Cá chết hàng loạt, hàng tỷ đồng trôi
Thiệt hại nặng nề
Đập vào mắt chúng tôi khi thăm các bè có cá chết là cảnh tượng im ắng, chỉ còn lác đác vài người. Nhiều bè trống trơn, không còn cá để nuôi, có hộ còn sót lại vài con. Người nuôi cá chán nản vì trong chốc lát tài sản của họ đã "không cánh mà bay".
Cá chết hàng loạt vào rạng sáng ngày 6/9 đã khiến nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và phải treo bè, phơi lưới.
Đây không phải lần đầu diễn ra tình trạng này. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo các hộ dân, để có vốn duy trì bè nuôi thủy sản, thời gian qua nhiều hộ nuôi đều phải cầm cố nhà cửa vay vốn ngân hàng, vay nặng lãi bên ngoài, giờ cá chết không biết lấy đâu tiền để trả nợ.
Có bè cá bị thiệt hại nặng nhất, ông Dương Văn Hùng, thôn 5, xã Long Sơn buồn rầu cho biết, lượng cá chim thiệt hại là 15.000 con, cá bớp 2.500 con cá nhỏ và 1.000 con cá lớn từ 3-4 kg. Số tiền thiệt hại lên tới gần 1,3 tỷ đồng.
Ông Hùng chia sẻ, đợt này gia đình cố nuôi để có tiền trả nợ, thế nhưng cá chết hàng loạt khiến không biết xoay xở cách nào. Gia đình ông Hùng là hộ nuôi thủy sản trên sông Chà Và đã gần 10 năm với 4 lần bị thiệt hại do cá chết hàng loạt và đây là lần bị thiệt hại nặng nhất.
Để có vốn nuôi thủy sản ông đã phải vay mượn người thân, bên ngoài và hiện còn nợ hơn 1 tỷ đồng. Ông mong muốn, chính quyền, các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường để tiếp tục đầu tư nuôi cá có tiền trả nợ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, thôn 6, xã Long Sơn chủ bè nuôi tại khu vực tiểu khu 2 cho biết, đợt này gia đình bị thiệt hại 1.000 con cá chim có trọng lượng từ 2-3 lạng và 1.000 con cá bớp 1-1,5 kg đã nuôi được hơn 3 tháng, ước thiệt hại gần 300 triệu đồng.
Gia đình chị Thúy nuôi cá lồng bè đến nay đã được 8 năm, thế nhưng 4 lần thiệt hại nặng, nợ nần chồng chất do cá chết hàng loạt. Những năm đầu do môi trường nước trong lành nên việc nuôi cá thuận lợi, hơn nữa cũng chưa có nhiều người nuôi. Nhờ vậy, gia đình chị đã góp thêm tiền, vay ngân hàng để đầu tư cho 110 bè cá.
Thế nhưng, năm 2012 nguồn nước ô nhiễm nặng, một năm 2 lần cá chết nổi trắng lồng bè khiến chị không kịp trở tay. Công sức, tiền của vốn liếng gia đình chị có được, vay mượn ngân hàng, bạn bè, người thân đều cuốn theo dòng nước.
Từ năm 2012 đến nay chị cũng không còn vốn để tái sản xuất nữa, 110 bè giờ chị chỉ dám nuôi cầm chừng, vì sợ nếu bỏ bè không thì mau hư hỏng. Chị Thúy cho biết thêm, gần 3 năm cật lực làm để trả nợ mà hiện chị còn nợ 300 triệu đồng. Đợt này cá lại chết, chị cũng không biết tính cách nào.
Bè cá của ba chị là ông Nguyễn Văn An ngay bên cạnh đợt này cũng bị thiệt hại nặng, với 3.000 con cá bớp có trọng lượng 1 - 1,5 kg và 5.000 con cá chim từ 2-3 lạng, ước thiệt hại từ 500 - 600 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn An trước đó cầm cố một miếng đất 9 sào, lồng bè và ghe để vay tiền nuôi cá, do không trả được nên bị siết nợ hết, số nợ cũ và mới lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Cần làm rõ nguyên nhân cá chết
Theo các hộ dân, cá chết là do nguồn nước ô nhiễm từ cống xả số 6, khu chế biến thủy sản Tân Hải, huyện Tân Thành xả thải. Tình trạng này đã xảy ra từ năm 2008 nhưng vẫn chưa có cách giải quyết thỏa đáng khiến người nuôi cá rất bức xúc.
Hầu hết các hộ nuôi thủy sản lồng bè đều vay tiền ngân hàng và vay nặng lãi từ bên ngoài để đầu tư. Cá chết khiến người nuôi gặp khó khăn chồng chất khó khăn. Nguy cơ, nhiều hộ phải bỏ bè lên bờ và đổ nợ là điều không tránh khỏi.
Theo ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, theo thống kê đến thời điểm này có 18 hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại, số tiền khoảng 6,3 tỷ đồng, với trọng lượng trên 30 tấn.
Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các bè nuôi trên sông Chà Và. Hiện tượng này diễn ra từ năm 2008 đến nay, đặc biệt trong năm 2014, các lồng bè có tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Ông Bình cũng cho biết thêm, trước tình hình cá chết hàng loạt, tỉnh và TP Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc, khảo sát nắm lại các hộ bị thiệt hại cũng như tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới cá bị chết.
Bên cạnh đó, động viên, trấn an người nuôi cá lồng bè, hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại để các cơ quan chức năng thống kê cho đầy đủ, chính xác thiệt hại, củng cố căn cứ pháp lý để bồi thường thiệt hại.
Đối với những hộ đang nợ ngân hàng, trước mắt để giúp người nuôi trồng thủy sản giảm bớt một phần khó khăn, phía UBND xã Long Sơn cũng đã có hướng giải quyết cụ thể như: bảo lãnh cho bà con nuôi thủy sản được tiếp tục khoanh nợ cũ, vay nguồn vốn mới để tái đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn nhân dân thủ tục hành chính vay vốn ngân hàng; khuyến cáo và hướng dẫn người dân chọn con giống có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt; mời các kỹ sư nông nghiệp tập huấn cho bà con về kỹ thuật chăm sóc thủy sản...
Related news
Ông Nguyễn Văn Nhựt ở ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng có 6 công trồng chuối, mỗi năm lời trên 100 triệu đồng.
Chuyển đổi mô hình SX, xây dựng cánh đồng liên kết (CĐLK) SX lúa bền vững, xây dựng thương hiệu gạo cho Đồng Tháp là một chủ trương mang tính đột phá trong tình hình hiện nay.
Sở NN-PTNT Tuyên Quang đã có phương án phòng chống đói, rét cho đàn gia súc và chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông phối hợp chặt chẽ với địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi...
Ông Đoàn Hữu Thanh, PGĐ Trung tâm KN-KN Hải Phòng cho biết, mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên tại Hải Phòng bắt đầu ở huyện Vĩnh Bảo từ vụ mùa năm 2012 với 2 ha trình diễn.
Xoài là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, tùy thuộc vào khả năng đầu tư kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.