Biện Pháp Phòng Chống Rét Cho Lúa Đông Xuân
Vụ đông xuân tại các tỉnh miền núi phía Bắc thường phải đối diện với thời tiết rét đậm, rét hại khiến nhiều diện tích mạ và lúa mới cấy bị chết. Để tránh thiệt hại về kinh tế, bà con cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
Đối với mạ:
- Lựa chọn lịch gieo phù hợp: Để hạn chế rét đậm, rét hại nên gieo mạ tập trung vào vụ xuân muộn từ 1/2- 20/2, đồng thời nên sử dụng các giống ngắn ngày trong cơ cấu vụ xuân để gieo cấy như Khang dân 18, HT1, DT122, Shan ưu 63...
- Khi gieo phải chọn nơi kín gió, gần nguồn nước nhằm hạn chế tác hại của gió rét và điều tiết nước để chống rét cho mạ.
- Chủ động nguồn phân chuồng hoai mục, lân và kali để bón lót cho mạ:
+ Đối với mạ lúa thuần lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ (360m2) là 300- 400kg phân chuồng hoai mục, 15- 17kg lân và 1,5- 2kg kali.
+ Đối với mạ lúa lai: Lượng phân bón lót là 300 - 400kg phân chuồng hoai mục, 15- 20kg lân và 2- 3kg kali.
- Để cho cây mạ khoẻ, tăng sức chống rét cần chuẩn bị hạt giống tốt, chắc mẩy, phơi lại dưới nắng nhẹ trước khi ngâm từ 20 - 24 giờ. Xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ bằng nước nóng 54 độ C trong 10 phút hoặc các thuốc trừ vi khuẩn, thuốc trừ nấm theo đúng quy trình kỹ thuật.
+ Sau khi gieo mạ xong cần che phủ nylon nhằm tránh sương muối vào ban đêm. Ban ngày nếu trời ấm cần mở nylon ra để luyện mạ, giúp lá quang hợp trực tiếp ánh sáng mặt trời.
+ Kiểm tra ruộng mạ thường xuyên, luôn giữ đủ nước cho mạ. Đối với mạ gieo trên sân có thể đun nước ấm ( 28 - 30 độ C) để tưới. Cần tưới vào buổi chiều khi đã tan sương. Nếu mạ sinh trưởng kém cần phun hỗ trợ phân bón lá cho mạ nhằm giúp mạ nhanh hồi phục, khoẻ cây, ra rễ mới trước khi nhổ cấy.
Đối với lúa xuân mới cấy:
- Ruộng cấy cần làm đất kỹ, bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục và phân lân theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm tạo nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho lúa sinh trưởng tốt hơn, tăng khả năng chống rét.
- Trong những ngày rét đậm (nhiệt độ dưới 18 độ C) không nên nhổ mạ cấy và không được bón thúc đạm cho lúa.
- Những ngày thời tiết nắng ấm (nhiệt độ trên 20 độ C) nên tranh thủ bón thúc phân đạm và kali kết hợp với làm cỏ sục bùn.
Related news
Đặc điểm của các giống lúa cao sản ngắn ngày thường có thời gian ngủ nghỉ sau khi thu hoạch, thời gian này kéo dài từ 15-20 ngày tùy từng giống. Nếu lúa giống gặt về trong khoảng thời gian này mà lấy làm giống sạ lại cho vụ xuân hè mà không xử lý thì tỷ lệ hạt giống nảy mầm sẽ không đều, hạt nảy trước, hạt nảy sau và tỷ lệ nảy mầm cũng rất thấp dẫn đến lượng hạt giống cần dùng nhiều, gây lãng phí và khó khăn cho việc xuống giống
Rầy nâu phát sinh với mật độ cao và gây hại nặng vào giai đoạn trước lúc lúa trỗ bông, ngậm sữa và bắt đầu chín. Nếu chỉ đơn thuần rầy gây hại không là môi giới truyền bệnh thì đánh giá mức gây hại của rầy nâu là không lớn nhưng cách phòng trừ loại rầy này lại tương đối khó
Ở Việt Nam, bắp là cây lương thực quan trọng thứ hai sau cây lúa và là cây màu quan trọng nhất được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, đa dạng về mùa vụ gieo trồng và hệ thống canh tác.
Ốc bươu vàng là đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với lúa, đặc biệt là các vùng trũng thấp trồng lúa ở các tỉnh phía Bắc trong vụ xuân và lúa vụ mùa. Với những vùng bị ốc hại nặng, năng suất lúa có thể bị thiệt hại tới 30%.
Hiện nay, lúa đông xuân đang trong thời kỳ đẻ nhánh rộ. Bà con nông dân đang tập trung chăm sóc giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và tăng tỷ lệ nhánh hữu hiệu nhằm đạt năng suất cao nhất.