Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng sầu riêng hữu cơ, thu tiền tỷ giữa đại dịch Covid-19

Trồng sầu riêng hữu cơ, thu tiền tỷ giữa đại dịch Covid-19
Author: Trần Trung
Publish date: Saturday. July 31st, 2021

9 năm qua, nông dân Nguyễn Duy Hoàn phủ xanh 5 ha sầu riêng hữu cơ vườn nhà, đồng thời liên kết thành lập HTX ‘bắt tay’ sản xuất nông sản hữu cơ làm giàu...

Anh Hoàn phấn khởi bên vườn sầu riêng hữu cơ của gia đình vào mùa thu hoạch. Ảnh: CTV.

Nhắc đến sầu riêng có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đó là sản vật của vùng miền Tây sông nước. Thế nhưng, hiện nay sầu riêng đã rất bén duyên với miền Đông đất đỏ. Hòa giữa màu xanh của những rừng cao su, điều, tiêu bạt ngàn là những miệt vườn sầu riêng xanh ngát đang đem lại thu nhập tiền tỷ cho nhiều nông dân nơi đây, bất chấp đại dịch Covid-19 đang làm nhà nông điêu đứng.

Mở hướng đi mới

Cũng giống như phần đông nông dân ở Bình Phước, trước đây gia đình anh Nguyễn Duy Hoàn ở xã Phước Tân, huyện Phú Riềng cũng trồng điều sau đó là hồ tiêu, cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng nhiều khi, giá cả của các loại cây này thiếu ổn định, anh bèn nghĩ cách trồng xen sầu riêng với mục đích vừa tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích, đồng thời để khảo nghiệm, tìm hướng làm ăn mới.

Anh Hoàn cho biết, năm 2012, anh bắt đầu trồng sầu riêng khảo nghiệm trên đất cà phê. Trải qua quá trình theo dõi, nhận thấy việc trồng sầu riêng không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà công chăm sóc cũng khá nhàn hạ, anh quyết định đốn bỏ 2 ha cà phê để trồng chuyên canh giống sầu riêng Monthong.

Theo anh Hoàn, nhờ “mát tay” cộng với thổ nhưỡng và khí hậu ở Bình Phước rất phù hợp với sầu riêng, sau 5 năm cây đã cho trái. Những năm tiếp theo, cây càng to, tán càng rộng, năng suất sầu riêng càng tăng. Niên vụ 2019, sầu riêng của gia đình anh thu hoạch được 25 tấn/ha,  niên vụ 2020 đến nay, sản lượng duy trì trên 30 tấn/ha với giá bán dao động từ 50.000 đến 65.000/kg, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 2 tỷ đồng.

“Cây sầu riêng đã mở ra hướng đi mới, phá vỡ thế độc canh của cây cà phê tại địa phương. Từ 2 ha ban đầu, đến nay toàn bộ 5 ha đất của gia đình tôi đều được phủ xanh một màu sầu riêng”, anh Hoàn phấn khởi nói.

Chinh phục cây khó tính

Nói về kinh nghiệm sản xuất, anh Hoàn cho hay, như người con gái đẹp, thứ nhất là dáng, thứ nhì là da, quả sầu riêng cũng vậy, vóc dáng  phải đẹp, vỏ màu xanh sáng. Ngoài ra, muốn bán được giá cao, sầu riêng cũng cần phải đảm bảo các yếu tố sạch, an toàn. Theo đó, ngay từ khi bắt tay vào trồng sầu riêng anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập các mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ về áp dụng, qua đó, sản phẩm làm ra hội tụ được cả 3 tiêu chí ngon, đẹp, an toàn.

Anh Hoàn chia sẻ, trồng sầu riêng ai cũng làm được nhưng để cây sầu riêng phát triển theo mong muốn là cả một quá trình. Theo đó, người trồng phải áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học, từ khâu chọn giống, xử lý đất, xử lý các loại nấm bệnh và sâu bệnh, mật độ trồng cho đến các kỹ thuật canh tác như tỉa cành, tạo tán, tỉa thưa trái,… Ngoài ra, kinh nghiệm của bản thân trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất cũng rất quan trọng.

“Phải hiểu rõ đặc tính sinh lý, cùng sự phát triển của cây, người trồng sầu riêng mới có quy trình chăm sóc phù hợp: Bao lâu cây cần bón phân, khi nào cây cần tưới nước và xiết nước; lúc cây đâm chồi bón loại phân gì; lúc cây ra hoa kết trái cung cấp loại dinh dưỡng gì, cũng như liều lượng dinh dưỡng bao nhiêu, lượng nước tưới như thế nào. Bởi từng thời điểm phát triển, cây có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, cách chăm sóc cũng khác. Trong mỗi khâu công việc, lại đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm thực tiễn của người trồng”, anh Hoàn tiết lộ.

