Cần Hỗ Trợ Người Chăn Nuôi Tái Đàn Sau Lũ
Nguồn vốn, nguồn thức ăn thô thiếu trầm trọng, cộng với môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát... khiến cho công tác tái đàn chăn nuôi của người dân vùng lũ Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi đang rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể...
Nước lũ đã rút hơn nửa tháng nhưng gia đình anh Lê Công Văn, xóm 5, xã Quỳnh Trang vẫn chưa hết bàng hoàng. Hơn 500 con gà thịt và hàng ngàn quả trứng gà của gia đình đã bị nước lũ nhấn chìm, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Sau khi nước rút, anh tập trung tu sửa chuồng trại, phun thuốc xử lý môi trường. Hỏi về việc tái đàn, anh Văn lắc đầu: Cơn lũ vừa qua khiến gia đình tôi thiệt hại nặng quá. Bao nhiêu vốn liếng, công sức và đặc biệt là nguồn giống của gia đình đã mất sạch. Nhờ được sự hỗ trợ của các cấp, tổ chức và nhiều nhà hảo tâm nên cuộc sống của chúng tôi đang dần ổn định lại. Nhưng việc tái đàn thì chưa dám nghĩ tới vì không biết xoay đâu ra vốn để mua giống.
Anh Hoàng Đình Diến, xóm 10, xã Quỳnh Trang chia sẻ: Những ngày qua, cuộc sống của gia đình tôi hết sức khó khăn, bởi bao nhiêu rau màu, ngô và nhiều tài sản khác bị nước lũ cuốn sạch. Hơn 500 con gà đã nặng trên 1kg, đang chuẩn bị bán thì bị chết 300 con, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn đang nợ của các đại lý, giờ không biết nhìn vào đâu để trả nợ. Vừa qua, các đoàn cứu trợ đến có tặng gạo, mì tôm, nước uống và một ít tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình chứ chưa có điều kiện để khôi phục lại sản xuất. Hiện, nhà tôi đang cố gắng chăm sóc đàn vịt còn lại chứ chưa có điều kiện mua giống mới về nuôi.
Những thiệt hại về chăn nuôi của người dân là rất nặng nề và không biết đến khi nào có thể khắc phục được. Ông Đậu Minh Công, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang phân trần rằng, xã cũng đã vận động người dân cố gắng ổn định cuộc sống để có thể khôi phục lại đàn gia súc, gia cầm sau khi lũ qua, nhưng cuộc sống của người dân hiện đang rất khó khăn nên chưa thể thực hiện ngay được. Nói rồi ông Công không quên nhắc lại những mất mát về chăn nuôi khi hơn 30.000 con gia cầm, 100 con dê, hươu và 4 con bò của người dân đã bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng. “Hiện nay, chỉ một vài nhà có điều kiện tiếp tục chăm sóc số gia cầm, gia súc còn lại chứ việc tái đàn thì e rằng đang rất khó khăn. Xã đã tiến hành tổng hợp danh sách thiệt hại của người dân và gửi lên cấp trên để chờ được hỗ trợ”.
Cơn bão số 10 vừa đi qua, bão số 11 lại tiếp tục ập đến, lũ chồng lũ khiến người chăn nuôi ở phường Quỳnh Xuân gặp vô vàn khó khăn. Đến chiều ngày 19/10, nhiều tuyến đường, ngõ xóm và vườn của người dân ở các xóm 7, 8 vẫn còn bị ngập nước. Do ngâm nước lâu ngày, cộng với việc xử lý môi trường chưa triệt để nên ở 2 xóm trên đã có hiện tượng lợn bỏ ăn, 5 con đã chết. Ông Vũ Văn Từ, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Chưa khi nào mà người chăn nuôi trên địa bàn phường lại khó khăn, vất vả như hiện nay. Đợt lũ này mới qua được mấy ngày thì cơn lũ khác lại ập đến khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng gia súc bị chết. Chúng tôi đã báo cáo với Trạm Thú y thị xã để có biện pháp khoanh vùng, phun thuốc khử trùng và dập dịch, tránh dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng.
