Buồn vui nghề chăn nuôi
Chăn nuôi bấp bênh
Hơn hai tuần nay, người nuôi heo phấn khởi vì giá bán đột ngột tăng mạnh.
Cụ thể, giá heo thịt từ 42.000 – 45.000 đồng/kg hơi, heo con lai khoảng 25 ngày tuổi giá 500.000 – 600.000 đồng/con.
“Mức giá này thì người nuôi heo khỏi sợ lỗ.
Nhà tôi mới xuất 10 con heo thịt, lãi cũng khá”, ông Trần Đông Hải, thôn Phước Vĩnh, xã Đức Phú (Mộ Đức) hồ hởi nói.
Quả thật trở lại thôn Phước Vĩnh, “thủ phủ” heo thịt lần này, chúng tôi đã thấy nụ cười trở lại với người nuôi heo.
Bởi cách đây 4 tháng, bà con nơi đây đều thất thần vì giá heo thịt bỗng dưng rớt thảm hại, chỉ còn 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Giá giảm, cộng với thương lái kỳ kèo bớt xén nên người nuôi heo thịt bị lỗ kép.
Nuôi gà đẻ trứng được xem là đối tượng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Trong ảnh: Trang trại nuôi gà đẻ trứng của anh Tạ Công Phi Vũ
Trái với niềm vui của người nuôi heo, những chủ trại gà thịt lại hết sức lo lắng, vì giá bán liên tục sụt giảm, từ 95.000 – 105.000 đồng/kg còn 60.000 – 70.000 đồng/kg.
“Giá gà thịt giảm mà chi phí con giống và thức ăn lại tăng khiến chúng tôi ôm lỗ”, anh Huỳnh Quốc Hưng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi gà thôn An Tĩnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) than thở.
Vừa nói, anh Hưng vừa chỉ cho chúng tôi xem đàn gà gần 1.000 con, trong đó có hơn 300 con gà thịt đã đến tuổi xuất bán, nhưng vì giá rẻ nên vợ anh chần chừ mãi, chưa chịu bán.
Tìm lối thoát
Theo người nuôi gà thì thời điểm này mọi năm, giá gà thịt bắt đầu tăng mạnh và kéo dài đến sau Tết Nguyên đán chứ không trượt thảm như thế này.
Thế nên, thay vì mở rộng quy mô chăn nuôi như đã định, Câu lạc bộ chăn nuôi gà thôn An Tĩnh (CLB) lại co hẹp, thậm chí nhiều hội viên xả chuồng, nghỉ nuôi.
Còn nhớ cách đây 4 năm, CLB ra đời trong niềm hân hoan của 22 người chung niềm đam mê nuôi gà thịt.
Thời điểm ấy, giá gà thịt tăng mạnh, dịch bệnh ít xảy ra, đầu ra ổn định nên hội viên mạnh dạn vay vốn, mở rộng quy mô nuôi từ vài chục lên đến cả nghìn con.
Số lượng gà của các hội viên vì thế có lúc lên đến 20.000 con.
Để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, Ban Chủ nhiệm CLB thống nhất bố trí lệch thời gian chăn nuôi giữa các hộ; đồng thời triển khai việc chăn nuôi an toàn bằng cách không dùng các chế phẩm thuốc kháng sinh, chất kích thích… “Mọi việc đang dần ổn định thì giá gà liên tục giảm mạnh, khiến anh em nản lòng vì thua lỗ.
Nhiều người nghỉ nuôi.
CLB vì thế cũng đứng trước nguy cơ tan rã”, anh Hưng nói.
Trong khi nghề nuôi gà thịt lênh đênh thì một số hộ tìm hướng nuôi gà đẻ trứng.
Bởi theo tính toán của chủ trại gà Tạ Công Phi Vũ ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) thì Quảng Ngãi có Nhà máy Bánh kẹo Biscafun, lực lượng ngư dân đông đảo nên lượng trứng gà tiêu thụ mỗi ngày không dưới 10.000 quả.
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ trứng gà ở Quảng Nam và Đà Nẵng dồi dào, nhưng hiện đang “trống” nguồn cung.
“Vấn đề là việc liên kết tiêu thụ phải có sự can thiệp, hỗ trợ của các ngành chức năng chứ tự thân mỗi hộ chăn nuôi tìm mối bán sẽ rất khó”, anh Vũ chia sẻ.
Dù biết thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế, giá cả “nhảy múa” là chuyện bình thường.
Nhưng người chăn nuôi nói riêng, nông dân nói chung vẫn rất mong ngành chức năng quan tâm giúp họ trong việc thông tin chỉ dẫn địa lý, định hướng thị trường, lường trước những rủi ro nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trước tác động bất lợi của thị trường.
Related news
Gia đình ông Vũ Văn Hợi ở thôn Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song - Đắk Nông) có 2 ha tiêu đang phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, năm 2012, đạt hơn 5 tấn/ha. Theo ông thì sở dĩ đạt được kết quả như vậy vì những năm gần đây, được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện, ông đã biết phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trước.
“Tôi khao khát được thấy quê hương đổi mới, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ được bà con. Quê tôi từ cuộc sống bấp bênh nay như bừng tỉnh cả một vùng chiêm trũng, nhà nhà dưới ao đàn cá, trên bờ hàng cây trĩu quả, trong chuồng đàn lợn, đàn gà gối nhau… Nghề cá ở Bình Dương thực sự trở thành mưu sinh của nhiều gia đình”. Đó là lời tâm sự của vị Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bắc Ninh - rất chân thành, rất mộc mạc bởi đơn giản ông cũng là một lão nông lam lũ.
Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả” nhiều diễn giả cho rằng, nếu phối hợp đồng bộ giữa “4 nhà” sẽ khai thác tốt tiềm năng phát triển nghề trồng nấm của nước ta. Trong đó, Đồng Tháp cũng là địa phương có truyền thống sản xuất nấm, hàng năm cung ứng cho thị trường 9.500 tấn nấm rơm...
Đồng Hỷ là huyện miền núi có diện tích trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Thái Nguyên, trong đó diện tích trồng vải khoảng 835 ha và 290 ha nhãn. Cây vải chủ yếu là vải thiều Thanh Hà, thời vụ thu hoạch ngắn từ 15 – 30/6 hàng năm, giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Cây nhãn chủ yếu là giống nhãn địa phương, trồng bằng hạt, chất lượng chưa được ngon, quả nhỏ, hạt to, cùi mỏng, năng suất thấp.
Ông Nguyễn Hữu Ánh, phó trưởng Trạm khuyến nông - lâm - ngư huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cho biết để khắc phục tình trạng bị thoái hóa giống, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác, một nhóm kỹ sư của trạm đã nhân giống thành công chuối già lùn bằng phương pháp nuôi cấy mô. So với các loại giống chuối thông thường, chuối nuôi cấy mô có thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn hơn, thu hoạch đại trà cả vườn một lần, năng suất cao...