Cà Mau Nuôi Chim Yến Khó Quản Lý Vì Chưa Có Văn Bản Quy Định Tiêu Chuẩn

Mấy năm gần đây, phong trào nuôi chim yến trên địa bàn Cà Mau phát triển mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, giải quyết nguồn lao động lớn cho địa phương.
Tuy nhiên, đây là loại chim hoang dã, rất khó kiểm soát, chưa có cơ quan nào quản lý bởi đến nay ngành chức năng chưa có văn bản quy định tiêu chuẩn về nuôi chim yến, ngoại trừ Thông tư số 35/2013/ TT-BNN&PTNT quy định tạm thời về quản lý chim yến.
Theo số liệu điều tra gần đây, toàn tỉnh hiện có 73 hộ nuôi chim yến với diện tích 7.329 m2, ước tổng đàn 9.248 con. Phương thức nuôi chủ yếu là dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến trú ngụ và làm tổ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết, hiện chưa có văn bản quy đinh về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến, quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm cũng như chủ trương phát triển, quy hoạch nuôi chim yến.
Vì vậy, để bảo đảm vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh trên đàn chim yến có hiệu quả, không gây ảnh hưởng sức khoẻ đến con người và các loại vật nuôi khác, giải pháp hiện nay chủ yếu là tập trung tổ chức thực hiện theo Thông tư số 35/2013/TT-BNN&PTNT ngày 22/7/2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi yến.
Theo thông tư này, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc phòng kinh tế các huyện, thành phố. Các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở nuôi chim yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện.
Ngoài ra, Điều 4, Thông tư số 35 nêu rõ chủ cơ sở nuôi chim yến sử dụng âm thanh dẫn dụ, cường độ âm thanh không vượt quá 70 dB trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, phải bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh…
Nhưng qua ghi nhận của chúng tôi, hầu hết cơ sở nuôi chim yến trong tỉnh không giảm âm thanh theo Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT quy định. Điều đáng nói là các cơ sở dẫn dụ chim yếu đều nằm trong khu dân cư đông đúc và hầu hết các điểm nuôi chim yến dùng nhà ở để dẫn dụ và nuôi chim yến không bảo đảm an toàn vệ sinh thú y.
Chị N.T.H, nhà ở khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, than vãn, ngày cũng như đêm, lúc nào cũng nghe tiếng máy dẫn dụ chim yến của nhà bên cạnh kêu vang. Đặc biệt, khi đêm xuống tiếng kêu càng to, gây khó khăn trong sinh hoạt gia đình, ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu. Đó chưa kể đến việc điểm nuôi yến này sẽ phát tán dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Cà Mau, cho biết, chim yến là loài chim hoang dã, rất khó kiểm soát và chưa có cơ quan nào quản lý. Khi xảy ra dịch bệnh, việc xử lý khống chế ổ dịch cũng hết sức khó khăn, bởi việc triển khai tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1 cho đàn chim là không thể thực hiện được. Ngành chức năng chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn quản lý các cơ sở dẫn dụ chim yến nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Theo khuyến cáo ngành chuyên môn, về lâu dài, việc phát triển nghề nuôi chim yến cần phải được quy hoạch xa khu dân cư, không được nuôi trong nội ô. Tránh tình trạng làm nhà ở bên dưới, dụ yến vào nuôi ở tầng trên, khi có dịch bệnh xảy ra thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người.
Related news

Thống kê từ Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), trên địa bàn hiện có 34 nhà máy, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản (tăng 1 nhà máy so với năm 2013), nhưng có khoảng 30% doanh nghiệp đóng cửa, chờ ngày “khai tử”.

Giống dưa lê vỏ vàng Kim Anh và giống dưa lê vỏ vân lưới Alien là hai giống có năng suất cao, chất lượng khá tốt và cho hiệu quả kinh tế cao nhất, đây là kết quả đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng dưa lê theo hướng công nghệ cao” do ThS. Hoàng Anh Tuấn, Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM thực hiện, đã được Sở khoa học & công nghệ TP.HCM nghiệm thu.

Tổng diện tích cao su của tỉnh Bình Phước hiện nay đã lên đến 225.000ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 126.632ha, năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha. Với diện tích, năng suất và sản lượng mủ cao su hàng năm như thế, Bình Phước đang dẫn đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng mủ cao su.

Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa với sản lượng hàng năm khoảng hơn 15.000 tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân của tỉnh. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, đầu ra cho con ngao xuống thấp khiến cho nghề nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.

Những chiếc tàu công suất 300 CV, sáng đi chiều về mỗi tàu đánh bắt từ 7-10 tấn cá nục, thậm chí có tàu đạt 10-15 tấn. Bình quân mỗi ngày có hơn 100 tấn cá nục suông cập bờ. Các ngư dân này chủ yếu đánh bắt ở ngư trường tỉnh Quảng Ngãi, cách bờ hơn 50 hải lý.