Cá ruộng chờ giá và nước lũ

Năm 2015, nông dân huyện Cờ Đỏ đã thả nuôi hơn 4.500ha cá ruộng.
Nhưng năm nay nước lũ về chậm, thậm chí thấp hơn nhiều so với mọi năm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá.
Không chỉ vậy, giá cá cũng đang giảm khiến nhiều nông dân lo lắng.
Đón mùa nước lũ, ông Trần Văn Trí ở ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ thả nuôi 70kg cá chép, 80kg cá mè trắng trên 30 công đất của gia đình với tổng chi phí hơn 12 triệu đồng.
Đã 7 năm nuôi cá ruộng, nhưng chưa năm nào ông Trí thấy khó như năm nay bởi nước lũ về thấp khó đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển.
Gần 2 tháng qua, ngày nào ông cũng phải canh mực nước trên đồng và tốn gần 1 triệu đồng để bơm nước vào ruộng.
Không những vậy, tỷ lệ cá chết cao, còn cá sống chẳng lớn được bao nhiêu.
Theo ông Trí, thời điểm này mấy năm trước, nước lũ về nhiều, mang lượng thức ăn dồi dào, giúp cá phát triển nhanh, nhờ đó, sản lượng cá cũng tăng.
Để tránh thu hoạch rộ, nên vào khoảng đầu tháng 9 Âm lịch, gia đình ông bắt đầu thu hoạch cá.
Năm trước, 30 công đất nuôi cá ruộng đạt sản lượng trên 4 tấn, thương lái thu mua giá cao (cá chép 20.000 đồng/kg, cá mè là 11.000 đồng/kg) đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông.
Nhưng hiện nay, giá cá đang có xu hướng sụt giảm.
Ông Trí lo lắng nói: "Hiện nay, một số nông dân đã bán cá rồi nhưng giá thấp lắm.
Cá chép chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, cá mè trắng chỉ có 8.000 đồng/kg.
Nước lũ ít, cá nuôi không lớn, sản lượng lại thấp nên dễ bị thương lái ép giá.
Năm nay, nuôi cá ruộng phá huề là mừng rồi!".
Ông Trần Văn Trí ở ấp 1, xã Thạnh Phú kiểm tra mực nước trên đồng, để kịp thời bơm nước vào ruộng.
Lo thương lái ép giá nên dự kiến khoảng cuối tháng 9 âm lịch gia đình bà Phạm Thị Phượng Liên ở ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ mới thu hoạch cá.
Bà Liên cho biết: Nhận thấy mô hình nuôi cá ruộng cho nguồn thu nhập khá ổn định, có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống trong mùa lũ và chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân nên 3 năm qua, sau khi thu hoạch lúa hè thu, gia đình bà tìm mua cá giống để thả nuôi trên 30 công đất lúa của gia đình.
Năm nay, bà tiếp tục đầu tư hơn 11 triệu đồng thả nuôi 150kg cá chép và cá mè trắng.
"Mỗi khi trời nắng nóng tôi rất sợ vì cá cứ nổi đầu.
Lúc cá nhỏ không sao, nhưng cá lớn dễ bị chết.
Từ sáng sớm cá nổi đầu cho đến chiều tối mới ăn được nên cá chậm lớn.
Hy vọng đến khi thu hoạch giá cá bằng với cùng kỳ năm ngoái" – bà Liên cho biết.
Năm 2015, nông dân huyện Cờ Đỏ đã thả nuôi hơn 4.500 ha cá ruộng.
Do năm nay, nước lũ về chậm và thấp hơn nhiều so với mọi năm, làm giảm đi lượng thức ăn.
Thêm vào đó, năm nay mưa ít, nhiệt độ không khí tăng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cá.
Trước tình hình này, bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, khuyến cáo:
"Hiện nay, mực nước lũ vẫn ở mức thấp, bà con nông dân cần chủ động bơm nước vào ruộng để cá đủ nước phát triển, cũng như bổ sung lượng thức ăn cho cá, để cá đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sản lượng khi thu hoạch.
Tránh tình trạng rớt giá vào thời điểm thu hoạch rộ, bà con nông dân nên chủ động ao trữ cá, chờ giá cao để đảm bảo lợi nhuận".
Related news

Cùng với dự báo XK tôm của Thái Lan khó có thể phục hồi trước QII/2015 do tác động của EMS (Hội chứng tôm chết sớm), kim ngạch XK của Thái Lan trong tám 8tháng đầu năm 2014 đã giảm trên tất cả các thị trường.

Khi ghé vào bất kỳ điểm bán chuối hột nào ở khu vực này, người mua thường được giới thiệu… về chuối, không phải ăn như thế nào, mà là công dụng trị bệnh của nó. Ghé một điểm bán dựng bảng quảng cáo nét chữ viết bằng tay “Kim Nhĩ, bán chuối hột sỉ và lẻ, điện thoại…”, cô bán hàng vui vẻ chào mời.

Đến thời điểm này, huyện Phú Tân đã thu hoạch hơn 1.200 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Những tháng đầu năm, tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện gặp khó khăn về giá cả, thiếu điện cũng như các yếu tố đầu vào tăng cao; tuy nhiên, diện tích nuôi tôm công nghiệp vẫn tăng khá cao.

Quảng Hợp có diện tích đất rừng khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình chăn nuôi dê thả rừng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê núi của một số hội viên điển hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng.

Chị Nguyễn Thị Quyên- tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: Khoảng 1 tháng nay, giá sầu riêng tăng mạnh lại khan hiếm hàng. Nguyên nhân là do nghịch mùa, nhu cầu xuất khẩu tăng. Phần lớn phải mua sầu riêng sống, để chín dần, trái xấu cũng mua mới có hàng bán. Nhập khoảng 200 kg/đợt, bán 4 - 5 ngày mới hết, sức mua cũng không tăng nhiều.