Anh Hoàn lưu ý rằng, trong chăm sóc nên sử dụng kết hợp hai loại phân hữu cơ và phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Đặc biệt, đừng quá vì lợi nhuận mà “ép” cho cây ra trái quá sức. “Hiện nay, nhiều nông dân thấy sầu riêng được giá nên kích thích cho cây ra nhiều trái. Như vậy, cây sầu riêng sẽ nhanh xuống sức và chết”, anh Hoàn phân tích.

Đó là kinh nghiệm đã giúp anh Hoàn trong những năm qua luôn duy trì vườn sầu riêng sung mãn, năng suất trái ổn định, chất lượng trái đồng đều, mẫu mã trái bắt mắt. Ngay cả lúc cây đang dồn sức nuôi trái, vườn sầu riêng của anh Hoàn lá vẫn xanh mượt và dày, dấu hiệu cho thấy cây cực khỏe.

Liên kết sản xuất, cùng nhau làm giàu

Theo anh Hoàn, thời gian gần đây, giá sầu riêng luôn duy trì ở mức cao, nhiều bà con tại địa phương cũng mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng già cỗi, kém hiệu quả sang trồng loại cây này. Tuy nhiên, do tự phát nên diện tích còn manh mún, sản phẩm thường xuyên bị ép giá. Mặt khác, do thiếu kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019 anh quyết định thành lập HTX cây ăn quả Tiến Thịnh nhằm liên kết sản xuất, cùng nhau làm giàu, từ 10 thành viên ban đầu với diện tích canh tác 30 ha, đến nay HTX có 13 thành viên với tổng diện tích canh tác 60 ha, mỗi năm cung ứng thị trường hàng trăm tấn sản phẩm sạch.

Anh Hoàn chia sẻ thêm, với phương pháp trồng cây ăn trái hữu cơ, HTX đã ký kết được hợp đồng với doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, giá thu mua luôn cao hơn thị trường trên 10%. Trong niên vụ 2021 này, bình quân 1 ha sầu riêng của HTX cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng, nếu so sánh với giá trị kinh tế các cây trồng khác tại địa phương như điều, tiêu, cao su thì cây sầu riêng đang đem lại hiệu quả cao hơn nhiều lần trên cùng một diện tích.

“HTX đang tiếp tục hướng đến xây dựng chuẩn GlobalGAP, đồng thời mở rộng thêm đối tác liên kết để tiếp cận đa dạng thị trường, kết nối với các công ty để xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm như châu Âu, Mỹ...” anh Hoàn bật mí.

Ông Thái Văn Hóa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Riềng nhận định: "Mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ của anh Nguyễn Duy Hoàn nói riêng, HTX Tiến Thịnh nói chung bước đầu cho thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi các loại cây trồng già cỗi, kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, cây phát triển tốt, năng suất khá, đặc biệt tuân thủ theo các tiêu chuẩn hữu cơ giúp đầu ra ổn định, thị trường dễ tiêu thụ, bên cạnh đó bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Mô hình này đang được địa phương nhân rộng để giúp nông dân tiếp cận và thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao giá trị trái sầu riêng Phú Riềng nói riêng và Bình Phước nói chung.

“Huyện Phú Riềng có 15 HTX nông nghiệp, trong đó 4 HTX đang ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ theo hướng hữu cơ sinh học trong sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX Phước Thịnh là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này. Ngoài ra, còn rất nhiều tổ hợp tác, hộ dân đang ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ sạch”, ông Thái Văn Hóa cho biết thêm .


Related news

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá cảnh Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá cảnh

Một công việc ổn định để lập nghiệp - anh Nguyễn Ngọc Thạch (SN 1996, ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang khá thành công với việc kinh doanh cá cảnh.

Saturday. July 10th, 2021
Nuôi ốc bươu đen lấy trứng Nuôi ốc bươu đen lấy trứng

Kỹ thuật nuôi ốc bươu đen lấy trứng không quá khó. Với đặc điểm của ốc bươu đen là "ở sạch”, do đó người nuôi cần chú ý đến nguồn nước và cách thức cho ăn

Wednesday. July 14th, 2021
Nuôi ốc nhồi kết hợp ếch thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm Nuôi ốc nhồi kết hợp ếch thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm

Mỗi năm, thu nhập từ mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp nuôi ếch của anh Nguyễn Văn Sáu đạt trên 100 triệu đồng.

Saturday. July 17th, 2021