Trên địa bàn phường Quỳnh Xuân có 3 gia trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, cả 3 gia trại này đều thiệt hại nặng nề. Gia trại của ông Hồ Trọng Đào ở xóm 8 đã mất 400 con gà, vịt, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Ông Phạm Chí Diên, Phó phòng Kinh tế, Thị xã Hoàng Mai cho biết: Để khôi phục chăn nuôi, ngay sau khi nước rút, các địa phương ở Thị xã Hoàng Mai đã nhanh chóng tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi, khu vực có gia súc, gia cầm bị chết do mưa, lũ. Người dân các địa phương đã khẩn trương sửa chữa, khôi phục chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước, hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi. Thời gian tới, Trạm Thú y thị xã và các địa phương sẽ tổ chức tiêm phòng các bệnh theo quy định và kiểm soát chặt việc vận chuyển con giống, bảo đảm con giống sạch bệnh cung ứng cho các hộ chăn nuôi. Ðồng thời, vận động người dân tiến hành trồng ngô mật độ cao, cỏ, các loại cây xanh có khả năng phục hồi nhanh nhất làm thức ăn cho vật nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này là người chăn nuôi đang thiếu vốn để tái đàn. Vì vậy, thị xã rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân để người dân có điều kiện tái đàn.
Việc khôi phục sản xuất chăn nuôi sau mưa lũ ở Thị xã Hoàng Mai là giải pháp quan trọng, cấp thiết nhằm nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy phát triển chăn nuôi cả tỉnh, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho nhân dân, nhất là dịp cuối năm. Vì vậy, ngay trong lúc này các cấp chính quyền cần phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời thống kê chi tiết, đánh giá thực tế nguồn con giống, số lượng giống còn thiếu, nguồn thức ăn tự nhiên còn lại để phục vụ cho sản xuất trước mắt trên từng địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại trong mưa lũ theo Quyết định số 35 ngày 8/7/2013 của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, để chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ, rất cần sự chung tay của các công ty, đơn vị trong ngành chăn nuôi trong việc ủng hộ con giống, thức ăn, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi... trực tiếp cho các hộ gia đình nhằm giúp người chăn nuôi nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.
Related news
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, tuần qua, giá tôm sú nguyên liệu cỡ 20 con/kg tại Cà Mau tăng thêm 5.000 đồng/kg so với tuần trước.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 300 điểm chăn thả ong mật, mỗi điểm có hơn 300 thùng chứa với hàng chục nghìn đàn ong trú ngụ và toả đi hút mật. Ông Lê Triển, Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết, ở Hải Lăng có gần 50 điểm chăn thả ong mật với khoảng 3.000 đàn ong. Các chủ ong phần lớn ở các tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Long An...
Nếu như vụ nghêu 2011 có hàng trăm hộ nuôi rơi vào cảnh lỗ nặng do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng thì sang năm 2012 bà con ai cũng thở phào nhẹ nhỏm vì nghêu đang phát triển tốt. Hiện nghêu thương phẩm có giá bán khá cao, năng suất tăng hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu.
Ấp Phú Đông Thượng, xã Bình Khánh Đông (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) nằm cặp theo sông Vàm Cái Quao và sông Hàm Luông. Toàn ấp có khoảng 110ha đất tự nhiên, trong đó có 96ha đất sản xuất nông nghiệp. Ấp có 332 hộ, với 1.156 nhân khẩu, đa số sống bằng nghề nông, chủ yếu trồng cây dừa kết hợp chăn nuôi. Toàn ấp hiện có 25% hộ khá giàu, 60% hộ trung bình và hộ nghèo chiếm 12%. Đặc biệt, ấp có Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm càng xanh trên diện tích 196ha mặt nước rất hiệu quả.
Ông Lê Văn Hoàng, ở ấp Phú Long A - xã Phú Khánh (Thạnh Phú - Bến Tre), có kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn gần 4 năm nay. Trước đây, với ý định nuôi gà ta nhỏ lẻ để bán cho bà con trong xóm nên ông chỉ nuôi trên 30 con. Thấy có hiệu quả kinh tế, ông bắt đầu tăng số gà nuôi.