Cần Thơ Tăng Xuất Khẩu Thủy Sản Cao Cấp Sang Các Thị Trường Khó Tính
Theo Sở Công Thương Cần Thơ, địa phương này vừa xuất khẩu trên 11.000 tấn thủy sản cao cấp, chủ yếu là tôm sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Australia, Singapore, Hoa Kỳ.
Như vậy, tổng lượng thủy sản cao cấp Cần Thơ đã xuất khẩu sang các thị trường nói trên từ đầu năm đến nay được 55.000 tấn, chiếm 35% tổng sản lượng đã xuất, nhiều gần gấp đôi so với năm ngoái, góp phần nâng tổng kim ngạch thủy sản đạt gần 500 triệu USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ.
Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết đạt được kết quả trên là nhờ thành phố tăng cường quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đối với nhiều sản phẩm, hạn chế quan hệ với đối tác trung gian mà giao dịch trực tiếp với khách hàng, với người tiêu dùng nước ngoài và tăng quy mô sản xuất để giảm thêm chi phí và đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài.
Cần Thơ cũng hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản, đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng giao tiếp trong quan hệ ngoại thương; làm cầu nối giới thiệu các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp địa phương và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng với việc giúp các doanh nghiệp nghiên cứu, định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, mở rộng quan hệ ngoại thương tại nhiều nước, lãnh thổ như Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Anh, Australia, Bỉ, Hong Kong, Singapore, Indonesia, thành phố Cần Thơ cho các doanh nghiệp vay thêm trên 8.000 tỷ đồng mua nguyên liệu chế biến mặt hàng mới, tiêu thụ sản phẩm nhanh tại thị trường nội địa đồng thời mở rộng thị trường tại các nước có rào cản kỹ thuật khắt khe như Nhật, EU, Mỹ, Singapore, Australia.
Trong hai tháng cuối năm, thành phố tập trung giảm chế biến thủy sản thô để đa dạng hóa và tăng tỷ trọng sản phẩm cao cấp; quản lý chất lượng và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn; tập trung chế biến tôm, đặc biệt là tôm sú, các loại cá ướp đông philê và nguyên con, sản phẩm nhuyễn thể đóng gói nhỏ ăn liền, nấu liền… là những mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường quốc tế.
Để có đủ nguyên liệu, thành phố liên kết với các tỉnh mua thêm tôm sú, cá tra phục vụ chế biến; tạo điều kiện cho các đơn vị liên doanh, liên kết với nhau trong sản xuất và xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm theo kỹ thuật cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủy sản, đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng tại châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương, góp phần đưa giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm đạt trên 600 triệu USD.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/72170/can-tho-tang-xuat-khau-thuy-san-cao-cap-sang-cac-thi-truong-kho-tinh.htm#.VGQjqY0cTDc
Related news
Khi nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đang gặp khó khăn thì việc đa dạng hóa đối tượng nuôi xuất khẩu trở nên cần thiết. Cá rô phi là một đối tượng xuất khẩu có nhiều tiềm năng.
Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (viết tắt là Công ty ATDC, Đà Lạt) đang triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ giống gà J-Dabaco (thường gọi là “gà đeo kính”) theo hướng an toàn sinh học tại một số tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Sáng 10/12, tại TPHCM, Ban Quản lý dự án Quản lý bùn thải cá tra ở Việt Nam họp đánh giá một số kết quả ban đầu về nghiên cứu nuôi cá tra tuần hoàn nước và dự kiến kinh phí nghiên cứu giai đoạn 2 của dự án này, trong 2 năm 2014-2015.
Năm 2013, chăn nuôi bò trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng với tổng đàn bò 141.641 con, trong đó bò lai hướng thịt 128.438 con, tăng 7%, đàn bò sữa 13.203 con, tăng 19% so cùng kỳ năm 2012. Đàn bò phát triển mạnh góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi năm 2013 đạt 52,1 % cơ cấu trong nông nghiệp.
Tổ chăn nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp một số hội viên và nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.