Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Sớm Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Các Dự Án Đầu Tư

Cần Sớm Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Các Dự Án Đầu Tư
Publish date: Tuesday. July 22nd, 2014

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 42,3% số dự án đã, đang triển khai thực hiện và đi vào hoạt động. Số dự án còn lại hiện đang gặp khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… Thực tế này đang đòi hỏi các ngành, địa phương cần sớm có những giải pháp phù hợp để giúp nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương.

Nhiều dự án bị "vướng"

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch-Đầu tư) thì trong tổng số 111 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư mà đơn vị thực hiện rà soát tiến độ vừa qua thì có tới 46 dự án chưa hoặc không triển khai thực hiện và 18 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư.

Điều này đã cho thấy, việc triển khai thực hiện các dự án của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa được hiệu quả và chưa đáp ứng được kỳ vọng như chủ trương ban đầu.

Mặc dù đứng chân trên địa bàn chuyên canh nông sản (Chư Jút) nhưng đến nay Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng vẫn chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Ảnh: Ngọc Tâm

Dự án Trung tâm du lịch thác Trinh Nữ do Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê (Đắk Lắk) làm chủ đầu tư tại huyện Chư Jút là một ví dụ.

Thời gian qua, do thủ tục bàn giao chính thức cho doanh nghiệp chưa hoàn tất nên đã gây nhiều khó khăn cho việc triển khai đầu tư dự án của đơn vị. Nguyên nhân là do thủ tục phá sản đối với Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Nông chưa được ngành chức năng giải quyết nên từ ngày tiếp quản đến nay, doanh nghiệp đã không có đủ cơ sở pháp lý để đẩy mạnh công tác xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mới và đưa trung tâm vào khai thác, sử dụng.

Nhiều hạng mục công trình tại khu trung tâm thác như chòi nghỉ, nhà điều hành, nhà vệ sinh, khu nhà hàng… lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng nên từ đầu năm 2013, doanh nghiệp này đã phải tạm ngưng các hoạt động kinh doanh.

Việc quy hoạch chỉnh trang khu vực dự án, thủ tục thiết kế quy hoạch của doanh nghiệp cũng không triển khai được do đơn vị chưa đủ cơ sở pháp lý. Hơn thế nữa, hàng tháng, đơn vị cũng đang phải thực hiện trả tiền vay từ ngân hàng cho Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Nông (theo thỏa thuận tiếp quản dự án) và chi trả chi phí thuê nhân công bảo vệ dự án nên đã gây lãng phí và làm mất cơ hội đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời gian dài…

Còn Dự án Khu thương mại và dịch vụ đa chức năng của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng (Chư Jút) cũng vậy. Do ảnh hưởng của thị trường, giá cả vật tư, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nên thực tế này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí thực hiện dự án.

Hiện tại, doanh nghiệp đang điều chỉnh lại dự toán cho phù hợp nên tiến độ triển khai bị chậm trễ so với kế hoạch. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong quá trình sản xuất do thiếu vùng nguyên liệu. Trong đó, vì nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên việc thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn của doanh nghiệp cũng chưa thể triển khai được…

Tương tự, Công ty Cổ phần chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh (Chư Jút) cũng đang gặp khó khăn trong cơ chế vay vốn và cơ chế khấu hao tài sản nên việc tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất của doanh nghiệp bị hạn chế…

Dự án Trung tâm du lịch thác Trinh Nữ (Chư Jút) do thủ tục bàn giao cho doanh nghiệp chưa hoàn tất nên đã gây nhiều khó khăn cho việc triển khai. Ảnh: Y KRăk

Cần sớm có giải pháp tháo gỡ

Được biết, nguyên nhân ở đây một phần là do các nhà đầu tư trong những năm qua chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ít kinh nghiệm và không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Vì thế, sau khi được UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương đầu tư hoặc sau khi thực hiện xong các thủ tục thì không có khả năng để triển khai thực hiện hoặc kéo dài thời gian gây nên tình trạng chậm tiến độ.

