Biến đồng hoang thành tiền tỷ
Bán nhà ra đồng ở
Cách đây hơn 10 năm, cánh đồng rộng mênh mông của thôn Trung tâm mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa không ăn chắc.
Năm nào được mùa, bà con mới thu được 70kg thóc/sào/vụ, nên cuộc sống nơi đây rất cơ cực.
Đúng vào thời điểm đó, địa phương phát động phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phát triển nông thôn và xây dựng quê hương mới.
Ông Phạm Văn Chép cũng muốn làm một cái gì đó thật sự là bước đột phá ở địa phương và ông đã trăn trở về hướng đi của mình.
Theo dõi thời sự thấy Đại biểu Quốc Hội phát biểu có nói rằng: “ đồng chiêm trũng như một nàng công chúa, chàng Hoàng tử nào có tài thì mới chinh phục được nàng Công chúa đó”.
Ông như được tiếp thêm sức mạnh, về nhà ông bàn với vợ và nhanh chóng bán cả gia tài có sẵn được 86 triệu đồng, cộng với số tiền trên 500 triệu đồng vay được từ Ngân hàng, bạn bè, họ hàng thân thích.
Ông Chép thầu cả cánh đồng rộng 54 mẫu của thôn trong vòng 10 năm để làm trang trại với 54 tấn thóc/năm.
Ông Chép tâm sự: “Thấy tôi bán hết ruộng vườn, nhà cửa, ai cũng gàn, anh em ruột ra sức khuyên can.
Con dâu thì cho rằng bố nhiều tuổi rồi vẫn còn đầy ải con cháu”.
Lúc này ông không biết phải bắt đầu từ đâu và quy hoạch như thế nào.
Nhiều đêm thức trắng, mất ăn mất ngủ để tính toán, suy nghĩ về cách làm.
Nói là làm ông đã tìm đến một trang trại thủy sản ở Hải Dương để học tập kinh nghiệm và kết hợp với tìm đọc tài liệu, sách báo, xem ti vi, nghe đài.
Ông đã quyết định thuê máy xúc, nhân công lao động đắp đường đi, khoanh vùng, đắp bờ, quy hoạch từng khu chăn nuôi.
Trở thành tỷ phú
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông tận dụng đất đai từ việc múc ao, xây dựng lò gạch thủ công, trồng chuối lá (chuối tây) và nuôi vịt thịt.
ông về tận cơ sở sản xuất giống có uy tín ở Hải Dương để mua giống.
Ngay năm đầu tiên ông bán 10 tấn cá, hàng nghìn con vịt, hàng vạn gạch.
Có tiền ông trả nợ một phần và tiếp tục mở rộng chăn nuôi, đổ bê tông đường vào.
Trang trại của ông thả chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống như trôi, trắm, chép, mè, rô phi đơn tính, chim trắng, cá quả.
Theo kinh nghiệm của ông: “Đặc tính của mỗi loại cá có khác nhau.
Bởi vậy ông khoanh thành 11 ao, ao to nhất có diện tích 10 mẫu, nhỏ nhất là 1 mẫu, mỗi loài cá ông thả một ao.
Sau mỗi lần thu hoạch, ông thuê người tát cạn, múc bùn và vệ sinh khử trùng ao, đầu năm lại tiếp tục thả cá”.
Tận dụng triệt để diện tích quanh ao, ông cho trồng trên 3000 cây xoan, nay đã được 6 năm tuổi, 2000 cây chuối lá, mỗi lần bán trên 100 buồng, trung bình 40.000đ/nải, gần 100 cây nhãn được thu hoạch, 2000 cây xanh làm cảnh.
Những năm trước khi phong trào chơi cây cảnh phát triển rộ, có những cây ông bán được gần 1 tỷ đồng.
Còn đàn vịt, ông cho nuôi gối nhau, cứ 45- 50 ngày thu hoạch một lứa.
Cách đây ít ngày ông vừa xuất bán 10.000 con vịt thịt, trọng lượng 2,5 đến 3 kg/con, trừ chi phí các loại còn lãi 30.000đ/con.
Hiện còn khoảng 7000 con vịt được trên 40 ngày tuổi và chuẩn bị xuất bán.
Ông lại vừa nhập 10.000 vịt giống về nuôi.
Ông Chép cho biết thêm: “Từ khi nuôi vịt đến nay ít khi mắc dịch bệnh.
Ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng bệnh, 15 ngày đầu sau khi bắt về, ông tiến hành tiêm văccin phòng bệnh 3 lần”.
Nhờ vậy, mỗi năm trang trại của ông cho thu 30 tấn cá, hàng vạn con vịt, trên 2000 buồng chuối.
Với tổng thu nhập trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí các loại cũng được lãi hàng tỷ đồng, trang trại giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động, ngoài cơm nuôi ông còn trả lương 3 triệu đ/người/tháng.
Là người đi đầu phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phát triển nông thôn.
Ông Phạm Văn Chép đã truyền đạt kinh nghiệm cho rất nhiều người ở trong và ngoài địa phương.
Riêng thôn Trung tâm (Hợp Thịnh) hiện có 30 trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, nuôi gia súc gia cầm.
Ông Hoàng Kim Nghị chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hợp Thịnh nhận xét: “Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, ông Phạm Văn Chép còn có tấm lòng thơm thảo.
Hàng năm cứ đến tết nguyên đán, ông lại dành khoản tiền nho nhỏ để tặng quà cho những hộ nghèo trên địa bàn, mỗi xuất quà trị giá từ 300.000- 500.000 đồng.
Ngoài ra ông còn ủng hộ quỹ khuyến học vài ba triệu đồng là việc làm thường xuyên.
Và mới đây, ông đã ủng hộ 50 triệu đồng cho Chính quyền địa phương để cứng hóa đường nội đồng”.
Mặc dù tuổi đã cao, song ông Chép vẫn không nghỉ ngơi, ông đang lên kế hoạch, đầu tư kinh phí biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái trong những năm tới.
Related news
Chứng kiến khu trang trại mênh mông, với những ao nuôi cá cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, ít ai nghĩ người gây dựng nên cơ nghiệp này lại là một phụ nữ tuổi ngoài 50. Bà chủ của trang trại ấy là Nguyễn Thị Liệu, thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc).
Những ngày này, về xã Thạnh Mỹ (Tân Phước - Tiền Giang), nhìn những trái khóm (miền Bắc gọi là dứa, miền Trung gọi là thơm) phụng, khóm son màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo vươn mình trong nắng ấm, chúng tôi cảm nhận dường như không khí Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Hiện, bà con đang tất bật chăm sóc để kịp cung ứng cho thị trường trái cây trưng mâm ngũ quả ngày Tết.
Trồng sầu riêng trong vườn nhà, bón phân dơi và áp dụng kỹ thuật tốt, ông Lê Văn Sáu (65 tuổi), ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có thu nhập hàng tỷ đồng.