Bài Học Từ Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Tại Cà Mau
Thực tiễn 2 năm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở Cà Mau cho thấy còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện...
Năm 2012, toàn tỉnh Cà Mau có 474 hộ nuôi tôm tham gia BHNN, với tổng diện tích là 197,209 ha. Tổng mức phí bảo hiểm thu được là trên 8 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ gần 5 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường gần 1,5 tỷ đồng (bằng 18,7% mức phí thu được) cho 28 vụ thiệt hại, chiếm 5,9% tổng số hợp đồng và 4,69% tổng diện tích tham gia bảo hiểm.
Năm 2013, có 1.392 hộ và 516,76 ha tham gia bảo hiểm với tổng mức phí 22,38 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Có 1.575 vụ tôm thiệt hại trên tổng số 1.392 hợp đồng với diện tích 496,409, chiếm 96,1% tổng diện tích tham gia bảo hiểm.
Số tiền mà Công ty Bảo Minh phải bồi thường cho dân là trên 83 tỷ đồng. Theo Báo cáo của Sở NNPTNT Cà Mau tại hội thảo “Đánh giá chương trình thí điểm BHNN của Chính phủ giai đoạn 2011-2013” tổ chức tháng 1/2014, tính đến ngày 31/12/2013 số hồ sơ phát sinh chưa bồi thường là 363 vụ, với số tiền phải bồi thường khoảng trên 28 tỷ đồng.
Qua 2 năm thí điểm bảo hiểm ở Cà Mau có thể thấy bước đầu người nuôi tôm đã nhận thức được tầm quan trọng của BHNN và mạnh dạn tham gia. Số người tham gia bảo hiểm năm 2013 đã tăng gấp gần 3 lần năm 2012, diện tích tham gia BH cũng tăng gấp 2,6 lần. Qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện tiêu cực và người dân trục lợi từ BHNN…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều điểm bất hợp lý cả về chính sách và thực hiện BHNN, nhất là còn nhiều quy định chưa thật bình đẳng giữa người bán BH và người mua BH.
Thứ nhất, quy định về phạm vi BH là những dịch bệnh được UBND tỉnh công bố hoặc UBND huyện xác nhận trên cơ sở kết quả kiểm tra, thẩm định của các cơ quan chuyên môn (Thông tư 43/2012/TT-BNNPTNT) chưa hợp lý ở chỗ UBND tỉnh chỉ công bố dịch bệnh khi dịch bệnh đã lan tràn trên diện rộng. Thậm chí, đôi khi vì những lý do nào đó, một số tỉnh giấu không công bố dịch bệnh, còn chờ được UBND huyện xác nhận thì sẽ rất chậm được giải quyết BH.
Thứ hai, điều chỉnh tăng mạnh tỷ lệ phí bảo hiểm và giảm mạnh tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm. Phí bảo hiểm bị tăng từ mức 7,42% (Quyết định số 3035/2011/QĐ-BTC ngày 16/12/2011) lên mức 9,72% (Quyết định số 1042/2013/QĐ-BTC ngày 8/5/2013) và lên mức 13,73% (Quyết định số 1725/2013/QĐ-BTC ngày 23/7/2013).
Trong khi đó, mức bồi thường thiệt hại lại được giảm xuống từ mức 64% xuống 15% đối với tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh từ 56-58 ngày tuổi và xuống 0% đối với tôm bị dịch bệnh từ 59 ngày tuổi trở lên so với mức bồi thường từ 16% đến 64% trước đó.
Thứ ba, quy định DN có quyền từ chối bồi thường hoặc từ chối một phần trong Quyết định 1042/QĐ-BTC so với Quyết định 3035/QĐ-BTC đã đưa ra thêm 2 điều kiện: Mật độ tôm thực tế thấp hơn 80% so với mật độ trong giấy chứng nhận bảo hiểm. Tôm chết không đồng nhất về kích cỡ được xác định nhiều loại độ tuổi cùng nuôi trong một cơ sở nuôi trồng.
Thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi chẳng ai có thể đảm bảo chắc chắn rằng 100% số tôm thả nuôi đều sống sót, cũng không thể đảm bảo kích cỡ toàn bộ tôm trong ao nuôi đều như nhau. Với 2 điều kiện khắc nghiệt này, cộng thêm một số quy định nương nhẹ trách nhiệm pháp lý của DN và thiếu sự hướng dẫn cụ thể, dễ tạo kẽ hở cho phép DN bảo hiểm từ chối hoặc giảm mức bồi thường, thậm chí chủ động đơn phương hủy hợp đồng với nông dân khi tính toán lợi ích, gây khó hoặc thiệt thòi cho người mua BH, trong khi đây là một trong những điều kiện bắt buộc để được vay vốn ngân hàng.
Trên thực tế, trong khi chờ Bộ Tài chính sửa đổi Quyết định 3035, nhiều hộ phải chấp nhận giảm số tiền được bồi thường khi bị DN bán bảo hiểm đơn phương tính lại số tiền bồi thường và tiến hành thương lượng với dân, chủ động giảm 20% giá trị tổn thất.
Những hộ nào không đồng ý thương lượng thì treo hồ sơ lại không giải quyết; đơn phương huỷ hợp đồng đã ký với người dân đã gây bức xúc cho người mua BH, dẫn đến nhiều đơn khiếu kiện và nhiều người kéo đến các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, việc áp dụng các tỷ lệ thiệt hại được BH khác nhau đối với nguyên nhân tôm chết do dịch bệnh và thiên tai và việc không bồi thường thiệt hại khi tôm từ 59 ngày tuổi trở lên bị dịch bệnh đã đặt người nuôi tôm vào tình huống buộc phải bán tôm bị bệnh để thu hồi vốn, thay vì phải tiêu hủy.
Ngoài ra, tình trạng sản phẩm bảo hiểm đơn điệu, cào bằng làm giảm cơ hội lựa chọn và tham gia, phát triển thị trường BH; Đồng thời, việc chưa có quy trình xét nghiệm, chẩn đoán bệnh hoại tử gan tụy cấp là một trong bốn bệnh được bảo hiểm trên tôm nuôi, mà chỉ xác định bằng phương pháp kiểm tra lâm sàng, cũng gây khó khăn cho cơ quan Thú y của tỉnh trong công tác xác định dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công tác chi bồi thường BHNN cho người dân còn chậm, thậm chí có trường hợp kéo dài tới 6 tháng thay vì chỉ 1 tháng theo hợp đồng, làm thiệt thòi quyền lợi và khiến nhiều người dân không có tiền đầu tư cho vụ sau.
Thực tế thí điểm BNNN ở Cà Mau cho thấy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và công tác chỉ đạo, cũng như thực hiện BHNN để tạo lập và củng cố niềm tin của nông dân, phát triển thị trường BH trong tương lai. Tham gia BHNN là để chia sẻ rủi ro, chứ không phải để nhận thêm rủi ro.
Đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ BH và cân bằng lợi ích của cả DN bán BH và người mua BH là nguyên tắc mà chính sách cần hướng đến. Khoảng cách và sự thiếu nhất quán giữa việc chỉ đạo và ban hành, thực hiện chính sách sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ tiêu cực cho lợi ích, sức khoẻ người dân, cũng như sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững...
Related news
Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập vừa mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đưa đến không ít thách thức đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, ngành nông nghiệp đang ra sức tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị, huyện Cẩm Khê đã đưa mô hình nuôi lươn không bùn vào nuôi ở 2 xã Sai Nga và Đồng Cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình của ông Nguyễn Quốc Khải ở khu Đồng Kệ xã Đồng Cam và chị Nguyễn Thị Thủy ở khu 5 xã Sai Nga, nuôi lươn trên bể xi măng lót bạt không bùn để cung ứng cho thị trường sản phẩm lươn sạch.
J02 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản do Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, đã được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh khoảng 5- 6 năm nay.
Người dân ở miền núi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ đã bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao. Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án nâng mức chi trả DVMTR cho những khu vực có mức giá thấp.
Dù ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại thủy hải sản phong phú, đa dạng, nhưng từ đầu tháng 2 cho đến cuối tháng 6 (âm lịch), ngư dân thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) lại chọn đánh bắt tôm hùm, mực nang... Chính hai loại đặc sản này đã mang lại thu nhập cao cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi...