Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khóm phụng, khóm son khoe sắc

Khóm phụng, khóm son khoe sắc
Author: P. Mai
Publish date: Thursday. December 31st, 2015

Ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ, cho biết: “Toàn xã có vài chục hộ gia đình trồng khóm phụng, khóm son.

Vào thời điểm này, bà con đang ra sức chăm sóc để những trái khóm phụng, khóm son có hình dáng đẹp, bắt mắt”.

Khóm phụng có hình chim phượng hoàng (chim phụng) đang xòe cánh.

Còn trái khóm son là loại cây cảnh có màu sắc  đẹp, rực rỡ như màu son nên cũng được nhiều người ưa chuộng, dùng chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Ông Hà Văn Bảy (ấp Mỹ Lộc) là người tiên phong trồng khóm phụng, khóm son ở Thạnh Mỹ.

Ông Bảy cho biết: Trồng khóm phụng, khóm son tuy dễ mà khó.

Dễ là không phải tốn nhiều công sức trồng, chăm sóc, nhưng khó xử lý cho trái có hình dáng đẹp như mong muốn.

“Tết năm nay, tôi trồng 1.000 cây khóm phụng, có hơn 200 trái đẹp (giá dao động từ 150.000 - 200.000­ đồng/trái), số còn lại giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/trái.

Tuy thời gian trồng loại khóm này khá dài và tỷ lệ trái đẹp không cao, nhưng bù lại khóm phụng có giá cao gấp mấy chục lần khóm thường, người trồng khóm phụng vẫn có lãi cao”.

Theo các nông dân trồng khóm ở đây, từ nay đến 20 tháng Chạp (âm lịch) sẽ có nhiều thương lái từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến đặt mua khóm phụng.

Một trái khóm phụng đạt tiêu chuẩn và có giá phải nặng từ 4-6kg,  hình dáng đẹp, trên đầu có mào rực rỡ, xung quanh trái mẹ phải có nhiều trái con có hình dáng tương tự trái mẹ.

Năm nay sẽ hứa hẹn một năm trúng mùa, vì khóm phụng và khóm son hiện phát triển khá tốt.

Để có trái khóm phụng đẹp bán Tết được giá cao, ngay từ đầu tuần tháng 8 (âm lịch), bà con bón phân, sau đó xử lý khóm ra hoa bằng khí đá để đến Tết Nguyên đán trái già, có thể chưng lâu mà không bị mất màu, giảm sắc.

Bên cạnh khóm phụng, khóm son cũng là loại khóm kiểng được thị trường Tết ưa chuộng.

Tuy nhiên, loại khóm này có giá rẻ hơn khóm phụng nhiều lần, chỉ trên dưới 20.000 đồng/trái, bù lại khóm son không đòi hỏi quá nghiêm ngặt về mẫu mã nên tỷ lệ trái đạt yêu cầu cao hơn.

Có tận mắt chứng kiến vườn khóm son của ông Đỗ Đức Phối mới thấy không khí Tết đang cận kề.

Vừa chăm chút nhổ từng bụi cỏ mọc xen trong vườn khóm son đang cho trái rực rỡ, ông Phối phấn khởi nói: “Năm nào gia đình tôi cũng thu lợi trên 10 triệu đồng từ khóm son.

Năm nay khóm son to đẹp hơn nên khả năng bán được giá cao.

Chính vì vậy, gia đình tôi tin tưởng sẽ có một cái Tết sung túc”.

Được biết, vườn khóm son của ông Phối hiện có trên 2.000 trái, dự kiến bán được với giá 10.000 - 20.000 đồng/trái. 

Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết: Kỹ thuật trồng khóm phụng, khóm son rất công phu, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ và kỹ lưỡng.

Từ khi trồng đến khi cắt trái khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho 1 trái.

Vì vậy, muốn có khóm son bán vào đúng dịp Tết thì khoảng tháng 2 âm lịch là bắt đầu trồng cây giống, đến tháng 8-9 âm lịch bắt đầu xử lý để khóm ra hoa.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, phun xịt các loại phân thuốc để rệp sáp không tấn công và khi thời tiết nắng nhiều ngày phải che nắng để không bị nám trái.

Nói về hiệu quả của việc trồng khóm phụng, người dân Thạnh Mỹ đều nhắc đến Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Văn Sáng.

Với cặp khóm phụng bán được với giá 4 triệu đồng dịp Tết năm 2014, ông Sáng đã trở nên nổi tiếng.

 Ông Sáng cho biết, ông chỉ trồng vài trăm gốc khóm phụng xung quanh nhà.

Năm nào khóm phụng cũng cho trái rất đẹp nên được giá khá cao.

Thương lái các nơi đến đây thu mua đem bán ở thị trường TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Có một thời, trên vùng đất phèn Tân Phước do khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt nên thảm thực vật ở đây chỉ toàn là tràm, bàng, đưng, năn và cỏ dại.

Nhờ việc đào kinh xả phèn, dẫn ngọt, cộng với bàn tay lao động cần mẫn của người dân, nơi đây không những đã phủ lên màu xanh bạt ngàn của lúa, khóm, khoai… mà còn có những đặc sản trái cây ngày Tết như khóm phụng, khóm son, để mỗi độ Tết đến xuân về chúng lại góp mặt trên các mâm ngũ quả trong nhiều gia đình từ Nam ra Bắc.


Related news

Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu

Cái tên Cường “liều” đã quá quen thuộc với người dân xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang). Từ đôi bàn tay trắng, không một thước đất cắm dùi, Ngô Quang Cường liều lĩnh bắt tay vào làm mô hình kinh tế trang trại ngay từ năm 24 tuổi. Sau nhiều lần thất bại, giờ đây Cường đã trở thành một chủ trang trại nuôi chim bồ câu lớn nhất huyện Hiệp Hòa.

Wednesday. December 30th, 2015
Ra tù với đôi chân liệt, vẫn thành tỷ phú nhờ bồ câu Ra tù với đôi chân liệt, vẫn thành tỷ phú nhờ bồ câu

Hai lần tù tội, ra tù với đôi chân bị liệt... nhưng nhờ lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ, của vợ cộng với sự nỗ lực của bản thân, Đỗ Văn Kỳ (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) đã trở thành tỷ phú với ngôi nhà 7 tầng nổi tiếng được gọi là “lâu đài Kỳ bồ câu”.

Wednesday. December 30th, 2015
Bà chủ trang trại gà - cá : Thất bại chỉ là tạm thời Bà chủ trang trại gà - cá : Thất bại chỉ là tạm thời

Chứng kiến khu trang trại mênh mông, với những ao nuôi cá cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, ít ai nghĩ người gây dựng nên cơ nghiệp này lại là một phụ nữ tuổi ngoài 50. Bà chủ của trang trại ấy là Nguyễn Thị Liệu, thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

Wednesday. December 30th, 2015