Bắp Chưa Thu Hoạch Đã Nảy Mầm

Đã đến ngày bắp cho thu hoạch, thế nhưng người dân ở thôn Cây Da, xã Phú Văn (Bù Gia Mập) lại đang dở khóc dở mếu. Bắp bị thương lái trả lại, hủy hợp đồng mua hàng với lý do bị nảy mầm ngay tại vườn rẫy.
Ông Nguyễn Phú Dân, Trưởng thôn Cây Da cho biết: Vùng đất trồng bắp là bãi đất bồi ven sông Bé. Vụ mùa năm nay, toàn thôn trồng 15 ha, nhưng gần 8 ha bắp có hiện tượng nảy mầm trên trái. Theo phản ánh của người dân thôn Cây Da: Khu vực này trồng nhiều giống bắp của các công ty sản xuất khác nhau.
Tuy nhiên, hiện tượng nảy mầm trên trái chỉ xảy ra ở giống bắp nếp lai đơn F1 MX10 của Công ty Giống cây trồng Miền Nam có địa chỉ tại 282 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó các giống bắp, như: Hai mũi tên đỏ, bắp đỏ, Super... mà người dân trong thôn thường trồng qua các năm vẫn cho thu hoạch với năng suất cao, ổn định.
Vụ mùa năm 2012, ở thôn Cây Da có 5 hộ trồng bắp nếp lai đơn F1 MX10 cũng xảy ra hiện tượng nảy mầm trên trái (Báo Bình Phước đã phản ánh). Sau khi sự việc xảy ra, Công ty Giống cây trồng Miền Nam đã bồi thường thiệt hại cho người dân 60kg giống và gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên, giống bắp mà công ty trên đã bồi thường vẫn là loại giống nếp lai đơn F1 MX10 và qua hơn 2 tháng chăm bón thì đến nay “thành quả” mà 5 hộ dân này thu được lại cũng chính là những trái bắp nảy mầm.
Vì sao năm 2012, giống bắp nếp lai đơn F1 MX10 trồng bị nảy mầm, sau đó công ty bồi thường cũng loại giống này mà người dân vẫn nhận? Ông Hà Giang Hải, người trồng loại bắp này giải thích: Người dân yêu cầu công ty bồi thường bằng giống bắp lai đơn PAC 999 Super mà các hộ thường trồng. Tuy nhiên, công ty cho biết giống Super trong kho đã hết và chỉ còn giống F1 MX10.
Công ty Giống cây trồng Miền Nam cam kết số giống mới sẽ không xảy ra hiện tượng nảy mầm trên trái nên người dân thôn Cây Da tin tưởng và tiếp tục xuống giống, kỳ công chăm sóc. Thế nhưng bắp vẫn nảy mầm và không ai mua. Anh Huỳnh Xuân Hoàng, một hộ dân lần đầu trồng loại bắp F1 MX10 cho biết: Giống bắp này có ưu điểm dễ trồng, chịu hạn tốt, cây khỏe, trái to, hạt dẻo, ngọt và giá thành cũng thấp so với các loại giống khác. Hơn nữa, giống này do công ty bồi thường năm trước, không trồng để cũng phí.
Hộ ông Nguyễn Quang Lưu trồng giống bắp F1MX10 nhiều nhất cho biết: Nhà tôi có hơn 2 ha, được công ty bồi thường 25kg giống, năm nay cũng đã xuống giống hết. Chi phí đầu tư cho vườn bắp hơn 30 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc hơn 2 tháng qua nhưng chưa thu được đồng nào.
Đến nay, các hộ đã thu hoạch nhưng đổ đống không ai mua, có hộ không thu hái. Thương lái đến đặt hàng với người dân thu mua trước đó cũng hủy hợp đồng; còn đi bán lẻ ngoài chợ thì không ai dám mua vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Anh Trần Quốc Đại cho biết: Chuẩn bị thu hoạch, thương lái đua nhau tìm đến đặt hàng. Gia đình tôi cũng được đặt mua 500kg bắp trái. Đến ngày giao, thương lái vào tận vườn bẻ. Nhưng khi lột vỏ bắp kiểm tra thì thấy hạt bắp đã nảy mầm xanh nên họ trả lại.
Trước tình trạng bắp nảy mầm hàng loạt, không rõ lý do, người dân đã làm đơn gửi Trạm bảo vệ thực vật huyện và công ty cung cấp giống nhờ hỗ trợ. Ngày 20-6, đại diện công ty đã làm việc với người dân, kiểm tra thực tế và hứa trả lời trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng đến nay phía công ty vẫn im lặng.
Ông Đào Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Phú Văn bức xúc nói: Năm trước, sau khi bồi thường giống cho người dân, công ty không khuyến cáo loại giống F1 MX10 không trồng được trên những loại đất gì mà còn cam kết đảm bảo vụ sau nông dân trồng sẽ không bị nảy mầm. Bây giờ bắp vẫn bị nảy mầm thì công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Related news

Khi nghe bão số 11 đang đến gần, gia đình tôi khẩn trương thuê nhân công chằng chống lại các trại, chòi nuôi tôm. Do không thể xuất bán tôm mới chỉ nuôi được hơn 1 tháng nên tôi gia cố ao nuôi, tránh để tôm thoát ra bên ngoài.

Một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần tổng kết việc thí điểm để thực hiện trên diện rộng.

Hải Hà (Quảng Ninh) là một huyện có đường bờ biển kéo dài với nhiều diện tích tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trong những năm qua, huyện Hải Hà đã có nhiều cố gắng để phát huy lợi thế ven biển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi và hình thức nuôi trên đồng triều, từng bước đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tháng 5-2013, Trạm Khuyến nông huyện Hoằng Hóa phối hợp với UBND xã Hoằng Châu (Thanh Hóa) thực hiện mô hình “Nuôi cua xanh xen vụ nuôi tôm sú”.

Năm 1994, từ Thanh Hóa anh Mai Văn Khẩn vào Lâm Đồng lập nghiệp. Thấy vùng này phát triển cây rau tốt, anh cũng lân la tìm hiểu và tìm đất canh tác.