Bức xúc đẻ ra ý tưởng
Với 120 con heo, 350 con vịt xiêm, nếu cho chúng ăn toàn bằng thức ăn công nghiệp thì lời lãi chẳng còn bao nhiêu, nếu xắt rau bằng phương pháp thủ công để làm thức ăn phối trộn thì không sức nào chịu nổi.
Bức xúc sinh ý tưởng, anh Nguyễn Văn Tiền (36 tuổi) ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định) sáng chế thành công máy xắt rau phục vụ cho chăn nuôi của mình. Tiếng lành đồn xa, người chăn nuôi khắp nơi tìm đến anh đặt hàng làm không kịp.
Mới gặp, tôi đã cảm tình ngay với sự hoạt bát, nhanh nhẹn và hiếu khách của chàng thanh niên ở vùng đất ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh.
Năm 2004, chàng trai miền sông nước gặp cô gái đất núi ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang rồi nên duyên chồng vợ. Một lần về thăm quê vợ, thấy đất đai bát ngát, anh Tiền quyết định đưa gia đình về đây định cư kiếm cách làm ăn.
Khi ấy, do anh còn “vô sản” nên chẳng thể làm được gì, phải gây vốn bằng công việc cũ là làm nghề xây dựng.
Nghề này cho thu nhập không cao, đủ nuôi sống gia đình, tiết kiệm lắm anh mới mua được 1 con heo nái với quyết tâm gây dựng cơ nghiệp từ con heo nái này.
Trong quá trình đi khắp nơi làm nghề xây dựng, gặp ai chăn nuôi heo quy mô lớn anh cũng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Heo nái đẻ lứa đầu được hơn chục heo giống, anh để lại nuôi tất.
Cứ thế, lứa sau nối tiếp lứa trước, đến bây giờ trong chuồng nhà anh đã có đến 20 heo nái, hơn 100 heo lứa và nuôi thêm 350 con vịt xiêm.
Anh Tiền chia sẻ: “Trước khi mở rộng quy mô chăn nuôi, tôi đã tính cách đối phó với thực tế giá heo luôn bấp bênh, phải nuôi cách nào để giá thành con heo thấp hết mức có thể nhưng vẫn phát triển tốt. Để gặp lúc giá heo tuột thấp, nếu có lỗ mình chỉ lỗ công, không bị thâm vốn”.
Theo anh Tiền, nếu nuôi heo toàn bằng thức ăn công nghiệp, khi xuất chuồng, heo đứng mức giá 47.000 - 48.000 đ/kg hơi thì còn kiếm được 300.000 đ/con, giá hạ thấp hơn thì sẽ huề vốn hoặc lỗ.
“Nuôi 10 con heo toàn bằng thức ăn công nghiệp, từ khi thả giống đến xuất chuồng (3 tháng) sẽ chi phí mất 35 triệu đồng tiền thức ăn (3,5 triệu đ/con), heo đạt trọng lượng 1 tạ/con.
Nếu nuôi bằng thức ăn do mình tự phối trộn; chủ yếu là rau, cám, bắp, mì và 1 ít thức ăn công nghiệp thì chi phí 10 con heo chỉ 15 triệu, giảm hơn 1 nửa. Dù heo chỉ đạt 85 kg/con nhưng vẫn có lãi hơn so nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
Tôi đã tính kỹ, nuôi 100 con heo bằng thức ăn công nghiệp mức lãi mang lại chỉ bằng mình nuôi 30 - 40 con bằng thức ăn phối trộn”, anh Tiền tính toán.
Tuy nhiên, phương thức nuôi bằng thức ăn phối trộn đã khiến anh Tiền đau đầu về chuyện xắt rau, nhất là khi mở rộng quy mô chăn nuôi. Lúc trong chuồng mới chỉ vài chục con heo và 50 con vịt xiêm, vợ chồng anh đã khổ sở lắm về chuyện xắt rau.
Anh Tiền tâm sự: “Thời điểm ấy, mỗi buổi sáng vợ chồng tôi phải mất 2 tiếng đồng hồ dành cho việc xắt rau, buổi chiều 2 tiếng nữa mới đủ rau cho chúng ăn đủ ngày.
Nếu tăng đàn lên cả trăm thì không sức nào làm nổi. Trước bức xúc này, tôi nghĩ đến chuyện phải làm cho được cái máy xắt rau thì mới dám nghĩ đến chuyện tăng đàn”.
Sáng chế của người “ngoại đạo” với cơ khí
Vốn làm nghề xây dựng, chẳng biết chút gì về nghề cơ khí mà anh Tiền dám nghĩ đến chuyện tự làm máy xắt ra quả là “mạo hiểm”.
Để tìm hiểu, ban đầu anh Tiền lên mạng, thấy người chăn nuôi ở miền Nam đã dùng máy xay rau, nhưng mỗi lần xay chẳng được bao nhiêu, lại giá quá đắt, đến 8 triệu đồng/cái.
Anh Tiền lắc đầu, quyết tâm làm cho được cái máy cắt rau theo ý mình, chẳng những xắt được rau muống mà còn xắt cả bèo cái, bèo tây (lục bình).
Anh Tiền kể: “Ban đầu, tôi xin mẹ vợ cái thùng phuy, cắt xong mang ra tiệm cơ khí thuê thợ hàn thành cái thùng để bắt tay vào việc làm máy xắt rau.
Kiến thức mình không có nên những cái đầu làm ra không sử dụng được; cái thì bố trí miệng nằm bên hông rau không ra được, cái thì cắt rau không được nhỏ như ý. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến cái thứ 4 mới hoàn chỉnh”.
