Cải Thiện Thu Nhập Nhờ Nuôi Ốc Bươu Đen
Nuôi ốc bươu đen trong ao, mương vườn hiện đang là mô hình kiếm ra tiền cho bà con nông dân ở huyện Châu Thành A. Chính vì vậy mà cán bộ Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện Châu Thành A Đỗ Thanh Hải thực hiện đề tài “Ứng dụng sản xuất giống và nghiên cứu nuôi ốc bươu đen thương phẩm”. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện nghiệm thu loại khá.
Chủ nhiệm đề tài Đỗ Thanh Hải cho biết: Ốc bươu đen ngày nay đã trở thành món đặc sản tại các quán ăn và nhà hàng sang trọng nơi thành thị. Tuy nhiên, số lượng ốc bươu đang hiếm dần vì tần suất đánh bắt cũng như ảnh hưởng của các loại thuốc, dịch hại. Hiện ốc có giá trên thị trường từ 15.000-25.000 đồng/kg, lúc “sốt” giá nhất là 40.000 đồng/kg. Do đó, nuôi ốc bươu đen có thể giúp nhà nông cải thiện thu nhập rất nhiều.
Đề tài được nghiên cứu tại ấp 1B, thị trấn Một Ngàn; ấp 5B, xã Tân Hòa; ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn trong thời gian 6 tháng. Mỗi điểm thực hiện 3 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức 20m2. Trước khi thả nuôi ốc, cần tiến hành tát mương, dọn sạch cỏ, bắt hết cá tạp, cá dữ, ốc bươu vàng; bón vôi diệt mầm bệnh.
Khoảng một tuần sau, xả nước vào mương khoảng 1m, bón phân trâu đã được phơi khô để gây màu nước, đồng thời làm thức ăn tự nhiên cho ốc sau này, sau đó trồng bông súng làm giá thể cho ốc đeo bám. Tuần tiếp theo là thả ốc giống vào lúc trời mát để hợp với thân nhiệt của ốc. Thức ăn cho ốc có bổ sung cám gạo loại mịn, lượng cho ăn từ 3-5% so với trọng lượng ốc nuôi. Trong quá trình nuôi từ tháng thứ 2 trở đi bố trí bọng cho nước lưu thông nhẹ.
Kết quả thử nghiệm nuôi ốc bươu đen thương phẩm với nghiệm thức 1: 50 con/m2, nghiệm thức 2: 100 con/m2, nghiệm thức 3: 150 con/m2 có bổ sung bằng thức ăn cám gạo.
Qua 6 tháng nuôi, cho thấy sức tăng trọng của ốc ở nghiệm thức 1 là 33,23 gram/con, nghiệm thức 2 là 30,81 gram/con, nghiệm thức 3 là 25,95 gram/con. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng cho thấy mật độ nuôi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống của ốc.
Ngoài ra, thức ăn xanh cũng rất quan trọng. Nếu chỉ bổ sung bằng thức ăn cám gạo thì sức tăng trưởng của ốc tương đối chậm so với thử nghiệm nuôi bằng 50% thức ăn xanh (bèo, lá sắn) + 50% thức ăn tự chế. Và kết quả đã minh chứng, lợi nhuận thu về từ nghiệm thức 2 (nuôi bằng thức ăn xanh cùng thức ăn tự chế, với mật độ 100 con/m2) sẽ cho lợi nhuận cao nhất 800.000 đồng, kế đến là nghiệm thức 3 là 461.000 đồng, thấp nhất nghiệm thức 1 với 305.000 đồng.
Xét về tỷ suất lợi nhuận thì nghiệm thức 2 là cao nhất 40%, nghiệm thức 1 là 22,26% và thấp nhất là nghiệm thức 3 là 21,5%. Ở mật độ 150 con/m2, chi phí đầu tư cao nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Như vậy, cho thấy nuôi ốc bươu đen bằng thức ăn xanh sẽ làm hạ giá thành đầu tư, tăng lợi nhuận kinh tế.
