Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

An Giang tạm dừng xây nhà nuôi yến trong nội thành, nội thị

An Giang tạm dừng xây nhà nuôi yến trong nội thành, nội thị
Publish date: Monday. April 20th, 2015

Từ hộ nuôi đầu tiên vào năm 2008, sau đó phát triển mạnh ở huyện Thoại Sơn, nhất là thị trấn Óc Eo, đến nay số hộ nuôi chim yến đã lan rộng khắp nơi. Theo thống kê, toàn tỉnh có 49 hộ nuôi với 54 nhà nuôi, trong đó 30 nhà xây riêng biệt và 24 nhà cho chim trú ngụ trên sân thượng, nhiều nhất là ở Thoại Sơn (17 nhà), Long Xuyên (9 nhà), Châu Phú (7 nhà)… Đến nay, nhiều hộ đã thu hoạch tổ yến, có nơi hiệu quả, nơi thì ít, thậm chí không hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn lập kế hoạch nuôi chim yến để làm giàu.

Giá xây nhà cho chim yến không thua nhà ở, đó là chưa nói để dẫn dụ “quý nhân” vào xây tổ phải tốn một khoản tiền không nhỏ. Anh Lê Tấn Hoàng (ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) - người đang thu hoạch tổ chim yến, thông tin: “Tôi nuôi chim yến từ tháng 9-2013. Căn nhà 190m2 của tôi tốn trên 100 triệu đồng tiền thuê kỹ sư chuyên môn từ TP. Hồ Chí Minh xuống thiết kế nơi ở cùng các thao tác kỹ thuật như âm thanh dẫn dụ, phun sương giữ ẩm…

Đến nay, tôi thu được 4kg tổ yến, hiện còn trên 250 tổ chờ ngày thu hoạch. Nghề này thấy dễ ăn, nhưng không hề đơn giản. Có hộ đã bỏ ra tiền tỷ đầu tư mà chim ít đến, không thu hoạch được”.

Hỏi anh Lê Văn Cường (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) người “mát tay” trong lĩnh vực thủy sản và đang “mê” loài chim giúp nhiều người làm giàu và chuẩn bị nuôi, anh chia sẻ: “Nghề nuôi chim yến lấy tổ phát triển từ lâu ở các tỉnh ven biển, vốn điều kiện không thuận lợi hơn miền ruộng lúa phì nhiêu như An Giang. Nuôi chim yến chỉ tốn đất xây nhà, những khoản khác không đáng kể. Thấy người ta nuôi làm giàu được, sao mình không thử làm, nếu có thất bại thì sẽ là bài học cho thành công sau đó”.

Kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT vừa qua cho thấy, số lượng chim yến trú ngụ trong các nhà nuôi chênh lệch khá xa, nơi hơn 2.000 con/nhà, nhưng có nhà chỉ chừng 50 - 60 con. Khi hỏi người nuôi, đa số không hề biết về công suất của âm thanh đang “hát ru” chim, trang phục bảo hộ lao động, xử lý chất thải và họ tự nuôi, tự quản lý, theo dõi dịch bệnh bằng mắt thường. Phần đông không đăng ký kinh doanh, nhiều hộ có thông báo với địa phương việc nuôi, có người thì thực hiện lấy lệ…

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn Phan Thanh Tùng thông tin: “Nuôi chim yến lấy tổ là nghề đang phát triển trên địa bàn huyện. Về mặt khoa học, loại động vật hoang dã này là bộ phận quan trọng tạo cân bằng sinh thái. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, có giá trị kinh tế rất cao, song, nếu không quy hoạch vùng nuôi, có biện pháp xử lý dịch bệnh, đến khi bùng phát sẽ khó lường.

Dù đang chờ quy định, hướng dẫn mới về quản lý, nuôi chim yến nhưng để phòng trừ dịch bệnh, chúng tôi đã cử cán bộ thú y vận động các hộ nuôi sử dụng thuốc để vệ sinh nơi chim yến ở, nhưng họ ngần ngại không dám làm vì sợ chim bỏ đi. Chúng tôi đề nghị hộ nuôi vệ sinh môi trường xung quanh, không để tiếng ồn của máy và vấn đề liên quan ảnh hưởng đến hộ xung quanh.”

Theo Sở NN-PTNT An Giang, về nuôi chim yến chỉ có Thông tư số 35/2013 của Bộ NN-PTNT nên khó trong việc triển khai thực hiện, trong khi nghề này đang phát triển. Hiện nay, chưa có biểu mẫu đánh giá và hướng dẫn về chế tài xử lý, trong khi nhiều hộ nuôi đang tự phát, nên việc tạm dừng xây nhà nuôi chim yến trong nội thành, nội thị là cần thiết. Khi có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn về quy hoạch, quản lý nuôi chim yến thì với giá từ 20 - 30 triệu đồng/kg tổ yến, nghề này sẽ có điều kiện phát triển hơn.


Related news

Tái cơ cấu chăn nuôi miền núi phía Bắc lợi thế & thách thức Tái cơ cấu chăn nuôi miền núi phía Bắc lợi thế & thách thức

Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định 984/QĐ-BNN-CN ngày 9/5/2014.

Saturday. May 2nd, 2015
Thừa Thiên Huế xử phạt thương lái bán giống gà Đông Tảo giả Thừa Thiên Huế xử phạt thương lái bán giống gà Đông Tảo giả

Chiều ngày 27/4, Chi cục Thú Y tỉnh đã lập biên bản xử phạt Lê Kim Quang (trú tại Tân Ninh, Tân Thạnh, Long An) khi ông này đang bán giống gà Đông Tảo giả tại địa bàn xã Phú Thượng (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Saturday. May 2nd, 2015
Nuôi vịt biển Nuôi vịt biển

Vài năm lại đây, nghề nuôi vịt biển phát triển, đem lại nguồn thu lớn cho người chăn nuôi ở một số địa phương ven biển. Vịt biển là loại thủy cầm có giá trị kinh tế cao, chịu dịch bệnh tốt, thích nghi môi trường nước ngọt, mặn và lợ. Loài này không cần đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, tỷ lệ đẻ trứng cao.

Saturday. May 2nd, 2015
Mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt trị giá 4 tỷ đồng Mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt trị giá 4 tỷ đồng

Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về xã Phương Viên - một xã còn gặp nhiều khó khăn của huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ) để tìm hiểu về trang trại chăn nuôi lợn thịt lớn nhất nơi đây. Đó là mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn thịt trị giá hơn 4 tỷ đồng mỗi năm của gia đình anh Nguyễn Đình Vân ở khu 9.

Saturday. May 2nd, 2015
Một số lưu ý trong chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học Một số lưu ý trong chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học

Để hạn chế dịch bệnh phát sinh thì chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học là phương pháp hiệu quả và an toàn hơn hết. Sau đây là một số lưu ý trong chăn nuôi gia cầm.

Saturday. May 2nd, 2015