Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bến Tre Sản Xuất Giống Tôm Biển

Bến Tre Sản Xuất Giống Tôm Biển
Publish date: Monday. April 23rd, 2012

Hiện nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt hơn 43.000 ha, mỗi năm cần khoảng 5 tỷ con tôm giống chứng tỏ Bến Tre là thị trường khá rộng cho nghề sản xuất tôm giống phát triển. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh hiện chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.

Để đáp ứng nhu cầu về con giống, UBND tỉnh đã thành lập Dự án xây dựng quy hoạch khu vực sản xuất tôm giống tập trung với diện tích 20 ha tại xã Thới Thuận (Bình Đại), đầu tư về cơ sở hạ tầng, cho thuê đất với giá ưu đãi, hỗ trợ vay vốn ngân hàng cho cơ sở để đầu tư phát triển. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, các lớp kiểm soát về dịch bệnh, môi trường, tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm sản xuất giống của các tỉnh có thế mạnh để nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật sản xuất giống của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 53 trại sản xuất giống đang hoạt động, trong đó huyện Bình Đại 19 trại, huyện Ba Tri 17 trại và huyện Thạnh Phú 17 trại. Công tác quản lý hoạt động của các trại sản xuất giống trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện khá chặt chẽ từ khâu giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nguy hiểm đến khâu kiểm dịch đã được người nuôi trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, góp phần tạo uy tín cho chất lượng tôm giống của Bến Tre. Đến nay, tôm giống Bến Tre đã chinh phục được thị trường các tỉnh như: Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Bên cạnh các lợi thế đã nêu, hoạt động sản xuất tôm giống của Bến Tre cũng còn một số hạn chế. Trong số 53 trại sản xuất tôm giống, chỉ có 5 trại đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng tôm thẻ chân trắng, trong khi nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng hàng năm cần trên dưới 3 tỷ con. Đa số các trại sản xuất được xây dựng từ lâu, hiện đã cũ, không có sự cải tiến đáng kể để thích ứng với sự phát triển ngày càng cao của nghề nuôi tôm thương phẩm. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, vốn đầu tư thấp, lượng giống sản xuất được chủ yếu chỉ cung cấp cho nuôi quảng canh, tôm rừng, không đủ số lượng cung cấp cho nghề nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Tôm sú bố mẹ chủ yếu khai thác từ tự nhiên, khó kiểm soát chất lượng. Đa số tôm bố mẹ khai thác không qua kiểm dịch, không xét nghiệm các bệnh nguy hiểm. Riêng đối với các trại sản xuất tôm thẻ chân trắng giống, hầu hết chưa thực hiện cho đẻ tại chỗ mà nhập nauplius về ương thuần do nguồn tôm bố mẹ phải nhập từ nước ngoài, nên khó kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ. Mặt khác, nguồn cung cấp nauplius cũng không ổn định, thường xuyên thiếu nguồn nên không chủ động trong sản xuất.

Chất lượng nước dùng để sản xuất không đảm bảo do địa hình tỉnh Bến Tre nằm xa nguồn nước biển sạch, nên toàn bộ lượng nước biển phục vụ sản xuất đều phải mua từ các ghe chở nước gây ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình sản xuất như không chủ động được nguồn nước cấp, chi phí sản xuất tăng cao,...

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng tôm giống, các trại sản xuất giống cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn; mạnh dạn loại bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, cùng liên doanh, liên kết với nhau đầu tư sản xuất tại các khu qui hoạch tập trung; quan tâm đến công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu đến tận các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh.

Related news

Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp Thân Thiện Với Môi Trường Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp Thân Thiện Với Môi Trường

Theo kết quả điều tra của các ngành chức năng trong khi xây dựng quy hoạch BVMT tỉnh đến năm 2020 cho thấy, cùng với quá trình tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta cũng đã bộc lộ những mặt trái tác động tiêu cực đến môi trường, làm gia tăng tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Friday. July 25th, 2014
Phát Hiện Heo Bệnh Lọt Qua Nhiều Phát Hiện Heo Bệnh Lọt Qua Nhiều "Cửa" Kiểm Dịch

Theo đó, ngày 9/7/2014 cơ sở giết mổ (CSGM) Hoàng Phúc (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, Long An) tiếp nhận 2 xe vận chuyển heo mang biển số 36C-30436 và 36C-01729 xuất phát từ khu tập trung lợn tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đưa vào cơ sở để giết mổ, kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (GCNKD) số 004613/CN-KDĐVNT và 004625/CN-KDĐVNT cấp ngày 6/7/2014 và 7/7/2014 của Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình. Tổng số heo của 2 xe là 336 con.

Tuesday. August 5th, 2014
Thanh Long Xuất Khẩu Vào Thị Trường Khó Tính Còn Ít Thanh Long Xuất Khẩu Vào Thị Trường Khó Tính Còn Ít

Theo Vinafruit, để đa dạng thị trường, có thêm thị trường mới, điều bắt buộc là trái thanh long phải xử lý được sâu đục trái. Vì thế, người trồng thanh long kỳ vọng một khi Việt Nam có thể kiểm soát được ruồi đục trái nhờ biện phát chiếu xạ sẽ giúp trái thanh long sẽ có mặt ở những thị trường mới, số lượng XK cũng lớn hơn.

Tuesday. August 5th, 2014
Trồng Ớt Xuất Khẩu Ở Mỹ Lộc Trồng Ớt Xuất Khẩu Ở Mỹ Lộc

Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Mỹ Lộc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt cay xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.

Friday. July 25th, 2014
Rau Sạch Điên Điển Hút Hàng Rau Sạch Điên Điển Hút Hàng

Ngoài bán bông tươi, người dân còn làm dưa chua điên điển, giá 30.000 đ/hộp (0,5kg). Bông điên điển là món ăn ưa thích của người dân ĐBSCL, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.

Tuesday. August 5th, 2014