Cá Da Trơn Kẹt Đường Vào Mỹ
Ngành thủy sản Việt Nam lo sốt vó trước các điều luật về tiêu chuẩn kỹ thuật có tính áp đặt sắp được phía Mỹ thực thi nhằm ngáng đường cá da trơn của chúng ta xuất sang thị trường này
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 6-2, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương, cho biết dự luật ngân sách trợ cấp cho các nông trại vừa được Thượng viện Mỹ thông qua sẽ chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (DOC).
Không thể đáp ứng nổi vì quy định thiếu thực tế!
Theo ông Khiên, nếu trước đây FDA chỉ kiểm tra xác suất sản phẩm cá da trơn nhập khẩu của Việt Nam và không tiến hành cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn thì khi dự luật này đi vào thực hiện, DOC sẽ tổ chức kiểm tra từ quy trình sản xuất đến việc đóng gói, xuất khẩu, đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất.
Nếu bảo đảm tiêu chuẩn quy định ngang đồng các tiêu chuẩn của mặt hàng này sản xuất tại Mỹ thì phía Việt Nam sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn và được phép xuất khẩu. Phía Việt Nam cho rằng đây là quy định thiếu thực tế, đẩy ngành cá da trơn của Việt Nam vào thế bí.
Mỹ và EU là 2 thị trường nhập khẩu cá da trơn (chủ yếu là cá tra) nhiều nhất của Việt Nam. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2013, Việt Nam xuất gần 100.000 tấn cá tra sang Mỹ, đạt giá trị khoảng 300 triệu USD. Cá tra chiếm thị phần lớn tại thị trường này. Nhập khẩu cá tra phi-lê đông lạnh của Mỹ tăng mạnh từ năm 2007.
Đến năm 2012, Mỹ nhập 213,8 triệu pound cá da trơn (1 pound tương đương 0,45359237 kg), tăng 255% so với 60,1 triệu pound của năm 2007. Ngược lại, trong năm 2012, sản xuất cá da trơn nội địa của Mỹ chỉ đạt 300,1 triệu pound, giảm 40% so với năm 2007 (đạt hơn 496 triệu pound).
Năm 2007, thị phần cá tra của Việt Nam chiếm 37%, năm 2012 tăng lên 76%, trong khi thị phần cá da trơn nội địa tại Mỹ giảm. Theo thống kê mới nhất, trong năm 2012, một người Mỹ tiêu thụ bình quân 0,73 pound cá tra nhập khẩu, tăng 105% so với năm 2009. Nguyên nhân là do giá cá da trơn nội địa tại Mỹ tăng cao.
Những số liệu trên cho thấy cá da trơn Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, dự luật ngân sách trợ cấp cho các nông trại của Mỹ chắc chắn sẽ làm khó cá da trơn của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này.
“Phía Mỹ muốn tạo ra rào cản kỹ thuật để hạn chế sự tăng trưởng quá nóng của cá tra Việt Nam chứ hoàn toàn không vì lý do về chất lượng” - ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu tỉnh An Giang, nhận định.
Ông Nguyễn Văn Kịch - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Cafatex - nhận định: “Nếu phía Mỹ áp dụng dự luật mới này thì không có con cá da trơn nào của Việt Nam xuất qua được vì điều kiện họ đưa ra thiếu thực tế. Các quy định nuôi trong môi trường nước như thế nào, bao nhiêu con trên 1 m2, quy định về thú y… rất khắt khe trong khi lợi thế của ngành cá tra nước ta là nuôi tự nhiên, nếu như nuôi trong trang trại như dự luật yêu cầu thì giá thành cao, không thể cạnh tranh nổi.
“Dự luật này không thực tế vì bản thân ngành cá da trơn của Mỹ cũng không đáp ứng được. Phía Mỹ bắt ngành cá da trơn Việt Nam đạt yêu cầu mới cho xuất qua thì xem như họ cấm cửa con cá tra của ta” - ông Kịch phân tích. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Khiên đánh giá: Nếu dự luật được đưa vào thực hiện thì các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại khó lòng đáp ứng được yêu cầu ngang đồng với phía Mỹ.
Ứng phó cách nào?
Ở Việt Nam, An Giang và Đồng Tháp hiện là 2 tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về diện tích nuôi cũng như sản lượng cá tra xuất khẩu với hơn 1,6 triệu tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện toàn tỉnh đang duy trì diện tích vùng nuôi cá tra khoảng 1.200-1.400 ha với sản lượng hơn 450.000 tấn/năm.
