Bệnh đạo ôn hại lúa
Lúa là cây trồng chính và quan trọng trong SX nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, một khi được thâm canh tăng năng suất và chất lượng, nhiều loại dịch hại xuất hiện
Bệnh đạo ôn là một trong những dịch hại nguy hiểm làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa.
Trước đây, bệnh đạo ôn chỉ xuất hiện trong vụ lúa ĐX. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh đạo ôn đã gây hại hầu hết các vụ lúa trong năm, nhất là các tỉnh phía Nam. Bệnh đạo ôn đã gây khó khăn cho nghề sản xuất lúa và làm mất thêm chi phí phòng trừ.
Triệu chứng và tác nhân gây hại: Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa. Trên lá, ban đầu vết bệnh rất nhỏ, nhưng ở giữa vết bệnh, phần tế bào lá đã bị hoại tử và khô xám, sau đó vết bệnh lớn dần và có hình thoi, đây là vết bệnh đặc trưng của đạo ôn. Khi bệnh nặng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm cho toàn lá bị "cháy". Nguy hiểm nhất là khi nấm tấn công trên cổ bông và cổ gié, làm cho toàn bộ bông hoặc gié bị khô và gãy gục...
Điều kiện phát sinh phát triển: Trong điều kiện trời mây âm u, ít nắng, thời tiết mát, ẩm độ cao, kết hợp đêm có sương mù nhiều thì bệnh phát triển mạnh. Bệnh cũng thường gây hại nặng trên những ruộng sử dụng giống lúa nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón phân thừa đạm...
Một số biện pháp quản lý bệnh đạo ôn đã được bà con nông dân áp dụng đạt hiệu quả:
- Sử dụng giống kháng bệnh hoặc ít nhiễm để gieo trồng.
- Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.
- Trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước (trục và dìm kỹ gốc rạ), dọn sạch cỏ dại quanh bờ...
- Không gieo sạ quá dày để cây lúa được khỏe mạnh, kháng được bệnh (áp dụng theo lượng giống khuyến cáo của chương trình IPM, khoảng 120kg/ha, nếu sạ hàng thì lượng giống còn ít hơn).
- Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm, nên sử dụng phân bón theo bảng so màu lá lúa. (khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và phiến lá sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang).
- Khi điều kiện thời tiết phù hợp cho bệnh phát sinh, phát triển (như đã nêu ở trên) thì chủ động phòng ngừa trước như hạn chế phân đạm, tăng cường phân kali. Có thể chủ động phun thuốc phòng ngừa trước nếu ruộng được gieo sạ dày bằng giống nhiễm và đã bị dư đạm.
- Theo dõi ruộng thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh (từ giai đoạn lúa con gái đến đòng trổ). Khi thấy bệnh chớm xuất hiện trên đồng thì ngừng sử dụng phân đạm và cần phun hoặc rải một trong các loại thuốc sau:
+ Phun Pysaigon 50WP, hay Trizole 400SC/75WP/WDG, hoặc Saipan 2SL, hay Lúa vàng 20WP. Đặc biệt, Trizole 400SC là sản phẩm mới dạng nước, rất dễ sử dụng, với liều lượng 0,5 - 0,6 lít/ha cho hiệu quả trừ bệnh rất cao. Saipan 2SL vừa phòng trừ đạo ôn, vừa phòng trừ được bệnh cháy bìa lá (bạc lá).
+ Rải thuốc hạt Kisaigon 10H.
+ Nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5 - 7 ngày. Kết hợp rải thuốc hạt.
* Chú ý khi phun xịt thuốc: Phun đủ lượng nước với bec phun tơi sương, phun khi ruộng đã ráo sương hoặc ráo nước sau mưa. Có thể phun ngừa trước khi lúa trổ hoặc sau khi lúa đã trổ đều.
Related news
Ngoài những triệu chứng thiếu dinh dưỡng quan trọng là N, P và K ở ĐBSCL, vẫn thường thấy lúa bị độc do mặn, phèn hay chất hữu cơ.
Giống lúa ST24 của DN tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) – Top 3 “Gạo ngon nhất thế giới năm 2017” vừa trải qua quá trình đánh giá, phỏng vấn từ đơn vị chứng nhận
Giống lúa thuần LTh31 do ThS. Trần Văn Tứ, PGS.TS. Tạ Minh Sơn và cộng sự Trung tâm Nghiên cứu & phát triển lúa thuần, Viện CLT & CTP chọn tạo