Một số dự án sản xuất nông, lâm nghiệp và du lịch thì “vướng” phải tình trạng xâm chiếm đất đai của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, làm cản trở tới việc thỏa thuận đất đai cũng như quản lý bảo vệ rừng và triển khai các bước tiếp theo của dự án. Điều kiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nói chung, trong đó, hệ thống giao thông đến khu vực triển khai các dự án du lịch cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới việc quảng bá, thu hút khách đến tham quan, du lịch…

Cũng theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thì vừa qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và thúc đẩy các dự án triển khai một cách có hiệu quả, đơn vị đã đề xuất Sở Kế hoạch-Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp.

Theo đó, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết, liên doanh để đảm bảo đủ năng lực tài chính khi triển khai thực hiện. Việc lựa chọn các nhà đầu tư cũng cần thực hiện kỹ lưỡng hơn nữa, trong đó, ưu tiên những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao.

Công tác cải cách hành chính nên tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường theo hướng hỗ trợ nhà đầu tư, đảm bảo nhanh, kịp thời, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng cần bố trí quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong việc lựa chọn địa điểm và quyết định đầu tư, hạn chế tình trạng không giải phóng được mặt bằng hoặc chi phí quá cao dẫn đến kém hiệu quả khi triển khai.

Cơ chế phối hợp cung cấp thông tin đầu tư giữa các sở, ngành với UBND các huyện, thị xã theo định kỳ cũng cần được đẩy mạnh, để các địa phương biết, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện dự án được kịp thời. Riêng với Dự án Trung tâm du lịch thác Trinh Nữ, tỉnh cần sớm giải quyết thủ tục phá sản đối với Công ty Thương mại và Du lịch Đắk Nông, bàn giao cho nhà đầu tư để tiến hành sửa chữa, khôi phục lại dự án và đưa vào hoạt động.


Related news

Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha Nông Dân Đại An Trồng Môn Lợi Nhuận Bình Quân Trên 200 Triệu Đồng/ha

Ông Hà Văn Rem, một trong những nông dân có nhiều thâm niên trong việc trồng môn cho biết, nhờ trồng môn mà đời sống người dân trong ấp Đại An (Trà Vinh) không ngừng được cải thiện, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố đã mọc lên từ thu nhập “trồng môn”.

Friday. May 23rd, 2014
Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt Giá Nông Dân Trồng Ớt Lao Đao Vì Rớt Giá

Bước vào vụ thu hoạch năm nay, những nông dân trồng ớt ở Bố Trạch (Quảng Bình) chưa kịp vui mừng vì được mùa thì phải khốn khổ với nỗi lo ớt rớt giá.

Friday. May 23rd, 2014
Triển Vọng Nghề Nuôi Hàu Bằng Bè Trên Sông Triển Vọng Nghề Nuôi Hàu Bằng Bè Trên Sông

Qua học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi hàu ở các tỉnh ven biển, anh Nguyễn Văn Thiệu đã về quê (khóm 5, Thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đầu tư nuôi hàu bằng bè trên sông nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Friday. May 23rd, 2014
Lợi Nhuận Của Nông Dân Tham Gia Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Đạt Cao Lợi Nhuận Của Nông Dân Tham Gia Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Đạt Cao

Tổng kết mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Đông Xuân 2013- 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cho biết, bình quân mỗi ha ruộng trong mô hình, nông dân có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình trên 3,1 triệu đồng/ha.

Friday. May 23rd, 2014
Cày Nát Đáy Biển Săn Banh Lông Cày Nát Đáy Biển Săn Banh Lông

Thời gian gần đây, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang lên cơn sốt đánh bắt và thu gom con banh lông, khi loài sinh vật biển chưa từng được ngư dân quan tâm đánh bắt này bất ngờ được các thương lái Trung Quốc săn lùng và mua với giá cao ngất ngưởng

Friday. May 23rd, 2014