Cũng từ nghiên cứu này, ông Nguyễn Thanh Phong, ở ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn cũng có thêm thu nhập trung bình 1 triệu đồng/tháng. Chỉ với việc tận dụng ao, mương trong vườn cây ăn trái thả nuôi ốc và chỉ 4-5 tháng sau là thu hoạch đều đặn mỗi tuần.
Theo kinh nghiệm của ông Phong, ốc rất dễ nuôi vì tự biết kiếm mồi, không cần tốn nhiều thời gian chăm sóc, cho ăn. Mỗi tuần chỉ cho ăn cám to đôi lần, kèm theo đó nên trồng thêm bông súng để ốc có thêm nguồn thức ăn xanh bổ sung. Hiện tại, ốc bươu đen bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg. Ốc của ông Phong được tiêu thụ nhiều ở các hàng quán trong thị trấn. Ngoài ra, nhiều khách quen của gia đình khi có dịp đi đâu xa cũng đến mua ốc để làm quà.
Cũng nhân nuôi ốc bươu đen trong ao, mương vườn, ông Lê Quốc Phương, ở cùng ấp 3A cũng kết hợp nuôi trong vườn xoài. Ngoài việc cho ăn cám để ốc được phát triển tự nhiên, ông thả thêm bèo cám để tạo nguồn thức ăn cho ốc. Từ đây, ốc tự vận động kiếm mồi, thịt dai, chắc hơn nên rất được nhà hàng trong khu vực ưa chuộng, đặt hàng.
Ông Phương chia sẻ: “Tôi nuôi theo cách tự nhiên này vì bản chất của ốc là thích thức ăn xanh. Ốc trưởng thành tuy không mập nhưng được cái chắc thịt, giòn. Nhờ vậy mà ai cũng thích, hỏi mua liên tục đến nỗi ốc không đủ cung cho khách”.
Ông Nguyễn Văn Tô, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành A, cho biết: Đề tài đã mở ra hướng phát triển kinh tế phụ cho nông dân miệt vườn Châu Thành A. Đó là tận dụng khoảng trống của ao, mương vườn để nuôi ốc, kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, việc nhân nuôi ốc bươu đen đã giúp địa phương bảo tồn, duy trì được nguồn ốc tự nhiên, góp phần cung cấp món ngon, đặc sản miền Tây cho các nhà hàng. Chính vì vậy mà ngành đánh giá khá cao về mục tiêu của đề tài.
Ngoài nghiên cứu nuôi ốc thương phẩm giúp người dân kiếm thêm thu nhập, đề tài còn đưa ra được quy trình nhân nuôi ốc sinh sản, phương pháp kích thích ốc đẻ bằng nhiệt độ. Từ quy trình này, có thể giúp người dân chủ động được trong cách nhân nuôi, tạo nguồn ốc giống, tiếp tục duy trì mô hình bền vững trong thời gian tới.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183317/Cai_thien_thu_nhap_nho_nuoi_oc_buou_den.aspx
Related news
Nằm phơi mình trên bãi cát dài của làng chài Mân Thái (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) là hàng trăm thuyền thúng của rất nhiều hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt gần bờ.
Tại buổi làm việc với ngành nông nghiệp ngày 30-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng giết mổ lậu, bơm nước vào heo, bò. Ngoài ra, ngành cần đẩy nhanh việc thực hiện các cánh đồng lớn trên lúa, mía, bắp, điều... và đẩy cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh. Ngành cũng cần làm cầu nối để liên kết doanh nghiệp với nông dân, tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản, thực phẩm.
Sau hơn 10 năm áp dụng phương pháp trồng hoa hồng trên đất lúa, đến nay mô hình trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đã mở rộng gần 4.000m2 và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ khi cây nhãn tiêu Huế bị bệnh “chổi rồng”, ông Trương Văn Nghiệp ở ấp Tân Thái, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) đã cùng với nhiều nông dân trong xã chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Nhờ sự nhanh nhạy này, mỗi năm trên 1 ha nhãn xuồng cơm vàng cho ông thu lãi gần 200 triệu đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cai Lậy vừa tổ chức ra mắt Tổ hợp tác “Nuôi heo sinh sản”, với 30 thành viên là hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của xã Bình Phú.