Cam, Bưởi Chẳng Phụ Công Người
“Ai cũng nói Lục Ngạn được trời phú cho chất đất hiếm nơi nào có. Vườn rộng mà không làm nên cơm cháo gì thì thật lãng phí. Vì thế tôi đã dồn hết tâm huyết vào chăm cây có múi để có hướng đi của riêng mình”. Anh Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mở đầu câu chuyện về nghề làm vườn với chúng tôi như thế.
“Muốn cam có cam, muốn bưởi có bưởi”Đến thăm vườn quả của gia đình anh Lưu Văn Sáng, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi và tò mò. Bởi lẽ, cùng một cây, từ ngang thân đến ngọn là cam Đường Canh, sát gốc là những quả bưởi to màu vàng xộm. Những trái cam căng vỏ, mọng nước nặng trĩu cành tựa muôn vàn chiếc đèn lồng nhỏ đỏ rực như xua đi cái lạnh giá giữa đông. Trên luống đất còn ẩm màu nâu sậm thẳng tắp, cây nào cây ấy quả sai lúc lỉu khiến chủ vườn phải chằng buộc dây làm giá đỡ.
Anh Sáng phấn khởi nói: “Từ đầu vụ đến nay, tôi tỉa bán gần hai tạ quả với giá bình quân 60 nghìn đồng/kg. Dự kiến vụ này, gia đình tôi thu 20 tấn cam Đường Canh, khoảng một vạn quả bưởi. Tổng giá trị thu nhập ước hơn một tỷ đồng”.
Trước đây, khu vườn của gia đình anh Sáng cũng trồng vải thiều như bao hộ dân khác ở Lục Ngạn. Thế nhưng khi vải được thu cũng là lúc sản phẩm rớt giá, không ít vụ, anh bỏ vải rụng thối gốc vì tiền bán không đủ bù công chăm sóc, thu hái. Xót vườn tược rộng rãi mà làm ăn chẳng được là bao nên năm 2007, anh lặn lội về Hà Tây cũ mua giống bưởi Diễn về trồng. Thời điểm đó, giá bưởi Diễn cũng chỉ 7 - 8 nghìn đồng/quả, sau này lên hơn 10 nghìn đồng/quả và vườn bưởi bắt đầu bước vào giai đoạn cho năng suất cao. Vậy nhưng so với cam Đường Canh thì loại quả này thu nhập chỉ bằng một phần nhỏ.
“Tôi bàn với gia đình chuyển sang trồng cam nhưng không ai đồng ý. Vợ tôi mới nghe đã giãy nảy, người thân, anh em họ hàng đều khuyên can. Chuyện nhà tôi trở thành chủ đề bàn tán trong thôn vì ai cũng cho rằng tôi dở hơi, bưởi đang cho lợi khá mà định bỏ đi" - anh Sáng cho biết.
Tuy nhiên anh vẫn quyết làm theo ý mình. Để an lòng người thân, anh quả quyết nói với vợ: “Trăm bó đuốc chẳng lẽ lại không soi nổi một con ếch? Bao lần thất bại nhưng lần này chắc chắn sẽ thành công. Muốn cam có cam, muốn bưởi có bưởi”. Tháng 8-2012, anh đến các xã trong huyện tìm mua mắt cam sạch bệnh về ghép trên cây bưởi. Ròng rã hơn một tháng, anh cùng một số người bạn có kinh nghiệm ghép mắt cam trên 600 cây bưởi Diễn. Bằng cách làm này, anh vẫn thu trọn vụ bưởi Diễn năm 2012 và chỉ phải nuôi lộc năm 2013.
“Không ít người lầm tưởng đây là ghép bưởi trên cam nhưng thực chất là ghép cam trên gốc bưởi Diễn. Khi những vết ghép đâm chồi nảy lộc rồi đậu những trái đầu tiên, tôi lặng người cứ như mình đang nằm mơ. Có lúc lại đứng giữa vườn cười to một mình”, anh thật thà kể. Công lao và tâm huyết của chủ vườn đã được đền đáp. Năm nay, cây nào cũng sai quả.
Cho xuân thêm sắc
Rời nhà anh Sáng, chúng tôi đến thăm vườn quả của gia đình chị Hoàng Thị Hạnh, thôn Đầm (xã Phượng Sơn) vào giữa trưa. Vườn quả đang chín tỏa hương thơm ngát. Niềm nở giới thiệu với khách về một số loại cây, chị Hạnh nói: “Gia đình tôi ghép cam Vinh, cam Đường Canh, dưởi Diễn trên cùng một cây. Cam Vinh đã thu hoạch hết nên chỉ còn hai loại thôi. Năm ngoái trong thôn có người ghép 5 loại quả trên cùng một cây để trưng Tết. Khách trả giá từ 5-10 triệu đồng/cây đấy”.
