Hướng dẫn canh tác lúa và cây ăn trái ở vùng nhiễm mặn
Dân Việt giới thiệu bản hướng dẫn này, cùng bà con nông dân và bạn đọc.
1. Đối với cây lúa:
a) Trà đông xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ, áp dụng các biện pháp sau:
- Vùng bị nhiễm mặn trên 3 phần nghìn: Tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào các kênh mương và tưới cho lúa.
- Vùng bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn: Ngoài biện pháp tích nước ngọt rửa mặn còn áp dụng biện pháp như sau:
+ Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trỗ. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn) hoặc dùng nướt ngọt tưới phun lá.
+ Phun một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N,Super Humic, Dexamone...).
huong dan canh tac lua va cay an trai o vung nhiem man hinh anh 1
Nước nhiễm mặn cùng với nhiễm phèn kết lại từng mảng lớn trên mặt ruộng khiến lúa chết ở phường Vĩnh Thông, Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Hữu Khoa
b) Vụ hè thu
- Vùng bị nhiễm mặn trên 3 phần nghìn tuyệt đối không xuống giống.
- Vùng bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
* Sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn như: OM5451; OM2517; OM6976; OM6162; OM9921; GKG1; OM6677.
* Cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn.
* Tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi khi làm đất, lượng 500-1.000kg vôi bột/ha.
* Sử dụng các dạng phân ure chậm tan như đạm vàng (urê 46A+) hoặc đạm xanh (urê+NEB26) để chống thất thoát đạm. Tăng cường bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu.
* Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trỗ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục nhiều lần.
Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh, dưới 1 phần nghìn với các giai đoạn mạ, lúa làm đòng và trỗ).
Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng cần tưới phun nước ngọt cho mạ hoặc kết hợp tưới phun nước ngọt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với lượng nước phun khoảng 600-800 lít/ha.
2. Đối với cây ăn quả:
- Khi có nguy cơ bị nhiễm mặn, chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình...) phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế thoát hơi nước.
- Khi đã bị nhiễm mặn: Bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1.000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone...). Không tưới nước có độ mặn trên 2 phần nghìn. Khi có nguồn nước ngọt, tranh thủ tích nước và tưới để giữ ẩm.
Related news
Trong khi các loại nông sản khác, như: cà phê, cao su… xuất khẩu mất giá liên tục thì niên vụ 2015 - 2016, giá hạt ca cao đạt mức kỷ lục từ trước đến nay do cung chưa đủ cầu. Rộ vụ thu hoạch, giá hạt ca cao có giảm nhẹ nhưng hiện lại khôi phục ở mức cao: 70 ngàn đồng/kg.
Từ cuối năm 2012 đến nay, giá tiêu liên tục ổn định và ngày càng tăng, kéo theo phong trào trồng tiêu tự phát ở Hoài Nhơn (Bình Định) phát triển mạnh. Nhằm hạn chế những tổn thất về kinh tế cho người trồng tiêu do dịch bệnh gây ra, các ngành chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển cây tiêu theo hướng bền vững.
Hiện nay, nông dân các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) đang thu hoạch hồ tiêu. So với thời điểm tháng 12-2015, giá hạt tiêu đã giảm 12.000 đến 22.000đồng/kg.