Cá Chết Hàng Loạt Người Nuôi Cá Mú Lồng Khốn Đốn Ở Xã Bình Thuận (Quảng Ngãi)
Nghề nuôi cá mú lồng dọc cửa sông Đầm đã có từ nhiều năm nay, và thực tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Thế nhưng, nhiều ngày nay cá chết hàng loạt khiến nông dân khốn đốn…
Giữa cái nắng gay gắt của trưa tháng 5, hàng chục hộ dân nuôi cá ở khu vực cửa sông Đầm hì hục lôi những lồng cá dưới sông lên để vớt cá chết ra khỏi lồng. Nhìn cá chết hàng loạt, nông dân Đinh Văn Lợi tặc lưỡi chua xót: Không biết cá bị bệnh gì mà thân bị lở loét rồi chết nổi trắng lồng. Bao nhiêu vốn liếng, công sức gần cả năm trời đều tập trung cho 5 lồng cá này, giờ coi như “đi đời” cả rồi.
Không riêng gì anh Lợi mà hơn chục hộ dân nơi đây đang có nguy cơ trắng tay nếu tình trạng cá chết kéo dài, không tìm ra biện pháp khắc phục. Ông Dương Tấn Đua, một trong những hộ nuôi nhiều cá mú lồng chia sẻ: Năm 2011, gia đình tôi nuôi 4 lồng cá mú. Sau một năm, tôi thu về gần 40 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. So với những công việc khác của nhà nông thì nghề nuôi cá mú lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thấy nuôi cá có lãi nên giữa năm 2012 ông Đua vay thêm tiền để tiếp tục đầu tư nuôi 7 lồng cá mú (gần 1.000 con). Đến nay cá của ông đang chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch, trị giá gần trăm triệu đồng. Thế nhưng, số lượng cá chết cứ tăng lên mỗi ngày. “Tôi sợ đợi đến ngày thu hoạch cá sẽ chết hết”, giọng ông Đua chua chát.
Còn anh Lê Quang Khanh – một “chuyên gia” đã có thâm niên trên 10 năm nuôi cá mú lồng cho hay: Thấy cá chết với tốc độ chóng mặt, chúng tôi hoang mang quá. Bởi chưa bao giờ tôi gặp tình trạng cá chết nhiều như hiện nay. Được biết hiện tại anh Khanh có 14 lồng cá, trong đó cá sắp đến thời kỳ xuất bán là 7 lồng, nhưng đã chết gần hết, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng.
Theo những hộ nuôi cá mú lồng ở đây thì tình trạng cá bị chết đã xảy ra từ cuối năm 2012, nhưng chỉ xảy ra ở một số hộ khi cá còn nhỏ. Tuy nhiên, trong vòng một tháng trở lại đây thì tình trạng cá chết đã lan ra trên diện rộng. Hiện nay ở thôn Tuyết Diêm 2 có khoảng 20 hộ nuôi cá mú với gần 100 lồng. Nhưng sau một thời gian ngắn bùng phát bệnh thì số lượng cá chết đã chiếm trên 50%, số lượng cá còn lại cũng đang có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Hơn lúc nào hết người nuôi cá mú lồng ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận đang rất cần sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng, sớm tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục để người chăn nuôi an tâm bám nghề.
Với giá bán từ 250.000 – 270.000 đồng/kg như hiện nay, cá mú đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nuôi. Nhờ nghề nuôi cá mú lồng mà nhiều hộ dân ở xã Bình Thuận có cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng giờ đây trước tình trạng cá chết hàng loạt, “cần câu cơm” của nhiều nông dân Bình Thuận đang lung lay.
Related news
Thời gian qua, Hoài Nhơn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đưa kinh tế biển trở thành ngành Kinh tế “mũi nhọn” của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có nhiều khó khăn làm hạn chế sự phát triển.
Vụ sản xuất Hè Thu, các địa phương trong tỉnh tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và các loại cây trồng cạn, có sự tham gia của 4 nhà, tạo vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Ngày 21.10, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Viết Hưng vừa ký Quyết định số 2084 công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại các xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh.
Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Phù Cát đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, phấn đấu để cán đích NTM đúng lộ trình đã khó, duy trì danh hiệu “xã NTM” lại càng khó hơn.
Cho đến bây giờ, sau gần 4 năm nuôi heo, ông Trần Thanh Nam, ở thôn Mỹ Trang, xã Mỹ Châu, mới vỡ vạc một điều “nuôi heo không dễ chút nào, còn khó nữa là đằng khác, nhưng nếu có lòng kiên trì, cố gắng tìm tòi học hỏi, tổ chức nuôi khoa học, bài bản thì nhất định sẽ... có ăn”.