Biện Pháp Hạn Chế Hiện Tượng Xì Mủ, Sượng Trái Măng Cụt
Năm 2013 măng cụt chính vụ ra bông, kết trái muộn hơn so với bình thường khoảng 15-30 ngày. Vì vậy, khả năng xảy ra hiện tượng măng cụt bị xì mủ vàng, sượng trái sẽ cao do giai đoạn trái sắp chín rơi vào mùa mưa. Nhằm hạn chế hiện tượng trên, xin giới thiệu một số biện pháp như sau:
Xì mủ, sượng trái là một hiện tượng khá phổ biến trên cây măng cụt. Triệu chứng dễ thấy là vỏ trái bị xì mủ, thịt trái bị sượng, phẩm chất giảm trầm trọng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, nguyên nhân của hiện tượng chảy mủ vàng ở trái măng cụt có thể do côn trùng cắn phá hay chích hút gây ra, hoặc do nguyên nhân sinh lý như gió mạnh làm thân, cành, rễ bị tổn thương. Đặc biệt, thời gian 2-3 tuần trước khi chín, gặp mưa to liên tục cây hút nhiều nước một cách đột ngột làm mạch nhựa bị vỡ và rỉ nhựa ra ngoài. Nếu nhựa rỉ vào cơm trái có thể làm sượng múi, thịt trái bị hư hại, không ăn được. Một số trường hợp khi mủ chảy phía trong thì trên cuống trái có vết thâm và trên đó mọc ra nấm Phytophthora spp, như vậy có thể nấm Phytophthora spp tham gia một phần trong việc tạo nên hiện tượng chảy mủ vàng.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho thấy, các vườn măng cụt có tập quán bón vôi hằng năm thì hiện tượng xì mủ, sượng trái ít xảy ra.
Kết quả nghiên cứu của Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ) và của Đại học Nông nghiệp Bogor (Indonesia) đều cho biết có mối tương quan giữa lượng calci (vôi) trong vỏ trái với hiện tượng xì mủ, sượng trái măng cụt; phun CaCl2 (calcium chloride) trực tiếp lên trái vào tháng thứ hai và thứ ba sau khi đậu trái có thể làm giảm hiện tượng xì mủ, sượng trái măng cụt.
Biện pháp khắc phục hiện tượng xì mủ, sượng trái căn cơ nhất là xử lý măng cụt ra bông sớm vào tháng 11 để thu hoạch trong tháng 4 DL (giai đoạn chín hoàn toàn rơi vào mùa nắng).
Tuy nhiên, hiện chưa có quy trình nào xử lý măng cụt ra bông ổn định. Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên và từ thực nghiệm, các biện pháp tổng hợp sau đây được khuyến cáo để hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng trái đối với măng cụt chính vụ như sau:
- Giữ độ ẩm đất ổn định dưới 50% trong giai đoạn trái măng cụt 1 tháng trước thu hoạch đến khi thu hoạch bằng cách phủ bạt lên liếp, giữ mực nước trong mương vườn cách mặt liếp ít nhất 60 cm;
- Phun trực tiếp lên trái dung dịch CaCl2, nồng độ 2%, liều lượng 6 lít/cây (đối với măng cụt từ 18 đến 20 năm tuổi), phun 4 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày, bắt đầu từ tháng thứ ba sau khi đậu trái. Hằng năm nên bón vôi cho cây với liều lượng khoảng 50 kg/công;
- Phun ngừa các bệnh trên trái bằng các thuốc gốc đồng.
- Tránh làm trái bị va chạm mạnh khi thu hoạch, vận chuyển.
Related news
Chế phẩm sinh học A4 dùng cho cây măng cụt - Phần 2
Trái măng cụt có giá trị kinh tế cao và có thị trường xuất khẩu rất lớn. Ở Việt Nam, trái măng cụt có giá trị dinh dưỡng cao nên được nhiều người ưa thích
Với 1ha măng cụt trồng theo VietGap, mỗi năm, ông Nguyễn Văn Tỵ ở Bình Dương thu về trăm triệu.
Việc điều khiển cây măng cụt trổ trái sớm đã giúp một số nông dân ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có thu nhập cao hơn so với phương pháp cũ.
Măng cụt là trái cây khá phổ biến ở Việt Nam. Loại quả này có tác dụng ngừa ung thư, chống viêm, giúp da khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tim mạch