BIDV Chi Nhánh Bình Thuận Cho Vay Đóng Tàu Vỏ Sắt Công Suất 1.000CV

Được vay tiền tỷ, lãi suất 2%
BT- Sau chương trình “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển”, Ngân hàng TMCP Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) đang chuẩn bị triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay đóng tàu vỏ sắt, nhằm tăng cường khả năng bám biển. Bình Thuận, nơi có ngư trường lớn và hiện có 7.523 tàu với tổng công suất 773.729 cv thì đây là một cơ hội tốt để ngư dân tiếp cận nguồn vốn rẻ, tiếp tục nâng công suất tàu thuyền đánh bắt.
Thực tế, tính trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh đóng được 105 tàu thuyền với 48.750cv nhưng công suất bình quân tàu thuyền mới đóng này đang dừng ở 484,3cv/tàu.
Còn nếu tiếp cận nguồn vốn trên, ngư dân có thể đóng tàu công suất từ 900 - 1.000cv, vỏ sắt nên đảm bảo nhiều tính năng kỹ thuật hơn hẳn tàu gỗ lâu nay, có thể đánh bắt dài ngày trên những vùng biển xa. Hơn thế, lãi suất rất thấp, chỉ 2%/năm, thời hạn vay trung, dài hạn.
Điều thuận lợi hơn, chính con tàu được hình thành từ vốn vay sẽ là tài sản thế chấp, tính ra với mức cho vay tối đa 90% giá trị con tàu thì mức vay khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Bên cạnh, BIDV chi nhánh Bình Thuận còn cho vay vốn ngắn hạn, trong vòng 1 năm, lãi suất 5%/năm kèm theo để các chủ tàu trang trải chi phí cho các chuyến ra khơi.
Vì thế, chương trình cho vay này đúng thực chất là chương trình hỗ trợ ngư dân, hướng vào mục tiêu kép. Đó là vừa giúp ổn định sinh kế cho ngư dân, vừa tăng cường khả năng ứng phó tình huống bất trắc trên biển, thiết thực hỗ trợ ngư dân tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ngư dân nhiệt huyết
Chương trình cho vay 3.000 tỷ đồng trên của BIDV là sự tiếp nối các chương trình hỗ trợ ngư dân vay đánh bắt xa bờ của Chính phủ mà bắt đầu từ năm 1997. Ngay chương trình cho vay đầu tiên này theo Quyết định 393/1997 của Thủ tướng Chính phủ, tại Bình Thuận bên cạnh những ngư dân nỗ lực trả nợ, dù gặp các bất trắc trên biển, còn có không ít ngư dân không muốn trả nợ.
Trong khi các tổ chức tín dụng không thể quản lý được các khâu hoạt động trên biển của các tàu, ngay cả khâu bán hải sản cũng chưa áp dụng mô hình cho vay theo chuỗi liên kết giữa khâu đánh bắt với hậu cần, tiêu thụ. Vì nhiều trở ngại cả khách quan lẫn chủ quan nên khâu thu hồi nợ vay không hiệu quả.
Tiếp đó, còn có hàng loạt các chính sách hỗ trợ trực tiếp phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ, các tổ chức tín dụng tại Bình Thuận cũng lần lượt triển khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, trong dư nợ 473,8 tỷ đồng cho vay khai thác, đánh bắt thủy sản thì chỉ có 17,9 tỷ đồng cho vay đóng vỏ tàu. Con số này đã chứng minh rất rõ tình trạng các ngân hàng siết chặt khoản vay này, vì cho rằng quá nhiều rủi ro, ngay cả việc xử lý tài sản con tàu thế chấp cũng hết sức nhiêu khê.
Theo BIDV chi nhánh Bình Thuận, chương trình cho vay này không mang nặng tính kinh doanh, vì lãi suất rất thấp nhưng cũng đòi hỏi ngư dân phải hoạt động đánh bắt có hiệu quả để hoàn vốn cho Nhà nước. Theo đó, đối tượng được vay phải là người muốn thay đổi, muốn bứt phá trong làm ăn, từ thuyền nhỏ lên tàu to, từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt.
Và hơn hết, vay vốn để đánh bắt xa bờ bên cạnh mưu sinh, còn để gìn giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Để chương trình cho vay hỗ trợ có hiệu quả trên mục tiêu kép như đã nêu, BIDV đang tính toán các phương án phối hợp với các ban ngành như kiểm ngư, biên phòng… để hỗ trợ vay vốn và trả nợ tốt.
Related news

Bổ sung nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, Chi hội nghề cá Hà Giang (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) vừa tự nguyện góp tiền thả 3 tạ cá dìa, kích cỡ 2cm ra đầm phá.

Ông Đinh Như Trực (58 tuổi), ở thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, là người đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế nuôi ếch trong lồng lưới.

Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, song qua thời gian, mô hình luân canh tôm - lúa đã thể hiện nhiều ưu thế phù hợp với xu thế phát triển chung; nhất là tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.

Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.