“Máy cắt rau của anh Tiền đạt giải Nhì trong 9 giải “Sáng tạo nhà nông” của tỉnh Bình Định năm 2014. Hiện tác giả máy xắt rau đang cải tiến thêm để đáp ứng quy mô chăn nuôi lớn hơn; đồng thời làm hồ sơ, thủ tục để đăng ký sở hữu độc quyền về kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm”, ông Đào Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn cho biết.
Máy cắt rau của anh Tiền rất đơn giản: 1 cái thùng bằng tôn chống rỉ được gò tròn, 4 chân sắt được hàn cứng cáp để khi xắt máy không xê dịch, 1 mô tơ đặt cố định, 1 máng tôn khá rộng để đưa rau vào máy.
Nhiệm vụ cắt rau thuộc về 3 cái lưỡi bằng thép. 1 lưỡi nhỏ đặt bên ngoài có trách nhiệm “chém” những sợi rau dài thành những khúc ngắn; sau đó những khúc rau tiếp tục được 2 lưỡi lớn đặt sát đòn canh, cách lưỡi nhỏ 3 cm băm nhỏ.
Với heo, cả rau muống, bèo, lục bình trộn với lúa, bắp, mì (sắn) chỉ cần cho tất tần tật vào máy xắt 1 lần là ăn được; nhưng với vịt thì phải xắt 2 lần thì thức ăn mới nhuyễn, vịt ăn vô tư.
“Trước đây, lúc mới nuôi chỉ 20 con heo và 50 con vịt, mỗi ngày vợ chồng tôi mất đến 4 tiếng đồng hồ cho việc xắt rau thì nay với hơn 120 con heo, 350 con vịt xiêm mà mỗi ngày chỉ mất 1 tiếng đứng bên máy là đủ cho chúng ăn cả ngày”, anh Tiền phấn khởi cho biết.
Từ khi sáng chế được máy xắt rau, quy mô chăn nuôi mở rộng, thu nhập ngày càng khá. Đặc biệt, cái máy xắt ra đã mang lại được cho vợ chồng anh vốn quý khác đó là thời gian và sức khỏe.
Không còn bận tâm với cái dao, cái thớt, vợ anh Tiền có thời gian chăm sóc, dạy dỗ cho 2 đứa con trai; anh Tiền có thời gian làm việc khác kiếm thêm thu nhập.
“Có thời gian rảnh rỗi, giữa năm 2013, tôi mua chiếc xe tải nhỏ đi chở cám thuê cho các đại lý thức ăn chăn nuôi, mỗi tháng kiếm thêm 10 triệu.
Sáng đứng máy xắt rau xong xách xe đi chở hàng, trên đường về ghé mấy cái bàu nằm dọc sông Kôn vớt bèo chở về làm thức ăn cho heo, vịt; vớt 10 bao chúng ăn được 4 ngày, hết lại vớt tiếp. Rau muống được trồng cả sào ngoài ruộng”, anh Tiền nói.
Tiếng lành đồn xa, hiệu quả của chiếc máy xắt rau do anh Tiền sáng chế nhanh chóng được người chăn nuôi khắp nơi biết đến, rẻ tiền nhưng tiết kiệm được thời gian và sức lao động. Vậy là anh Tiền có thêm việc mới: Làm máy xắt rau để bán.
“Giữa năm 2013 tôi bán được cái máy xắt rau đầu tiên. Đến nay đã bán được khoảng 40 cái. Ban đầu, khách hàng là người trong huyện, sau đến trong tỉnh. Bây giờ, người chăn nuôi ở Gia Lai, Kon Tum cũng đặt hàng.
Hiện nay rảnh đâu làm đó nên khá lâu mới hoàn thành được 1 máy, nếu làm ròng chỉ mất 4 ngày là xong 1 cái. Thời gian này việc xắt rau, chăm heo, vịt tôi giao hết cho vợ, rảnh lúc nào là phải làm máy lúc ấy để hoàn thành 6 máy khách hàng đang chờ”, anh khoe.
Đáng nể là năm 2011, gia đình anh Tiền còn nằm trong diện hộ nghèo ở địa phương, vậy mà nay tài sản của vợ chồng anh đã có đến 120 con heo, 350 vịt xiêm, 1 xe tải, doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Related news
Trong những năm qua, nông dân xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giảm diện tích lúa xuống còn 260 ha, đồng thời nâng diện tích cây trồng cạn lên hơn 680 ha/năm, gồm 280 ha hành, 305 ha đậu phụng, 95 ha mè...
Vụ lúa thu đông năm 2014, lần đầu tiên ở những cánh đồng Thoại Sơn (An Giang) xuất hiện chiếc máy vét rơm rất độc đáo, công xuất bằng 10 lao động thủ công.
Những năm gần đây, phong trào nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh Nam Định phát triển mạnh, đặc biệt các con nuôi có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cá bống bớp, cua biển, cá lóc bông, cá diêu hồng… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - ngư nghiệp, trực tiếp nâng cao đời sống của nông dân tại các địa phương.
Trong tháng 4, Chi cục Thủy sản Sơn La đã phối hợp với UBND các huyện: Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, thả 1.000kg cá giống các loại xuống hồ sông Đà để tạo nguồn lợi thủy sản cho nhân dân đánh bắt.
Nguồn lợi thủy sản của TP Cần Thơ được đánh giá phong phú, nhiều giống, loài có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang dần suy kiệt do không được bảo vệ và khai thác hợp lý. Nhằm khắc phục tình trạng trên, TP Cần Thơ đang nỗ lực tuyên truyền và đề ra nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản...