Bất An Với Nuôi Cá Sấu
Liên tiếp xảy ra 2 vụ cá sấu sổng chuồng trên hồ Trị An làm nhiều ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ lo lắng. Gần đây, cá sấu có giá, số hộ nuôi tăng nên nguy cơ cá sấu sổng chuồng càng lớn.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 237 cơ sở nuôi cá sấu với tổng đàn hơn 109 ngàn con. Cá sấu được nuôi nhiều ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), còn lại nằm rải rác tại các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa. Đây là loài động vật hoang dã nguy hiểm nên khi muốn nuôi các hộ phải kê khai với hạt kiểm lâm địa phương.
* Tiềm ẩn rủi ro
Gần 2 năm nay, mỗi con cá sấu sau 2 năm nuôi cho lợi nhuận từ 1,4 - 2 triệu đồng, khiến nhiều hộ ở khu vực ven sông La Ngà đã cải tạo, đầu tư chuồng trại để nuôi. Do cá sấu đòi hỏi vốn đầu tư cao nên nhiều cơ sở chỉ nuôi chừng vài chục đến 100 con.
Trại cá sấu của ông Lê Văn Đường, ấp 2, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) ở sát mép sông La Ngà.
Anh Lê Minh Hùng, ấp 2 xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), cho hay: “Tôi nuôi cá sấu được 6 năm. Trước đây, giá cá sấu gần 100 ngàn đồng/kg, tôi chỉ nuôi 70 - 80 con, nhưng gần 2 năm nay giá cá sấu lên trên 200 ngàn đồng/kg, nên tôi tăng đàn lên gấp 3 lần”.
Chuồng nuôi cá sấu của anh Hùng là tường gạch xi măng dày 10cm, cao khoảng 1m, phía trên có quây lưới và đặt ở khu vực sát sông. Khi được hỏi chuồng trại đặt sát sông như vậy, nếu xảy ra thiên tai, tường rào đổ cá sấu sổng thì sao, anh Hùng trả lời khá hồn nhiên là nhiều năm nay anh nuôi không bị thiên tai nên không có gì phải lo lắng. Còn nếu không may cá sấu sổng chuồng, những người dân đánh bắt cá bằng xung điện sẽ săn lùng, vì mỗi con cá sấu có trọng lượng 20 - 30kg có giá 4,2 - 5,2 triệu đồng.
Ông Đào Văn Khôi ở khu 8, ấp 1, xã Phú Ngọc, khẳng định: “Chuyện cá sấu sổng chuồng ra sông La Ngà, hồ Trị An năm nào cũng có. Nhưng hầu hết các cơ sở nuôi đều tự bắt lại chứ không báo với chính quyền hay lực lượng kiểm lâm”. Cũng theo ông Khôi, cá sấu lớn sổng chuồng không lo bằng cá sấu nhỏ. Vì những con lớn sau một thời gian bị nuôi nhốt theo dạng công nghiệp đã được thuần hóa, khi thoát ra sông thường nổi trên mặt nước rất dễ phát hiện để bắt lại. Còn cá sấu nhỏ thoát ra sông, hồ thường khó phát hiện, sẽ dần thích nghi với điều kiện tự nhiên, sau 1 - 2 năm sẽ trở thành cá sấu lớn rất nguy hiểm.
* Quản lý chặt vẫn lo
“Trước khi thả nuôi cá sấu, các cơ sở phải đăng ký với chi cục hoặc hạt kiểm lâm địa phương. Sau khi kiểm tra thấy chuồng trại đủ điều kiện kiểm lâm mới cấp phép. Những hộ nuôi lén lút không kê khai, nếu phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng” - ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết.
Ông Dũng chia sẻ thêm, các cơ sở nuôi lớn thường đầu tư chuồng trại kiên cố nên không lo cá sấu sổng ra ngoài. Chỉ lo những cơ sở nhỏ lẻ tự phát nuôi vài con, hầu hết là cải tạo lại chuồng heo cũ để nuôi. Khảo sát một số trại nuôi cá sấu ven sông La Ngà, hồ Trị An cho thấy rất nhiều chuồng xây sát mép nước. Với thời tiết bình thường thì không sao, nhưng khi xảy ra dông, lốc, bão, không ai dám chắc những bức tường kia có trụ nổi hay không. Hai năm trước, người dân khu vực Long Thành, Biên Hòa đã một phen nhốn nháo vì mưa lũ cuốn sập tường của trại cá sấu làm gần 10 con cá sấu lớn thoát ra sông Buông.
Ông Nguyễn Hữu Tường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán, cho biết: “Hiện nay, Định Quán có khoảng 140 cơ sở nuôi cá sấu với tổng đàn 90 ngàn con, tập trung nhiều khu vực ven sông, hồ thuộc các xã Phú Ngọc, La Ngà. Để đảm bảo an toàn, kiểm lâm thường phối hợp với các xã kiểm tra những cơ sở nuôi, trường hợp thấy chuồng trại xuống cấp đều nhắc nhở gia cố lại cho đảm bảo”.
Loại cá sấu được các cơ sở ở Đồng Nai nuôi đều là cá sấu nước ngọt. Nguồn giống phần lớn được mua từ miền Tây, sau 1,5 - 2 năm nuôi cá sấu đạt 20 - 30 kg/con là xuất chuồng. Có những thời điểm như giữa năm 2014, giá cá sấu lên đến 280 ngàn đồng/kg, song hiện nay đã “hạ nhiệt” xuống còn 210 ngàn đồng/kg. Cá sấu chỉ cần trên 100 ngàn đồng/kg trở lên là đã rất hấp dẫn người nuôi.
Related news
Được Quỹ Hỗ trợ nông dân (ND) cho vay vốn, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội đã có điều kiện mở rộng diện tích, cải tạo ao, mua thêm cá giống về nuôi...
Ở một số vùng nuôi tôm, việc kết hợp nuôi cá điêu hồng xen canh với tôm sú vào mùa nước ngọt là biện pháp tốt để giảm rủi ro và cân bằng môi trường sinh thái.
Lấy vợ, lập nghiệp với 2 sào đất vườn bạc màu, 6 sào ruộng lúa, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định đã làm giàu từ chính mảnh đất bạc màu ấy.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để đầu tư cho một héc-ta nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nông dân phải đầu tư các khoản như: cải tạo ao đầm, men vi sinh, tiền con giống, thức ăn bổ sung, tương đương 12 triệu đồng/vụ. Quả thật đây là khoản tiền không nhỏ đối với những hộ gia đình có mức sống trung bình.
Với việc thành lập các ban điều phối ngành hàng nông sản, nông sản Việt Nam sẽ tăng được giá trị gia tăng, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.