Cần Có Cơ Chế Quản Lý Giá Cá Ngừ Đại Dương Sau Khai Thác
Liên tục trong nhiều tháng qua, giá cá ngừ đại dương thu mua tại cảng không vượt quá 100.000 đồng/kg. Điều đáng nói, từ đầu năm đến nay sản lượng cá ngừ ngư dân đánh bắt không bằng các năm trước, thậm chí là mất mùa; doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất nhưng giá cá thu mua thì lại lên xuống thất thường.
Câu chuyện về việc cần có cơ chế quản lý giá cá ngừ đại dương sau khai thác không phải là mới nhưng vẫn luôn là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan chủ quản mà cho đến nay vẫn chưa tìm được hướng đi cụ thể để đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khai thác và quyền lợi cho những ngư dân đánh bắt khơi xa đang ngày đêm bám biển.
Những tháng đầu năm nay, trong số nhiều tàu câu đèn cá ngừ đại dương về cảng Hòn Rớ - Nha Trang, không ít những tàu cá thất thu sản lượng. Thực trạng về ngư trường khan hiếm cá đang là nỗi lo đối với bà con ngư dân làm nghề khai thác cá ngừ đại dương. Với đội tàu gồm 4 chiếc, ông Kiều Minh Thuận và các bạn tàu đi đánh bắt gần một tháng trời ngoài khơi xa, nhưng chỉ có 2 chiếc về cảng đủ bù đắp phí tổn.
Sản lượng ít đã khó, chi phí đánh bắt lại tăng cao trong khi giá cá thì lúc lên lúc xuống. Hiện cá ngừ mua xô chỉ khoảng 92.000 đồng/kg, trong khi cá loại 1 cao nhất chỉ bán được với giá 97.000 đồng/kg. Bình quân mỗi chuyến biển bà con ngư dân phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để chi phí, tuy nhiên, với giá cá như hiện nay, đa phần chủ tàu đều huề hoặc lỗ vốn.
Ông Kiều Minh Thuận – Chủ tàu KH96481TS cho biết ngư dân đi bám biển thì giá cá phải từ 100.000 đồng/kg trở lên mới yên tâm được. Nếu giá cá thấp bà con không thể nào đánh bắt, ví dụ 20 chục chiếc tàu thì có 7-8 chiếc đủ sản lượng để bù đắp phí tốn, còn lại là lỗ. Bởi vậy giá cao thì bà con mới mạnh dạn đi đánh bắt.
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường. Tuy nhiên, việc giá thành sau khai thác lên xuống thất thường như hiện nay đã trở thành rào cản đối với nghề câu cá ngừ đại dương. Điều đáng nói là thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, thế nhưng các cơ quan, ban ngành liên quan vẫn chưa có cơ chế nào nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề “làm giá” đối với sản phẩm thủy sản.
Chúng ta đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho cá ngừ Việt Nam, vậy thì trước khi nghĩ đến việc nâng cao chất lượng, hình thành nên chuỗi giá trị, điều cần làm lúc này là công tác quản lý giá đối với sản phẩm thủy sản sau khai thác.
Ông Vũ Đình Đáp – Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho biết mua bán cá như hiện giờ là theo cảm tính, định tính nhiều hơn vì mua theo xô. Ngư dân bán cá cho đầu nậu, đầu nậu bán lại cho doanh nghiệp, giá cả là tự thống nhất với nhau. Đưa ra một thang chuẩn để xác định giá cá như thế nào để mọi người căn cứ vào đó ra giá để mua thì hiện nay chưa làm được.
Việc tiêu thụ khó khăn đã khiến hiệu quả sản xuất giảm, ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân, thất thoát về giá trị và nguồn lợi; đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, giảm khả năng cạnh tranh của cá ngừ Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Do vậy, để cá ngừ đại dương thực sự trở thành sản phẩm chiến lược, Nhà nước cần quản lý chặt từ việc khai thác, thu mua cho đến chế biến xuất khẩu, đề ra các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm cá tươi để xây dựng khung giá cho từng chuyến biển, theo từng thời điểm, làm cơ sở cho việc hình thành chợ đấu giá cá ngừ tại các địa phương.
Related news
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Hiện nay, nông dân các xã: Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm.
Những ngày này, tuyến đường vào xã Chiềng Đen (Thành phố Sơn La) nhộn nhịp hơn, bởi những chiếc xe tải, xe máy ra - vào mua mận hậu.
Vài năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) thực hiện mô hình nuôi lươn trong hồ xi măng, mủ bạt đạt hiệu quả kinh tế cao, vươn lên khá giàu.
Thời điểm này, nông dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã thu hoạch được 25% diện tích lúa hè thu, tương dương khoảng 2.600ha, năng suất trung bình đạt 5,5 tấn/ha. Dự kiến khoảng cuối tháng 6 toàn huyện sẽ thu hoạch dứt điểm hơn 11 ngàn ha.