Bao Giờ Rau, Quả, Trái Cây Được Như Gạo?
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) dự kiến, kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau năm 2014 sẽ đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Con số này sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta biết khai thác tốt nguồn lợi từ mặt hàng này.
Theo Vinafruit, quý I-2014, giá trị xuất khẩu mặt hàng trái cây và rau quả của Việt Nam đạt 215 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm xuất khẩu chính là thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, vú sữa, chôm chôm và bưởi với 5 thị trường nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan và Malaysia.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Ngoài ra, năm nay được coi là năm khởi sắc của mặt hàng trái cây Việt Nam.
Doanh thu xuất khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam đã tăng bình quân hơn 30% hằng năm trong vòng 4 năm qua; từ mức 460 triệu USD năm 2010, lên 1,04 tỷ USD năm 2013 và dự kiến năm 2014 là 1,2 tỷ USD.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Phạm Đồng Quảng cho biết, diện tích trồng trái cây trên cả nước khoảng 874.000ha, trải dọc khắp tất cả các tỉnh, thành phố và sản lượng trái cây hằng năm thu được khoảng hơn 9,5 triệu tấn. Hiện xuất khẩu trái cây Việt Nam mới chiếm 0,1% tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Dù tiềm năng lớn, song do sản xuất manh mún, thiếu tập trung, chưa có quy hoạch và tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, nên việc xuất khẩu mặt hàng này còn nhiều hạn chế.
Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam Nguyễn Văn Kỳ cho rằng, nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán đã làm tăng chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, nông dân vẫn sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp, chưa xác định rõ xu hướng xuất khẩu, sự đầu tư về giống, kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
Bộ NN&PTNT cần xây dựng chiến lược cho mặt hàng trái cây, quy hoạch vùng cụ thể. Bên cạnh đó, muốn nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm Việt Nam, các phương pháp sản xuất sạch như VietGAP và GlobalGAP cần được áp dụng nhất quán bởi các bên liên quan trong thị trường, cùng với việc phối hợp các hoạt động xuất khẩu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, sự tham gia của các doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng. Do khả năng bảo quản sau thu hoạch kém, dẫn tới tính cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường còn yếu. Nhiều đợt xuất khẩu trái cây phải chịu thua thiệt, do kiểm dịch phát hiện sâu bệnh, bị trả lại.
Chỉ một số ít sản phẩm Việt Nam đủ tiêu chuẩn thâm nhập phân khúc thị trường cao cấp, trong đó có thị trường khó tính Nhật Bản. Chính vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn vào kỹ thuật chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, trái cây là mặt hàng có tiềm năng rất lớn, nếu khai thác tốt, có định hướng rõ ràng, giá trị xuất khẩu mặt hàng này có thể tương đương với xuất khẩu gạo và thủy sản.
Related news
Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.
Ông Hồ Văn Đại mà mọi người ở ấp Mương Khai, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thường quen gọi ông với cái tên rất thân thiện là Tư Đại ba ba, ông là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, nhờ việc nuôi ba ba hiệu quả, đến nay ông đã có được một cơ ngơi đáng để nhiều người mơ ước.
Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của người dân Hoài Ân. Riêng ở xã Ân Hảo Đông (Bình Định), hiện có khoảng 90 ha dâu và gần 200 hộ nuôi tằm. Vài năm trở lại đây giá kén tằm ở mức cao, đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay kén tằm được mùa, được giá, nên người nuôi tằm rất phấn khởi.
Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định vừa tổ chức tổng kết dự án: “Xây dựng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với cây xoài Bình Định”.
Tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), ngày 18.7 Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (DHNTB-TN).