủ xe nhận chở bởi tâm lý... sợ trạm cân.
Bên cạnh đó còn lượng lớn hàng đang bị ứ đọng tại các tàu. “Hiện có hàng trăm tàu đang neo đậu khắp các cảng, nếu cứ tình trạng này, chắc các chủ tàu phải dời cả tàu về phía neo tại đảo Dáu ở Đồ Sơn. Các chủ tàu đang đứng ngồi không yên vì hàng không được đưa lên bờ”- một chủ tàu đang neo tại sông Cấm nói. Khi được hỏi về việc vẫn có một số xe tải chở hàng từ Cảng Vật Cách lên bờ, một giám đốc cảng cho hay, hàng không phải đưa đi bán mà chở về để xếp tại các kho trên địa bàn Hải Phòng. Kho nào còn xếp được thì DN đều đã liên lạc hết. Thậm chí kho Trung Hành của hãng tương ớt “Quê tôi” cũng đầy ắp hàng.
Hàng ách tại cảng không chỉ gây khó khăn cho chủ hàng mà còn hàng trăm người lao động không có việc làm, vì hàng nằm chờ không bốc xếp đồng nghĩa với việc người lao động “ngồi chơi xơi nước”. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng thừa nhận, việc tăng giá cước của các chủ xe cũng như hàng hóa bị ách tại các cảng là có, nhưng để tìm giải pháp tối ưu thật khó, vì sở làm theo chỉ đạo của cấp trên (!?).
Trên thực tế, việc Bộ GTVT lập trạm cân để cân tải trọng xe, Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông phải huy động vài chục người thực thi công việc 24/24h, chủ hàng tăng giá cước, nhưng hàng vẫn ách tại cảng. Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng đang tích cực “kêu khóc” cho DN, nhưng vẫn chưa có lời giải. Lúc này, gánh nặng và thiệt thòi lớn nhất vẫn là nông dân - người làm ra sản phẩm nông sản.
Related news
Sở KH-CN Quảng Nam vừa phối hợp với Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) tổ chức hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm lựa chọn địa điểm xây dựng chà - rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam”. Dự kiến sẽ triển khai mô hình tại đông bắc đảo Hòn Dứa (vùng biển Bàn Than, Núi Thành) nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi ven bờ.
Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước có khoảng 3.700 tổ, đội tàu cá với khoảng 22.000 tàu/140.000 lao động tham gia cùng vươn khơi bám biển.
Từ ngày 15-12-2013 ở Thanh Hóa, trên địa bàn các xã: Xuân Bình, Xuân Hòa (Như Xuân) và Thạch Tượng (Thạch Thành) đã xảy ra bệnh lở mồm, long móng (LMLM) làm 177 con trâu, bò bị mắc bệnh.
Hiện nay, xu hướng sản xuất đa canh, đa con trên cùng một diện tích được nhiều nông dân xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai - Bạc Liêu) áp dụng. Với mô hình lúa - ếch - cá kết hợp, mỗi năm đem về cho người nuôi hàng trăm triệu đồng. Theo đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.
Từ năm 2008 đến nay, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) thực hiện các mô hình trình diễn đã giới thiệu cho người chăn nuôi về quy trình nuôi gà thả vườn, chuyển giao các giống mới, nuôi gà thả vườn chất lượng tốt theo hướng an toàn sinh học đem lại lợi nhuận kinh tế cao.