Anh Trần Đức Trung Mạnh Dạn Ứng Dụng Công Nghệ Trong Bảo Quản Giống, Sản Phẩm Cây Trồng

Anh Trần Đức Trung ở tổ dân phố 5, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) vừa mới đầu tư, đưa vào sử dụng kho bảo quản các giống hoa, rau, củ quả cho gia đình.
Công nghệ mới này đã không chỉ tạo điều kiện cho gia đình bảo quản được số lượng lớn rau, củ quả sau thu hoạch, mà còn bước đầu giúp anh chủ động được nguồn giống các loài hoa để gieo trồng trong vụ mới.
Được biết, gia đình anh Trung bắt đầu trồng hoa từ năm 2011. Với khu vườn thuê có diện tích gần 2 ha, anh đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi để đầu tư trồng các giống hoa như lay ơn, cúc, loa kèn, hoa ly và các loại rau, củ quả…
Theo anh Trung thì trước đây, do diện tích lớn nên nhu cầu giống hoa cho mỗi vụ trồng rất nhiều, cứ mỗi lần vào vụ lại xuất hiện tình trạng khan hiếm giống. Gia đình phải tất bật liên hệ, tìm kiếm nguồn cung khắp nơi và mua giống với giá cao. Cũng vì thế nên giống hoa nhiều lúc không đảm bảo chất lượng, cây trồng kém phát triển, củ không nảy mầm tốt. Gia đình luôn rơi vào tình thế bị động trong việc tìm nguồn giống…
Nhận thức được rõ lợi ích cũng như hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo quản các giống hoa, củ quả nên anh đã quyết định đầu tư kho đông lạnh, với chi phí gần 100 triệu đồng.
Cũng theo anh Trung thì nhờ điều kiện nhiệt độ trong kho lạnh thấp nên việc bảo quản giống hoa cũng như rau, củ, quả luôn được đảm bảo, không còn tình trạng hư hỏng, héo úa như trước nữa. Khi đưa vào kho lạnh, không chỉ giống và các nông sản được duy trì “tuổi thọ”, mà các mầm bệnh bên ngoài xâm nhập trong quá trình bảo quản đã được hạn chế. Nó cũng giúp cho quá trình mọc mầm của các giống cây được kìm hãm lại…
Nhờ có được kinh nghiệm từ thực tế, năm nay, gia đình anh quyết định đầu tư trồng giống hoa lay ơn với số lượng lớn. Cách đây ít tháng, nhờ có kho lạnh nên anh đã tập kết củ giống về sớm, để chuẩn bị trước cho vụ hoa mới, với số lượng gần 3 tấn củ lay ơn giống. Phần lớn những củ giống này được mua về từ tỉnh Lâm Đồng.
Cũng nhờ đó mà hiện tại, gia đình anh đã chủ động được nguồn giống với giá thành ổn định. Chất lượng giống cũng được anh quản lý chặt chẽ hơn. Hiện tại, những giống hoa này đang được anh đưa ra bên ngoài kho lạnh, nhằm đảm bảo thời gian từ 15-20 ngày cho cây giống thích nghi với môi trường tự nhiên, sau đó mới bắt đầu trồng.
Cũng theo anh Trung thì hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của hoa, rau, củ, quả của gia đình vẫn là người dân trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, với việc chủ động được các yếu tố về diện tích đất, cây giống cũng như sản phẩm sau thu hoạch, anh sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa của gia đình ra các tỉnh phía Bắc.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/chuyen-lam-an/anh-tran-duc-trung-manh-dan-ung-dung-cong-nghe-trong-bao-quan-giong-san-pham-cay-trong-36045.html
Related news

Một vài con sông ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) mấy hôm nay xuất hiện nhiều bắp cải trôi lềnh phềnh. Nông dân xã Tân Bình giải thích, do giá quá rẻ, thu hoạch xong không có người mua nên bà con đổ xuống sông.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân vùng cù lao huyện Phú Tân đang tiếp tục đẩy mạnh nghề nuôi cá tra ao, hầm. Hai xã Hòa Lạc và Phú Bình có hơn 150 hộ, với gần 200 ha đất mặt nước nuôi cá ao, hầm. Hàng ngày các hộ nuôi cứ mặc tình thải lượng nước khổng lồ ra sông một cách vô tội vạ…

Sau cơn bão số 10, ngân sách tỉnh đã cấp ban đầu cho TX. Hoàng Mai gần 13,7 tỷ đồng. Đến nay, thị xã đã phân bổ về các phường, xã để kịp thời hỗ trợ người dân. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy, hải sản đối với vùng gặp thiên tai, dịch bệnh đã phần nào giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn.

Đối với bà con nông dân, ngô vụ đông góp phần làm dồi dào thêm nguồn nông sản để phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, ngô vụ đông chín muộn, năng suất, sản lượng thấp đang khiến người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn...

Bệnh loét phá hại cây ăn quả thường làm rụng quả và lá, cây cằn cỗi chóng tàn. Ở vườn ươm, khi bị bệnh nặng cây con dễ chết, quả bị bệnh phẩm chất kém không thể xuất khẩu và cất trữ được. Ở nước ta, bệnh phá hại phổ biến tại tất cả các vùng trồng cây ăn quả có múi gây thiệt hại đáng kể cho người trồng, làm ảnh hưởng lớn tới nguồn hàng xuất khẩu.