Cải Tạo Đất Để Làm Giàu
Thời gian qua, bà con nông dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mùa vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, người dân ở xã Phước Hưng đã khai thác có hiệu quả hơn quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn.
Nhờ chuyển sang mô hình nuôi ếch, bà Vũ Thị Nhài, (ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng) đã tăng thu nhập gấp 3,4 lần so với trồng khoai mỳ, xoài.
Với đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, ông Phạm Văn Sơn, ở ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng đã thành công với mô hình nuôi cá trê và cá tra lồng ghép trong ao đất. Trên diện tích 4.000 m2 mặt nước, mỗi năm ông Sơn thả 17 ngàn con giống, khoảng 200 con/kg. Thức ăn cho cá chủ yếu là cá biển tạp và phụ phẩm lò mổ gia súc được thu gom từ những cơ sở chế biến hải sản, giết mổ tại địa phương, nhờ vậy đã giảm được đáng kể chi phí đầu tư.
Ngoài ra, ông Sơn còn trộn thêm khoảng 10% thức ăn viên trong khẩu phần ăn của cá, làm cho thức ăn dính tốt hơn và giảm hao hụt, cho cá ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn khoảng 5-12% tổng trọng lượng đàn cá trong ao. Sau 3 tháng nuôi, cá cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, ông Sơn thu hoạch được 10 tấn cá với giá bán 24.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Sơn, nuôi cá trê không khó nhưng để đạt được hiệu quả thì người nuôi cần lựa chọn mùa thời vụ thích hợp, bảo đảm nguồn nước, cũng như tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương. Ông Sơn cũng cho biết, cách đây 7,8 năm, toàn bộ diện tích ông nuôi cá hiện nay là đất ruộng và gần như phải bỏ hoang vì đây là vùng đất trũng sâu, thường xuyên bị ngập nên không thể trồng lúa.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu đã giúp cho gia đình ông thoát nghèo, có thu nhập ổn định hàng năm. Mô hình của ông Phạm Văn Sơn cũng mở ra một hướng mới trong phong trào cải tạo vùng đất trũng để nuôi thủy sản trên địa bàn xã Phước Hưng. Riêng tại ấp Phước Lâm, hiện có 5 hộ chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3,4 lần so với trước đây.
Chỉ có khoảng 1000 m2 đất, nên gia đình bà Vũ Thị Nhài, nhà ở ấp Hải Lâm, chọn nuôi ếch vì loài này tương đối dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp và có thể tận dụng diện tích ít. Bà Vũ Thị Nhài cho biết: “Ấp Hải Lâm vốn là vùng đất khô cằn, trước đây chủ yếu trồng khoai mỳ, xoài, mãng cầu nhưng cây thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp.
Từ năm 2006, gia đình tôi đã chuyển sang nuôi ếch. Được UBND xã Phước Hưng tạo điều kiện cho tôi vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã đầu tư vào mua giống, bắt đầu nuôi ếch thương phẩm”. Để tiết kiệm vốn đầu tư, bà Nhài học hỏi thêm kỹ thuật nuôi ếch sinh sản để tự sản xuất giống và cung cấp giống cho thị trường. Đến nay, gia đình bà nuôi được hơn 100 ngàn con ếch thịt, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 5,5 tấn.
Sau khi trừ chi phí, bà Nhài thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Bà Nhài cho biết, với mô hình nuôi ếnh này không cần diện tích lớn, chỉ cần nguồn nước không ô nhiễm. Về thức ăn, ếch ăn các loại thủy sản xay nhuyễn như cá biển tạp sẵn có tại địa phương hay thức ăn viên như cám thực phẩm. Thị trường tiêu thụ ếch thì không phải lo ngại, nhiều thương lái đến trực tiếp hộ nuôi để mua ếch thịt với giá hơn 45 ngàn đồng/kg, vào mùa khô, giá ếch còn tăng lên từ 50-55 ngàn đồng/kg.
Không chỉ nuôi cá nước ngọt, ếch thương phẩm mà nhiều hộ nông dân ở xã Phước Hưng còn thành công với các mô hình chuyển từ trồng lúa, cây ăn quả sang nuôi heo rừng, thỏ hay trồng rau an toàn. Theo ông Nguyễn Thế Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng, thời gian qua, nhằm giúp bà con nông dân hướng đến sản xuất bền vững để nâng cao thu nhập, ngành nông nghiệp huyện, xã đã có định hướng cho nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong đó, việc chuyển đổi mô hình trồng lúa một vụ năng suất thấp sang trồng chuyên canh rau màu, tiếp tục xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương… đã khắc phục được tình trạng manh mún trong sản xuất, từng bước thích nghi với điều kiện kinh tế hàng hóa.
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là cải tạo được các diện tích đất xấu, thường xuyên bị bỏ hoang. Nhờ đó mà năng suất tăng lên từ 3-4 lần trên cùng một diện tích, thu nhập bà con nông dân cải thiện đáng kể”, ông Nguyễn Thế Việt nói.
Related news
Mặc dù đã bước qua tuổi 70, nhưng ông Lê Đình Xuân ở Khánh Hòa đã nghiên cứu và xây dựng được mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) mới rất hiệu quả: Trồng xoài - thả cá - nuôi lợn rừng.
Đưa chúng tôi đến tận chân đê bao, ông Nguyễn Văn Khâm - Chủ tịch HTX Thanh Phong (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận) tỏ vẻ phấn khởi khi nói về mô hình muối - tôm
Cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus) là loài cá quý hiếm hoang dã sống trên hệ thống sông Hồng. Thịt cá mềm, thơm ngon, ít xương dăm, giàu chất dinh dưỡng, được liệt vào hàng đặc sản. Cá lăng chấm sống ở những vùng nước sạch, có dòng chảy nhẹ. Hiện nay, cá lăng chấm bị khai thác rất mạnh đến mức cạn kiệt
Theo Viện trưởng Lê Quốc Doanh thì lạc dại (Arachis pintoi) là cây họ đậu thuộc loại thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ (8-12mm x 4-6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Lạc dại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát, đất chua mặn ven biển.
Thế nhưng khi về huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), chúng tôi mới biết rằng "di chứng" của cơn sốt gạo ấy vẫn còn gây lo lắng cho người nông dân nơi này, nhất là với những hộ lâu nay sinh sống chủ yếu nhờ vào cây bắp.