Theo chị Hạnh, để các loại quả cùng sinh trưởng, phát triển tốt trên cùng thân cây chủ thì kỹ thuật chăm sóc là yếu tố quyết định. Thời điểm cây ra hoa ngày nào cũng phải có mặt ở vườn. Nhìn vào đặc điểm của cây để bón phân, tưới nước; đồng thời cắt tỉa điều tiết tỷ lệ hoa các loại. Quan trọng nhất là mình phải như một bác sĩ yêu cây, yêu nghề để có biện pháp tốt nhất chăm sóc, bảo vệ cây” - chị Hạnh chia sẻ.
Dạo quanh khu vườn rộng gần một ha, chúng tôi được biết đây vốn là những cây bưởi chua, quả rất khó bán. “Ban đầu vợ chồng tôi ghép thử vài cây sau đó nhìn cây có nhiều quả thấy hay hay nên ghép chuyển đổi toàn bộ. Nhờ vậy không phải phá bỏ, trồng mới mà lại được thu hoạch nhiều thứ quả để cung cấp cho thị trường, thu nhập cao trong thời gian ngắn.
Cùng đó, quả bưởi to ở dưới gốc nên cành cây không bị quá nặng”, chị Hạnh tâm sự. Nhờ công phu cấy ghép, đến nay vườn bưởi của gia đình chị có cả ba thứ quả: Cam Đường Canh, bưởi Diễn, cam Vinh trên mỗi cây. Từ đầu vụ đến nay, chị Hạnh đã bán hơn hai tấn quả thu về hơn 130 triệu đồng. Cả vườn còn khoảng ba tấn cam Đường Canh và hai nghìn quả bưởi Diễn nữa.
Dự kiến bưởi sẽ được bán vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Hiện khách đã đặt mua cả vườn với giá 25 - 27 nghìn đồng/quả. Ước tính vụ này, gia đình chị thu lãi hơn 300 triệu đồng. Bên cây cam ghép gần 10 tuổi, chị Hạnh phấn khởi: “Mỗi cây bán quả mua được một chỉ vàng là chuyện bình thường. Như cây này ước hơn một tạ quả, thu khoảng 7 triệu đồng”.
Cùng thôn, gia đình anh Bùi Văn Trâm chọn 20 cây bưởi Diễn nhỏ, tán vừa phải để ghép cam Đường Canh phục vụ nhu cầu trưng Tết của một số khách sành chơi. Hiện, 20 cây bưởi ghép cam của gia đình anh đã có khách đến thăm, trả giá bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/cây. Ngoài ra, vụ này anh dự kiến thu được khoảng hai tấn cam Đường Canh.
Ở Lục Ngạn còn rất nhiều nông dân đã mang đến nét mới lạ cho vườn cây ăn quả của mình. Sau hồng Nhân Hậu, vải thiều, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh thì cam - bưởi sinh sôi, cho trái ngọt trĩu cành trên cùng một cây trong vụ này thêm một lần nữa chứng tỏ sự năng động và sáng tạo của người dân nơi đây. Nhờ họ mà gần như những sản vật ở mọi miền Tổ quốc đã có mặt tại quê hương Bắc Giang.
Chính lòng yêu nghề, gắn bó với mảnh đất máu thịt mà nông dân Lục Ngạn đã mày mò, sáng tạo, làm ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao. Bởi vậy họ trở thành lao động có trình độ tay nghề làm vườn ít nơi nào sánh được”.
Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn
Related news
Hoạt động khai thác tôm hùm con, mà chủ yếu là nghề bẫy bắt để phục vụ nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua đã phát triển mạnh tại vùng ven biển Bình Thuận. Việc này đã gây ảnh hưởng đến nguồn lợi tôm hùm trong tự nhiên. Đồng thời việc giăng mắc ngư lưới cụ cố định để bẫy bắt tôm hùm con tràn lan trong các khu vực ven bờ đã cản trở hoạt động đi lại của tàu thuyền cũng như hoạt động tắm biển, vui chơi, giải trí tại các khu du lịch ven biển, gây tranh chấp ngư trường đánh bắt, làm ảnh hưởng an ninh trật tự vùng ven biển.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa tươi giữa Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) với 54 hộ nông dân huyện Đức Trọng lần lượt được triển khai trong thời hạn 3 năm. Đây là hợp đồng mở rộng sau thành công của một liên minh thuộc hợp phần Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012.
Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng 25% nhu cầu thị trường nhưng người nông dân chăn nuôi bò sữa lại đang có xu hướng chuyển sang những ngành kinh doanh khác do ở những khu vực chăn nuôi bò sữa chủ yếu hiện nay, quỹ đất dành cho chăn nuôi không còn nhiều lại đang có xu hướng đô thị hóa, dẫn đến lợi nhuận thu được từ việc sử dụng đất để trồng cỏ nuôi bò dần dần sẽ không hấp dẫn bằng kinh doanh các ngành nghề khác…
Nông dân ngày nay rất sáng tạo, có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Trong đó có nhiều mô hình nuôi rắn giúp nông dân làm giàu, phát triển kinh tế gia đình.
Tính đến nay, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh Đồng Tháp là 1.943 ha, đạt 89,3% kế hoạch năm. Sản lượng cá tra 386.910 tấn, đạt 110,46% kế hoạch, năng suất trung bình 366 tấn/ha.