Nhiều năm qua, hầu hết người nuôi đều áp dụng tốt các biện pháp về quản lý vùng nuôi để bảo đảm chất lượng cho chế biến xuất khẩu và đã được nhiều thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, nếu thực hiện ngay theo yêu cầu mới của Mỹ thì sẽ mất không ít thời gian và làm cho chi phí đầu vào của người nuôi tăng cao.
“Chúng ta phải từng bước khắc phục dần các hạn chế trong quá trình nuôi trồng cho đến chế biến xuất khẩu theo hướng bền vững và theo nhu cầu của thị trường. Chỉ có DN xuất khẩu mới có đủ khả năng đầu tư vùng nuôi đạt tiêu chuẩn. Còn những hộ dân nuôi nhỏ lẻ thì chắc chắn sẽ không đạt lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng” - ông Dương nhận định.
Ông Lê Chí Bình cho rằng những động thái mới từ phía Mỹ chính là dịp để nội bộ ngành thủy sản Việt Nam củng cố, sắp xếp lại “đội hình” xuất khẩu theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất xong rồi mới tìm nơi bán hàng. Bởi lẽ từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp cứ đổ xô xuất khẩu sang Mỹ vì kiếm được lợi nhuận cao hơn so với các thị trường khác nên phía Mỹ thường tăng tần suất kiểm tra đối với các vùng nuôi và cả khâu chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
“Những doanh nghiệp nào chưa đủ điều kiện thì nên tìm kiếm thị trường khác chứ không nên quá lệ thuộc vào mỗi thị trường này để bớt gánh nặng chi phí. Về lâu dài, chúng ta cần phải thay đổi về quy trình quản lý vùng nuôi cũng như tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình chế biến xuất khẩu theo hướng bền vững” - ông Bình nói.
Ông Nguyễn Duy Khiên cho biết Bộ Công Thương đã có thư gửi đến Mỹ phản đối những điều kiện trong dự luật vì tính chất không công bằng của nó. Tuy nhiên, theo ông Khiên, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc lớn vào phía Mỹ vì đó là quyền của họ.
Không đáng lo (?!)
Trái với nỗi lo của các doanh nghiệp và các hiệp hội, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng không nên quá lo lắng về vấn đề này dù khá phức tạp. Theo ông Tuấn, trước đây FDA quản lý cá tra, cá basa chỉ thuần túy về mặt chất lượng, nếu chuyển việc ấy sang DOC thì có nghĩa là DOC sẽ giám sát và quản lý sản phẩm theo chuỗi, từ các điều kiện sản xuất cho đến tiêu dùng, vì thế sẽ phức tạp hơn nhiều. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có cách để ứng phó.
“Thực ra, việc tiếp cận sản xuất sản phẩm theo chuỗi, theo quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, chúng ta đã khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện bấy lâu nay theo các bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nếu tính tổng diện tích nuôi trồng, tổng sản lượng cá tra, cá basa của Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sản phẩm chất lượng, đáp ứng đủ các yêu cầu sang thị trường Mỹ.
Vì vậy, dự luật này của Mỹ cũng sẽ không thể gây khó khăn cũng như không ảnh hưởng quá lớn hay làm đảo lộn đến ngành sản xuất cá tra, cá basa của Việt Nam. Chúng ta cần có các điều chỉnh về mặt quản lý, về tổ chức xuất khẩu, chứng nhận cho phù hợp với tình hình mới mà thôi” - ông Tuấn nhận định.
Related news
Đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật lấy nước biển phục vụ nuôi tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương" thuộc danh mục được phê duyệt theo Quyết định số 2074/QĐ-UBND, ngày 02/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Hiện tại, toàn tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích nuôi thủy sản 2.450 ha, trong đó diện tích mặt nước ao, hồ nhỏ 1.300 ha, diện tích nuôi cá ruộng 100 ha, diện tích nuôi cá ở các hồ chứa 1.050 ha, số lượng lồng cá có 1.500 lồng.
Những ngày qua, người nuôi tôm ở Cà Mau tập trung ồ ạt thu hoạch tôm nguyên liệu dù giá bán ra đang xuống thấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá tôm tiếp tục giảm sâu bởi nguồn cung ứng cho chế biến xuất khẩu tại các nhà máy đang dư thừa.
Ngày 7-10, người dân phát hiện một con cá heo bị mắc cạn, có dấu hiệu đuối sức trôi dạt vào đìa nuôi trồng thủy sản của một hộ dân tại thôn Tân Đảo, Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), trên vùng viển thuộc đầm Nha Phu, vịnh Bình Cang.
Hơn 8 tấn cá nuôi trong ao tại một trang trại ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) chuẩn bị thu hoạch bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.