Bình Thạnh Chuẩn Bị Vào Vụ Hoa Tết

Chỉ còn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, nhưng hiện nay các hộ trồng hoa ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã tất bật xuống giống vụ hoa Tết. Nhiều nông dân cho biết, vụ hoa này có không ít nỗi lo do giá phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, tiềm ẩn sâu bệnh, mưa bão kéo dài và giá cả vẫn còn là ẩn số.
Tuy nghề trồng hoa ở đây phát triển nhỏ lẻ, nhưng không khí xuống giống hoa cúc, hoa vạn thọ ở xã Bình Thạnh khá nhộn nhịp. Một số khu đất rộng đã được phủ kín bởi hàng ngàn giỏ hoa thẳng hàng. Nhiều nông dân đang bận rộn trồng cây giống vào giỏ, chiết cành, cắt cơi, tưới nước, bón phân.
Anh Lê Văn Mười ngụ ấp Bình Hòa cho biết: “Năm nay tôi trồng khoảng 6 ngàn cây cúc và vạn thọ. Hiện phân rơm tăng hơn năm rồi 15 ngàn đồng/bao, tiền giỏ tăng 500 đồng/giỏ, tiền công tăng 10 ngàn đồng/ngày, chi phí một giỏ thành phẩm khoảng 15.000 đồng, nên khi xuất bán giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng mới có lời”.
Cúc là loại hoa Tết phổ biến được thị trường ưa chuộng, nhưng để cúc ra hoa đúng dịp Tết bán được giá thì không đơn giản, bởi loại hoa này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Do đó, thời điểm này rất khó để dự đoán được hiệu quả kinh tế của mùa hoa Tết năm nay. Năm nay, mưa nắng thất thường nên nhiều khả năng chất lượng hoa sẽ không được tốt. Trồng cúc chỉ cần mưa lớn kéo dài là thối rễ chết cây, còn mưa kèm theo thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh cho biết: “Tôi trồng 1.000 chậu hoa cúc Đài Loan, lo lắng nhất nếu Tết hoa trổ không đúng lúc thì bán không có giá, năm nay chi phí tăng, mưa nhiều quá thì lá bị úng, tốn thuốc nhiều. Mấy năm trước lời nhiều hơn vì ít người trồng và giá cả nguyên vật liệu không tăng như bây giờ”.
Tuy nghề trồng hoa ở xã nông thôn mới Bình Thạnh phát triển không mạnh so với các địa phương khác trong trong tỉnh, nhưng hàng năm bà con có mức thu nhập tương đối cao từ việc bán hoa trong dịp Tết.
Để duy trì và phát triển nghề trồng hoa, kiểng ở xã Bình Thạnh, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 42 hộ trồng hoa kiểng. Chúng tôi cũng đã hình thành và quy hoạch trồng hoa kiểng trong xây dựng nông thôn mới, sắp tới vận động người trồng hoa kiểng theo định hướng của xã và khai thác hoa kiểng để phục vụ du lịch địa phương; lồng ghép, tạo việc làm và liên hệ các ngành huyện mở lớp học nghề trồng hoa kiểng và tranh thủ với huyện tìm nguồn phù hợp để hỗ trợ cho người dân sản xuất”.
Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187B75/Binh_Thanh_chuan_bi_vao_vu_hoa_Tet.aspx
Related news

Tánh Linh là một huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, sản xuất nông nghiệp của huyện ngoài các cây chủ lực như cao su, bắp, lúa nước, khoai mì,… ngành nuôi trồng thủy sản tại Tánh Linh cũng đang được đầu tư phát triển.

Tuy luôn đứng ở hàng đầu trong các thị trường nhập khẩu (NK) tôm, nhưng thị trường Australia vẫn còn nhiều thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) Việt Nam.

Cuối vụ, giá dưa hấu ở các tỉnh miền Trung đồng loạt tăng đột biến lên 10.000 đồng mỗi kg, gấp hơn 10 lần so với mức thu mua ở một số nơi hồi tháng trước.

Những năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó phải nói đến những mô hình nuôi thỏ đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích đất bãi, những năm qua, phong trào chăn nuôi bò sữa đã và đang trở thành thế mạnh trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật tiến bộ. Chăn nuôi bê con bằng sữa bột là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao, đã và đang được người dân áp dụng phổ biến trong một vài năm trở lại đây.