Bao vây chống dịch lở mồm long móng tại huyện Đồng Xuân
Hiện nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) lại bùng phát trên đàn bò tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Cơ quan thú y đang phối hợp cùng địa phương triển khai các biện pháp bao vây khống chế, dập dịch.
Ổ dịch bùng phát
Dịch LMLM được phát hiện tại xã Xuân Quang 1 từ ngày 12/10, khi đàn bò của gia đình ông Lê Thanh Bình ở thôn Suối Cối 1 có các triệu chứng lâm sàng như chảy nước dãi ở mồm, móng chân loét, bò đi lại không được… Ông Bình cho biết: Khi thấy 4 trong tổng số 7 con bò của gia đình tự dưng bỏ ăn, đứng một chỗ, lở miệng và chân, tôi nghi ngờ bò bị LMLM nên tách chuồng, nhốt riêng và xử lý nền chuồng bằng vôi bột, phun thuốc tiêu độc sát trùng quanh khu vực chuồng nuôi.
Đồng thời, gia đình báo cho cán bộ thú y đến khám để hướng dẫn cách điều trị.
Theo ông Bình, nhờ được cách ly, tiêu độc môi trường kịp thời nên những con bò còn lại trong đàn đến giờ vẫn khỏe mạnh, chưa bị lây bệnh.
Sau nhiều ngày điều trị bằng các loại thuốc và bổ sung vitamin, khoáng chất, hiện nay, 4 con bò bị bệnh cũng đã khỏe mạnh, ăn uống, đi lại bình thường.
Gia đình ông Phan Văn Định cũng ở thôn Suối Cối 1, là hộ có bò bị LMLM mới nhất ở đây.
Ông Định cho biết: Thấy các gia đình trong xóm có bò bị LMLM nên tôi rất cảnh giác phòng ngừa bệnh cho đàn bò của mình.
Nhiều ngày nay, tôi không chăn thả nữa mà nhốt tại chuồng, cắt cỏ cho ăn.
Tuy nhiên, vài ngày trước, một con bò trong đàn bị nhiễm bệnh, đang được thú y điều trị.
Theo ông Nguyễn Hồng Hiên, cán bộ thú y xã Xuân Quang 1, đến nay, cả xã có 19 con bò bị bệnh LMLM tại 11 hộ nuôi thuộc thôn Suối Cối 1.
Sau khi được điều trị tích cực, hiện 16 con đã khỏi triệu chứng lâm sàng, đang tiếp tục chữa trị cho 3 con còn lại.
Nhiều biện pháp khống chế vùng dịch
Sau khi nhận được tin báo có bò bị bệnh LMLM, Trạm Thú y huyện Đồng Xuân đã nhanh chóng báo cáo, phối hợp cùng Phòng NN-PTNT huyện trực tiếp kiểm tra, phát hiện nhiều đàn bò của dân ở thôn Suối Cối 1 có các triệu chứng của bệnh LMLM.
Đơn vị này tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm và cho kết quả bò bị bệnh LMLM do chủng vi rút tuýp A gây ra.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng Quang, Trưởng trạm Thú y huyện Đồng Xuân, cho biết: Chúng tôi đã cắm 2 biển báo tại vùng có dịch LMLM ở xã Xuân Quang 1 để thông báo cho người dân biết và tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng dịch cho mọi người.
Trạm thú y cũng đã cấp 1.500 liều vắc xin LMLM đa tuýp và 36 lít thuốc sát trùng cho xã Xuân Quang 1 để tiêm phòng bao vây vùng dịch và phun tiêu độc môi trường.
Xuân Quang 1 là xã có đàn bò lên đến khoảng 2.000 con nên nguy cơ dịch LMLM lây lan là rất lớn.
Do vậy, xã Xuân Quang 1 tập trung công tác tiêm phòng được 1.350 liều vắc xin LMLM đa tuýp cho đàn bò chưa nhiễm bệnh LMLM của các hộ nuôi ở thôn Suối Cối 1, Suối Cối 2 và Kỳ Lộ; thành lập một tổ phun thuốc tiêu độc sát trùng, mỗi ngày phun một lần tại các ổ dịch và các khu vực chăn nuôi trên địa bàn.
Cũng theo ông Quang, để dịch LMLM được khống chế hiệu quả, cần thiết phải có thêm vắc xin LMLM đa tuýp để tiêm ngừa cho đàn gia súc của các xã lân cận thuộc vùng bị dịch uy hiếp bởi hiện nay, đàn gia súc của huyện Đồng Xuân chỉ mới được chủng ngừa vắc xin LMLM tuýp O, trong khi dịch LMLM đang xảy ra với vi rút tuýp A.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Ngành Thú y đã tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch LMLM tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân).
Hiện nay, chúng tôi tiếp tục theo dõi, bao vây vùng dịch, áp dụng nhiều biện pháp nhằm khống chế dịch nhanh chóng nhất.
Để công tác dập dịch đạt được hiệu quả cao, người chăn nuôi phải tuân thủ các quy định đối với vùng có dịch LMLM như không mua bán, giết mổ gia súc trong vùng dịch, không giấu dịch, thực hiện vệ sinh chăn nuôi…
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 xã Xuân Sơn Bắc và Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) có dịch LMLM gia súc; trong đó đàn gia súc của xã Xuân Sơn Bắc đã khỏi bệnh được 15 ngày và chưa phát hiện gia súc nhiễm mới.
Related news
Trong đó, có 152 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ, nhất là khu vực gần quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Nghề biển đã giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hơn 1.700 lao động vùng biển.
Đến nay có 6/14 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch ngưng xuất hàng do thua lỗ. Còn mặt hàng cao su giảm đến 78,53% về kim ngạch và giảm 40,22% về lượng, hiện đơn vị chủ lực của tỉnh đang tồn kho khoảng 3.000 tấn mủ. Riêng mặt hàng nhân hạt điều giảm 52,43% về kim ngạch và giảm 41,41% về lượng, nguyên nhân do thời gian qua giá cả biến động và thị trường bị thu hẹp.
Chưa có năm nào giá gừng cao như năm nay. Đầu vụ tháng 2/2014, bán tại vườn 40.000 đ/kg, sang trung tuần tháng 6 đã lên tới 80.000 đ/kg.
Theo KS Mai Tân Trào, giống bò Red Angus, con đực trưởng thành nặng đến 1 tấn và tỷ lệ thịt nạc chiếm 70% trọng lượng cơ thể.
Thị trường châu Phi là một trong những nơi để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu, nằm trong chiến lược đa dạng hóa thị trường nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc