Ban Hành Một Số Chính Sách Hỗ Trợ Hộ Chăn Nuôi
Ngày 4/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg quy định một số chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi về phối giống nhân tạo gia súc, con giống vật nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 – 2020.
Theo đó, mức hỗ trợ cụ thể đối với hộ chăn nuôi được quy định như sau:
Về phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn, trâu, bò, hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh cho các hộ chăn nuôi để thực hiện phối giống cho lợn nái.
Mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 5 liều tinh cho một lợn nái/năm. Hỗ trợ 100% kinh phí vật tư phối giống nhân tạo (tinh đông lạnh và Nitơ lỏng, găng tay, dẫn tinh quản) cho các hộ chăn nuôi để phối giống cho trâu, bò cái sinh sản. Mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh/bò thịt/năm, 4 liều tinh/bò sữa hoặc trâu/năm.
Về mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị, hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống lợn, trâu, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ như sau: Mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/1 con đối với lợn đực giống từ 6 tháng tuổi trở lên; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 3 con lợn đực giống.
Mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/1 con đối với bò đực giống từ 12 tháng tuổi trở lên hoặc không quá 25 triệu đồng/1 con đối với trâu đực giống từ 24 tháng tuổi trở lên; mỗi hộ được hỗ trợ mua một con trâu hoặc một con bò đực giống.
Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50 ngàn đồng/1 con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị.
Về xử lý chất thải chăn nuôi, hỗ trợ một lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/1 công trình/1 hộ. Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/1 hộ.
Tại Quyết định, Thủ tướng cũng phê duyệt một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển phối giống nhân tạo gia súc. Theo đó, về đào tạo, tập huấn, hỗ trợ một lần đến 100% kinh phí đào tạo, tập huấn cho các cá nhân về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc; mức hỗ trợ không quá 6 triệu đồng/1 người.
Để được hỗ trợ, người đi đào tạo, tập huấn phải bảo đảm điều kiện: đã hoàn thành chương trình Trung học cơ sở đối với khu vực miền núi hoặc Trung học phổ thông đối với khu vực đồng bằng; dưới 40 tuổi; có nhu cầu, làm đơn và được UBND cấp xã xác nhận.
Về việc mua bình chứa Nitơ lỏng để vận chuyển, bảo quản tinh phối giống nhân tạo gia súc, hỗ trợ 1 lần đến 100% giá trị bình chứa Nitơ lỏng từ 1,0 đến 3,7 lít cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc; mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/1 bình/1 người.
Trong đó, người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc phải qua đào tạo, tập huấn có chứng chỉ; có nhu cầu, làm đơn đăng ký được UBND cấp xã chấp thuận; mua loại bình phù hợp quy định của địa phương và có cam kết bảo quản, sử dụng bình trong thời gian không ít hơn 5 năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2020.
Related news
Có 7 hộ gia đình tại các xã An Cư, An Nghiệp, An Xuân, An Ninh Tây và thị trấn Chí Thạnh tham gia dự án. Với tổng kinh phí hơn 575 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khoa học công nghệ của huyện hỗ trợ hơn 111 triệu đồng, dự án đã được đầu tư nguồn con giống ban đầu 40 con, gồm 33 heo cái và 7 heo đực.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh (Quảng Trị), tại Hợp tác xã Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh có 10ha nuôi cá nước ngọt, đang trong thời kỳ phát triển, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng cá chết rải rác (chủ yếu là trắm cỏ), với trọng lượng bình quân 1kg/con do bị bệnh viêm ruột và xuất huyết.
Hiện tượng rụng trái non trên cây có múi như cam, quýt, chanh và nhiều loại cây khác là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Ở một số loại cây như xoài, nhãn... tỉ lệ trái non bị rụng phổ biến tới trên 90%. Tuy vậy, nếu bị rụng quá nhiều sẽ làm giảm năng suất trồng trọt và cần có các biện pháp hạn chế hiện tượng này.
Ngày 28-4, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở huyện ven biển Lộc Hà đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm kiếm những nguồn lợi thủy sản mới như ốc mỡ, sứa biển góp phần bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn lợi thủy sản truyền thống, như mực, cá cơm, ruốc, cá trích…
Vừa duy trì tốt mô hình sản xuất truyền thống, vừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, những nông dân thứ thiệt đã trở thành triệu phú nhờ trồng rau.