Bình Định Đầu Tư Phát Triển Kinh Tế Biển
Bình Định có bờ biển dài trên 134 km, với nhiều cảng biển lớn như Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan; có truyền thống khai thác hải sản khá lâu đời. Phát huy tiềm năng và lợi thế đó, tỉnh đã xây dựng ngành khai thác và chế biến thủy sản thành một ngành kinh tế quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đóng mới tàu lớn vươn khơi
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết: Bình Định hiện có 7.339 tàu cá, trong đó có 4.952 tàu thuyền có công suất dưới 90 CV khai thác ven bờ và đi lộng (chiếm 63% tổng số tàu thuyền hiện có) với 25.234 thuyền viên và 2.747 chiếc tàu thuyền có công suất từ 90 - 1.000 CV (chiếm 37%) với 21.217 thuyền viên. Khu vực khai thác chủ yếu của các tàu là quần đảo Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK.
Trước đó, để tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện cải hoán nâng cấp tàu cũ và đóng mới tàu lớn vươn khơi xa, trong năm 2013, Bình Định đã hỗ trợ cho trên 7.686 lượt tàu đánh bắt xa bờ với tổng số tiền gần 360 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, ngư dân đã mua nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, mua máy thông tin liên lạc, bảo hiểm tai nạn thuyền viên và trạm thông tin liên lạc trên bờ... Ngư dân trong tỉnh cũng đã đầu tư đóng mới 493 tàu có công suất từ 350 - 1.000 CV và cải hoán 1.117 tàu cá có công suất từ 300 - 400 CV để vươn xa bám biển dài ngày khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Hào cho biết thêm, Bình Định sẽ tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích và hỗ trợ kinh phí để ngư dân đóng mới và cải hoán tàu có công suất lớn trên 90 CV trở lên để đánh bắt hải sản xa bờ hơn; củng cố 265 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển và triển khai xây dựng thí điểm 2 mô hình nghiệp đoàn nghề cá tại Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn.
Ngư dân Trần Ngọc Hoang, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Để có thể đi biển dài ngày, khai thác hải sản đạt sản lượng cao, ngư dân phải có tàu có công suất lớn. Từ năm 2012 - 2013, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đóng mới thêm 1 tàu cá có công suất 1.000 CV, với tổng số vốn trên 4,5 tỷ đồng.
Đây là tàu đánh cá lớn nhất của tỉnh Bình Định. Kể từ khi đưa tàu lớn ra khơi, anh em thuyền viên yên tâm hơn vì tàu an toàn trong điều kiện sóng lớn, mưa to trên biển. Mỗi chuyến đi biển đều đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Đẩy mạnh chế biến xuất khẩu
Đến nay, tỉnh Bình Định có 5 nhà máy chế biến và gia công hàng thủy sản xuất khẩu gồm: Công ty CP Thủy sản Bình Định, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Lam Sơn và Xí nghiệp thực phẩm Quy Nhơn.
Năm 2013, sản lượng chế biến xuất khẩu đạt 9.300 tấn các loại, trong đó có 6.600 tấn cá và 2.700 tấn tôm đông lạnh, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 56,4 triệu USD.
Ngoài ra, Bình Định còn có 339 cơ sở chế biến thủy sản nội địa khác với sản lượng nước mắm đạt 9,7 triệu lít; hàng hải sản khô đạt 2.500 tấn, cá trụng đạt 950 tấn và chả cá đạt 900 tấn.
Tuy nhiên, trong khi sản lượng đánh bắt được khá lớn thì số lượng hải sản được đưa vào chế biến mới chỉ chiếm chưa đầy 20%. Nguyên nhân chính là do số lượng và công suất của nhà máy chế biến còn hạn chế, cách thức thu mua còn nhiều bất cập. Mặt khác, không ít tàu thuyền khai thác ở ngư trường xa như ở phía Bắc và phía Nam thường cập bến tại các cảng cá ngoài tỉnh.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, Bình Định sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ từ khai thác đến chế biến hải sản xuất khẩu cũng như phục vụ nội địa. Vì vậy, năm 2014, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, nâng cao chất lượng đánh bắt, bảo quản thủy sản để xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản có quy mô lớn như: Nhà máy chế biến thuỷ sản An Hải, Nhà máy chế biến thủy sản Biển Đông, nâng cấp cảng cá Quy Nhơn.
Nguồn vốn của Trung ương và Chính phủ Nhật Bản sẽ được tập trung đầu tư cho các dự án như: Hỗ trợ ngư dân khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý và bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương; nâng cấp khu neo đậu trú bão và xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá ngừ đại dương tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn.
Việc triển khai các dự án này nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy sản và góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.
Related news
Ngày 19/10, UBND thành phố Đà Lạt tổ chức Hội thảo về xây dựng nhãn hiệu Chứng nhận Cà phê chè Cầu Đất - Đà Lạt.
Bưởi da xanh ở Bình Đại được Cơ sở Hương Miền Tây thu mua vì chất lượng cao và mẫu mã đẹp.
Thời tiết thất thường khiến sản lượng nho sụt giảm, cộng thêm việc bị cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc khiến giá nho tại các vườn ở Ninh Thuận lao dốc mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp trực tuyến với 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình về tình hình triển khai công tác phòng, chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long.
Bằng sự tiên phong, năng động trong việc trồng và xuất khẩu chanh không hạt Vica, mỗi năm bà Bùi Thị Ba thu lợi hàng tỷ đồng.