Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ẩn Số Thanh Long Ruột Đỏ?

Ẩn Số Thanh Long Ruột Đỏ?
Publish date: Wednesday. April 2nd, 2014

Diện tích cây thanh long trên địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) hiện nay trên 180 hécta, trong đó thanh long ruột đỏ chiếm 142 hécta. Theo kế hoạch của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, đến năm 2020 diện tích thanh long ruột đỏ trên toàn huyện sẽ đạt mức 1.500 hécta, rải đều trên 13 xã và thị trấn.

Thanh long ruột đỏ được đánh giá là loại nông sản cho hiệu quả kinh tế cao nên nông dân tại nhiều xã ở huyện Xuân Lộc liên tục mở rộng diện tích. Tuy vậy, đầu ra ổn định cho quả thanh long lại đang là bài toán chưa có lời giải đáp. Mỗi vụ, sản phẩm làm ra lên đến hàng trăm tấn nhưng nông dân chỉ biết trông chờ vào sức mua của thương lái.

* Bỏ điều trồng thanh long

Một trong những xã có diện tích thanh long nhiều nhất huyện Xuân Lộc là Xuân Hưng với trên 114 hécta. Tại đây, người dân đang ồ ạt chuyển đổi diện tích điều, xoài sang trồng thanh long.

Bà Lê Hoài Dương (54 tuổi, ngụ ấp 3, xã Xuân Hưng), cho biết: “Trước đây, tôi trồng 1 hécta điều nhưng do không hiệu quả nên đầu năm 2013, tôi quyết định chặt bỏ để trồng thanh long. Cây thanh long dễ trồng lại cho thu nhập cao nên không riêng gì tôi mà nhiều hộ dân trong xã cũng thi nhau chặt bỏ điều, bỏ xoài để trồng loại cây này”.

Cũng như bà Dương, ông Trần Thanh Quyền ngụ xã Xuân Hưng đã “đốn hạ” gần 1 hécta điều để thâm canh thanh long. Ông Quyền giải thích, giá điều khô chỉ khoảng từ 25-30 ngàn đồng/kg và thường xuyên mất giá nên lãi không đáng kể. Trong khi đó, giá thanh long ruột đỏ từ 50-70 ngàn đồng/kg, mỗi năm có thể thu hoạch 5-6 vụ quả nên dễ đạt thu nhập cao. Trồng thanh long có cơ hội làm giàu hơn so với trồng điều.

Mục tiêu của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc là nhân rộng diện tích thanh long ruột đỏ tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Kế hoạch trong năm 2014, diện tích cây này đạt khoảng 385 hécta, đến năm 2015 đạt 1.000 hécta và năm 2020 toàn huyện sẽ có 1.500 hécta.

* Đầu ra chưa rõ ràng

Diện tích thanh long tại huyện Xuân Lộc tăng liên tục và nhiều vùng bước vào thu hoạch năm thứ 2. Năng suất quả mỗi vụ đạt bình quân từ 30-40 tấn/hécta, thậm chí có vùng đạt 50 tấn/hécta nên số lượng sản phẩm có thể lên đến hàng trăm tấn. Mặc dù vậy, đầu ra cho thanh long ruột đỏ chỉ phụ thuộc vào sức mua từ các thương lái.

Ông Nguyễn Đức Tiến, ngụ xã Xuân Hưng, cho biết: “Vườn tôi có trên 1 ngàn trụ thanh long cho quả và mỗi vụ thu hoạch gần 30 tấn. Tuy vậy, bán được hay không là nhờ thương lái thu mua. Vào mùa mưa, thanh long thường xuống giá nên có thời điểm chỉ 12 - 25 ngàn đồng/kg. Nếu xảy ra tình trạng mất giá liên tục, ứ đọng thì đành chấp nhận thua lỗ”.

Không chỉ ông Tiến mà đa số hộ dân trồng thanh long tại Xuân Lộc đều chưa có định hướng đầu ra. Bà Lê Hoài Dương cho hay, thấy các hộ dân trong vùng ăn nên làm ra nhờ thanh long nên bà cũng mạnh dạn đầu tư. Việc bán cho ai, bán đi đâu thì bà cũng chưa biết.

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn Xuân Lộc, cho biết: “Cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao nên chúng tôi khuyến khích người dân trồng, đặc biệt là với những vùng đất mà cây trồng khác không hiệu quả.

Đó cũng là mục tiêu nâng cao đời sống người dân để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Còn vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sức tiêu thụ những năm tới có thay đổi hay không, chúng tôi cũng không dám chắc”.

Không chỉ Xuân Lộc “tham vọng” với cây thanh long ruột đỏ, ở một số huyện khác trong tỉnh, nhiều nông dân cũng đang nhân rộng nhanh chóng diện tích trồng loại cây này. Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thanh long tại tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là loại trái cây đòi hỏi đầu tư rất cao, đầu ra chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khá bấp bênh.

Theo nhiều ý kiến, cần có điều tra tổng thể chính xác diện tích, sản lượng của các tỉnh, kế đến là thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, từ đó khuyến cáo loại cây trồng nào nên phát triển và loại cây nào không nên phát triển, trước khi lên kế hoạch nhân rộng cả ngàn hécta.


Related news

Nuôi chồn hương - một vốn hơn bốn lời Nuôi chồn hương - một vốn hơn bốn lời

Mô hình nuôi chồn vòi hương (còn gọi chồn hương, chồn mướp) của ông Trương Minh Thuấn là một điển hình. Mỗi năm, ông Thuấn thu lãi hàng trăm triệu đồng

Monday. April 10th, 2017
Thu nhập cao từ nuôi gà xương đen Thu nhập cao từ nuôi gà xương đen

Đó là mô hình chăn nuôi gà xương đen của gia đình chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông (Hà Giang), mỗi năm cho thu lãi trên 60 triệu đồng.

Wednesday. April 12th, 2017
Bí quyết làm giàu: Trồng sơ ri trên đất phèn Bí quyết làm giàu: Trồng sơ ri trên đất phèn

Từ khi chuyển qua trồng sơ ri trên đất phèn, hơn 100 hộ dân ở xã Mỹ Thuận (H.Bình Tân, Vĩnh Long) đã từng bước ổn định kinh tế, vươn lên khá giả.

Friday. April 14th, 2017
Nuôi dê nhốt chuồng thu nhập ổn định Nuôi dê nhốt chuồng thu nhập ổn định

Nhờ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng, gia đình anh Phan Trí Khái, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) có nguồn thu nhập ổn định hàng n

Friday. April 14th, 2017
Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá đĩa Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá đĩa

Đã có thú vui nuôi cá đĩa từ năm 1996 nhưng mãi năm 2006, anh Thái Văn Hiếu mới chính thức đầu tư nuôi loại cá này để kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Monday. April 17th, 2017