Cà Mau Thiếu Nguồn Tôm Giống Chân Trắng Chất Lượng

Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng. Ngành chức năng chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng giống tôm chân trắng. Vì thế, người nuôi tôm có nguy cơ thiếu nguồn tôm giống chất lượng.
Diện tích tăng nhanh
Do nhiều nông dân trúng lớn khi chuyển từ con tôm sú sang tôm chân trắng nên diện tích thả nuôi trong thời gian gần đây liên tục được mở rộng. Theo ngành chức năng, hầu hết diện tích quy hoạch nuôi tôm công nghiệp hiện nay gần 6.500 ha đã được người dân chuyển sang nuôi đối tượng này. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ nuôi ghép với tôm sú theo hình thức quảng canh truyền thống và quảng canh cải tiến năng suất cao.
Theo nhiều người có kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp, với lợi thế thời gian nuôi ngắn, sản lượng cao, không bao lâu nữa diện tích nuôi tôm chân trắng sẽ lấn át diện tích nuôi tôm sú. Khi diện tích nuôi thẻ chân trắng tăng nhanh, tỉnh chưa sản xuất giống tôm chân trắng, tình trạng khan hiếm con giống, dịch bệnh bùng phát, thị trường đầu ra mất cân đối… Đây sẽ là điều mà người nuôi tôm cùng ngành nông nghiệp phải tìm cách đối phó trong những vụ nuôi tiếp theo.
Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Tiết Tiến Dũng cho biết, trước đây tỉnh có quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng gần đây tỉnh cho phép nuôi tôm chân trắng chung với tôm sú theo hình thức công nghiệp ở những khu quy hoạch nuôi tôm công nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh chỉ cho chủ trương nuôi thẻ chân trắng ở loại hình công nghiệp, không được nuôi các loại hình khác. Quy định là vậy, nhưng gần đây do thời gian nuôi tôm chân trắng ngắn, rủi ro ít so với tôm sú, giá thành cao nên nhiều người dân đã tự phát nuôi tôm chân trắng ngoài vùng quy hoạch. Đây là vấn đề rất khó, ngành chức năng chưa có cách giải quyết triệt để.
Thiếu nguồn tôm giống chất lượng
Hiện nay, phong trào nuôi tôm chân trắng phát triển mạnh ở nhiều nơi càng gây khan hiếm con giống. Theo ước tính của ngành chuyên môn, trong năm 2014 tỉnh cần khoảng 10 tỷ con giống thẻ chân trắng để đáp ứng nhu cầu thả nuôi của người dân.
Thế nhưng, tỉnh không sản xuất được, phải nhập từ các tỉnh miền Trung. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng con giống tôm thẻ chân trắng.
Theo Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn nghề nuôi tôm phát triển bền vững, cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất tôm giống, nhất là nguồn gốc tôm bố mẹ. Do đó, việc quản lý sản xuất tôm giống hiện vẫn trông chờ vào “lương tâm” của các nhà sản xuất giống.
Tình trạng tôm chết ở nhiều địa phương trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng con giống chưa bảo đảm. Trên thực tế, nguồn lực của người nuôi tôm cũng như việc quản lý Nhà nước về con giống, thức ăn, thuốc, hoá chất dùng trong nuôi tôm còn hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nuôi tôm chân trắng đòi hỏi nguồn vốn, điều kiện cơ sở hạ tầng đầy đủ.
Hiện công tác quản lý chất lượng tôm giống chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một lượng lớn tôm giống không rõ nguồn gốc, tôm kém chất lượng, không sạch bệnh được bán tràn lan. Đây là nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho nghề nuôi tôm.
Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Vì thế, nỗi lo về con giống kém chất lượng của người nuôi tôm sẽ vẫn còn kéo dài.
Related news

Với giá bán đầu ra khoảng 9.000 đồng/kg, năng suất 4 tấn/sào, đã có hộ trồng dưa hấu ở Cam Lâm (Khánh Hòa) lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, giá dưa bán tại ruộng đang hạ dần nên khả năng lãi lớn chỉ đến với những người bán sớm.

Giá xoài cát Hòa Lộc loại 1 và bưởi da xanh khoảng 55.000 đồng/kg; cam xoàn loại 1: 35.000-40.000 đồng/kg; bưởi Năm Roi và cam sành khoảng 25.000- 30.000; cam mật 15.000 đồng/kg…

Các ý kiến tại hội nghị khẳng định sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa, gạo, thủy sản là tiềm năng, lợi thế chủ yếu và là động lực chính để phát triển KT-XH vùng ĐBSCL và đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn cho xuất khẩu.

Được biết năm nay, huyện Lục Ngạn tập trung mở rộng diện tích sản xuất vải thiều VietGAP lên 8.500 ha ở 30 xã, thị trấn, tăng 1.000 ha so với năm ngoái.

Nhiều nhất là vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Lam Sơn với 16.000 ha, tiếp theo là vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan gần 11.000 ha và vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Nông Cống 6.450 ha.