Chiêu độc thu tiền tỷ của lão nông miền Tây bẫy dơi lấy phân bón sầu riêng
Trong những năm gần đây, diện tích trồng sâu riêng trên địa bàn xã Tân Bình ngày càng mở rộng do hiệu quả kinh tế mang lại nhiều hơn so với các loại cây trồng khác.
Đầu ra của sản phẩm này khá ổn định, giá luôn đứng ở mức cao.
Vì thế sau nhiều lần đi Tiền Giang, tham khảo mô hình, ông Sáu đã quyết định mua sầu riêng về trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Hiện nay, khu vườn sầu riêng xanh mướt của ông đang cho bông sai trên cành.
Ông Sáu kể, năm 2002, ông chuyển 2 ha trồng cam sành sang trồng 420 cây sầu riêng.
Lúc đầu, để có kinh nghiệm, ông đi tham quan nhiều mô hình thực tế và nhờ giảng viên đại học Cần Thơ hướng dẫn thêm.
Nhờ những kiến thức này trong lĩnh vực trồng sầu riêng, vườn cây nhà ông ít bị sâu bệnh, phát triển tốt ngay cả khi trồng ở đất phèn.
Do sầu riêng là loại cây ăn trái lâu năm nên để có nguồn thu nhập ban đầu, ông Sáu nghĩ ra cách xen chuối vào vườn sầu riêng để lấy ngắn nuôi dài.
Ông cho biết: “Để trồng sầu riêng liếp phải cao, khoảng cách trồng sầu riêng thích hợp nhất là từ 7 đến 8 m/cây.
Sau 5 năm, vườn sầu riêng mới bắt đầu cho trái.
Vì thế tôi trồng chuối vào vừa che chắn cho cây lúc còn nhỏ, vừa để tăng thu nhập và khi chuối tàn có thể chặt tủ vào gốc làm phân cũng như giữ ẩm”.
Việc xen chuối xiêm vào vườn sầu riêng mỗi năm lão nông này có nguồn thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng.
Với bản tính cần cù, chịu khó nên sau 5 năm chăm sóc, vườn sầu riêng của ông Sáu đã cho quả ngọt với nguồn thu nhập trên 400 triệu đồng.
Tuy vậy, để có hiệu quả, ông Sáu cũng phải mày mò và nghĩ ra nhiều cách.
Để cây sầu không bị ngập úng cũng như phát triển tốt, ông xẻ rãnh thoát nước theo từng ô.
Còn để giữ ẩm cho đất, ông trồng cỏ xung quanh gốc sầu riêng cũng như hạn chế việc xói mòn đất khi tưới nước.
Nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ loại cây này, ông Sáu tiếp tục mở rộng từ 2 ha lên 3,5 ha.
Qua nhiều năm có kinh nghiệm trong việc làm nông nghiệp, thấy việc bón phân hóa học càng nhiều thì đất đai bị cằn mà chi phí ngày càng cao nên ông dựng luôn 2 cái chuồng bằng lá quanh vườn để dơi vào ở.
Sáng kiến này giúp cho ông Sáu thu được một lượng lớn phân dơi dự trữ trong nhà kho, dùng làm phân bón cho sầu riêng.
Ông Sáu cho biết, nhờ lượng phân dơi thu được này mà vườn sầu riêng nhà ông lúc nào cũng xanh mướt, sai quả, thơm ngọt.
Mặc dù, vườn sầu riêng có nhiều năm tuổi, dáng cây cứng cỏi nhưng ông Sáu chỉ để đủ số lượng trái tương xứng với năm tuổi của cây và để trái đoạn nhánh gần với thân.
Ông Sáu cho biết thêm quan trọng nhất là việc cải tạo đất, bởi biết kỹ thuật sẽ rất thuận lợi, nhất là ở vùng đất phèn.
Còn về phân, thuốc trừ sâu, ông Sáu cho hay bón và phun định kỳ cây sẽ phát triển tốt.
Mỗi năm, vào tháng 10, người trồng sẽ tỉa cành, bón phân, vun gốc nhằm giúp cây ra hoa, từ khi ra hoa đến thu hoạch gần 3 tháng.
Vì vườn sầu riêng của ông Sáu có chất lượng cao nên gần đến thời điểm thu hoạch là rất nhiều thương lái ở các tỉnh như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre đổ về đặt cọc thu mua.
Năm 2013, ông Sáu thu hoạch được 30 tấn trái bán với mức giá từ 21.000 đến 30.000 đồng/kg.
Trừ chi phí, ông thu lãi trên nửa tỷ đồng.
Riêng vụ vừa rồi, nhờ bón phân hữu cơ, 3,5 ha sầu riêng của ông Sáu cho năng suất khoảng 50 tấn.
Trừ đi chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền nhân công, ông lãi trên 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Cán bộ khuyến nông, khuyến ngư xã Tân Bình cho biết trồng sầu riêng là một trong những mô hình đang cho hiệu quả cao trong địa bàn xã.
Cây sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng, đem về thu nhập tốt cho người dân.
Related news
Hai lần tù tội, ra tù với đôi chân bị liệt... nhưng nhờ lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ, của vợ cộng với sự nỗ lực của bản thân, Đỗ Văn Kỳ (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) đã trở thành tỷ phú với ngôi nhà 7 tầng nổi tiếng được gọi là “lâu đài Kỳ bồ câu”.
Chứng kiến khu trang trại mênh mông, với những ao nuôi cá cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, ít ai nghĩ người gây dựng nên cơ nghiệp này lại là một phụ nữ tuổi ngoài 50. Bà chủ của trang trại ấy là Nguyễn Thị Liệu, thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc).
Những ngày này, về xã Thạnh Mỹ (Tân Phước - Tiền Giang), nhìn những trái khóm (miền Bắc gọi là dứa, miền Trung gọi là thơm) phụng, khóm son màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo vươn mình trong nắng ấm, chúng tôi cảm nhận dường như không khí Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Hiện, bà con đang tất bật chăm sóc để kịp cung ứng cho thị trường trái cây trưng mâm ngũ quả ngày Tết.