Cần Cân Nhắc Về Tái Cơ Cấu Đàn Trong Chăn Nuôi
Theo định hướng tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, đàn gia cầm sẽ được tăng lên so với đàn gia súc. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hiệp hội Chăn nuôi thì điều này chưa thích hợp.
Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, từ khoảng tháng 3/2012 đến tháng 3/2013 toàn ngành lỗ khoảng hơn 20.000 tỷ đồng và từ tháng 3/2013 đến nay lỗ khoảng 6.500 tỷ đồng. Như vậy, xu hướng lỗ đang giảm dần.
Việt Nam nhập khẩu phụ phẩm gà với giá rẻ hơn sản xuất trong nước. Lượng nhập chỉ chiếm 5% tổng lượng gia cầm tiêu thụ - Đây chưa thể là cơ sở nói "nhu cầu về gia cầm còn cao". Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết: “Từ thời điểm tháng 7/2013, chăn nuôi lợn đã ngăn được đà thua lỗ và bắt đầu có lãi nhưng chăn nuôi gà vẫn duy trì mức lỗ khoảng 15%, trứng lỗ 31% ở thời điểm đầu tháng 4/2014. Nếu trang trại, hộ chăn nuôi phải mua 100% con giống, thức ăn thì mức lỗ còn cao hơn”.
Như vậy, cho tới nay, chăn nuôi gia cầm vẫn chưa cắt được đà thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, trong định hướng tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, Cục Chăn nuôi lại đưa ra mục tiêu phát triển nhanh đàn vịt và gà lông màu.
Theo Cục Chăn nuôi, định hướng này bắt nguồn từ việc gia cầm là loài vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng ngắn, quay vòng vốn nhanh, tận dụng được các phụ phẩm trong trồng trọt hiện nay. Cùng với đó, theo đánh giá của đơn vị này thì “cầu” cho các sản phẩm gia cầm vẫn còn cao, bằng chứng là Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm gia cầm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Vang, thống kê từ các trang trại chăn nuôi và các địa phương mà Hiệp hội thu thập được thì hiện nay sản phẩm gia cầm vẫn đang dư thừa, bằng chứng là người nuôi gà vẫn đang thua lỗ. “Nếu tiếp tục định hướng phát triển thêm đàn gà sẽ phá vỡ ngành Chăn nuôi”, ông Vang nhấn mạnh.
Ông Vang phân tích: “Hiện nay Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là hai nhóm sản phẩm: Phụ phẩm của gà (chân, cánh, đùi) do giá rất rẻ so với sản xuất trong nước, chỉ 0,85 USD/kg và thịt bò do sản lượng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Năm 2013 cả nước nhập khoảng 78.800 tấn phụ phẩm của gà, chiếm 5% tổng lượng thịt gia cầm tiêu thụ trong nước và 29.000 tấn thịt bò tinh (quy đổi), chiếm 16% tổng lượng thịt bò tiêu thụ trong nước.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị toàn ngành Chăn nuôi hiện đạt 11 tỷ USD/năm. Tuy nhiên theo kết quả thống kê trực tiếp đến các hộ chăn nuôi và các tỉnh, thành phố của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, con số này đạt 14,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam còn xuất khẩu một lượng thịt gia súc, gia cầm khoảng 1,5%. Như vậy, lượng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của chúng ta chỉ khoảng 1%, tức là không đáng kể”.
Lý giải sâu hơn về nhận định này, TS Nguyễn Đăng Vang cho biết: “Ngành Chăn nuôi đang có “khoảng trống” về thông tin thị trường khi chưa có những nghiên cứu chi tiết, chính xác đúng nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng phát triển ồ ạt các trang trại chăn nuôi dẫn tới thua lỗ trong thời gian qua.
Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, sản lượng thịt gia cầm của nước ta hiện đạt trên 2 triệu tấn/năm nhưng Tổng cục Thống kê chỉ tính có trên 800.000 tấn. Hay năng suất đẻ trứng của gà Việt Nam đã đạt mức 280-310 quả/con/năm tuy nhiên số liệu của Tổng cục Thống kê vẫn chỉ cập nhật là 142 quả/con/năm. Đây là mức rất thấp so với thế giới”.
Do vậy, số liệu thống kê đưa ra như trên khiến các nhà phân tích thị trường bị “nhiễu sóng” và đưa ra quan điểm “nguồn cung chưa đáp ứng”. Hệ lụy tiếp theo là các nhà sản xuất thấy thiếu nên cứ tiếp tục phát triển đàn, dẫn tới dư thừa sản phẩm gia cầm.
Theo quan điểm của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành Chăn nuôi vẫn nên tập trung phát triển theo cơ cấu đàn vật nuôi chủ yếu là lợn, gia cầm và bò để giảm lượng nhập khẩu, trong đó lưu ý cả bò thịt và bò sữa.
Hiện nay, nước ta có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi bò, nhất là nguồn thức ăn dồi dào. Mỗi năm cả nước sản xuất ra 40 triệu tấn thóc, tức là còn 40 triệu tấn rơm, chỉ cần xử lý ure 5% là có thể biến thành thức ăn chăn nuôi bò rất tốt.
Ông Vang đưa ra ví dụ cụ thể: “Hiện nay bã, lõi quả dứa sau chế biến, chúng ta đều bỏ và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc mua lại để chăn nuôi bò. Sau đó chúng ta lại phải nhập thịt bò, như vậy là rất mâu thuẫn”.
Related news
Trước đây, nông dân thu hoạch lúa phải thuê nhân công cắt tay, gom - tuốt lúa và phải chuẩn bị phương tiện vận chuyển đường thủy mang về nhà. Lại phải phơi khô lúa rồi đón ghe bán. Thời nay, đã có máy gặt đập liên hợp, thương lái đến tận đồng thu mua lúa tươi. Vì vậy, thu hoạch xong, nông dân chỉ việc chờ cân lúa và… đếm tiền.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang triển khai trồng mới, trồng lại chè. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới, trồng lại 1.600 ha chè, trong đó 1.500 ha được hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); 100 ha được tỉnh hỗ trợ kinh phí.
Vụ hè thu này toàn tỉnh Trà Vinh có gần 800 ha trồng khoai lang tím nhật, tập trung chủ yếu ở Duyên Hải, Cầu Ngang và huyện Trà Cú, đến nay thu hoạch được gần 80% diện tích, số còn lại đã quá ngày thu hoạch nhưng vẫn không tìm được người mua.
Mô hình được thực hiện với diện tích 1ha trên chân đất vàn, tầng canh tác dày tại xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải. Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình chịu tránh nhiệm tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân, với hình thức gieo mạ non trên nền đất cứng.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên tuyến bờ bao thuộc ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) tận dụng diện tích bờ bao lâm phần để trồng khoai môn. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích khoai môn của người dân đều phát triển tốt. Hiện bà con đang bước vào vụ thu hoạch, trúng mùa nên ai nấy đều phấn khởi.