Ảm đạm thị trường cá tra giống

Huyện Hồng Ngự có vùng ương nuôi cá tra giống lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Phú Thuận B, với 50 cơ sở sản xuất cá tra giống nhân tạo, cung ứng ra thị trường khoảng 50 tỷ cá tra bột và gần 150 triệu cá giống các loại mỗi năm.
Ương nuôi cá tra giống là một trong những thế mạnh của xã Phú Thuận B. Gần đây, người nuôi cá tích cực tiếp cận khoa học công nghệ mới nên trình độ sản xuất giống đã nâng lên, luôn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ khó khăn và giá cá tra giống thấp như hiện nay nên nhiều cơ sở sản xuất cầm chừng.
Ông Nguyễn Văn Lo, ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B đã có hơn 7 năm kinh nghiệm sản xuất cá giống cho biết: “Khoảng 5 năm trước giá cá tra giống tăng mạnh và ở mức cao nên nhiều cơ sở trên địa bàn ăn nên làm ra. 2 năm trở lại đây chỉ sản xuất để có tiền mua thức ăn cho đàn cá giống mới, nhiều lúc giá cá giảm gây thua lỗ”.
Toàn xã Phú Thuận B có hơn 1.450 ao nuôi thủy sản, với tổng diện tích hơn 220 ha. Song hiện nay hoạt động sản xuất cá tra giống rất ảm đạm.
Ông Phạm Văn Đủ, ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, chia sẻ: "Cơ sở của tôi có hơn 500 con cá giống bố mẹ, 30 - 45 ngày mới xuất được một mẻ cá bột. Hiện nhiều lúc không xuất được do người dân không nuôi nữa hoặc chuyển sang nuôi loài cá khác.
Giá cá giống 2 năm nay luôn ở mức thấp nên tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Để tồn tại tôi phải nuôi thêm cá hương (loại cá giống từ 1 đến 3 tháng tuổi), song thu nhập cũng không khả quan lắm".
Theo các cơ sở nuôi cá giống, hiện giá cá hương loại 2.000 con/kg giá 40 - 45đ/con; cá loại 1.000 con/kg giá 70 - 80đ/con. Với giá này người nuôi không có lợi nhuận hoặc có thể lỗ do cá bố mẹ, thức ăn, thuốc thú y tăng cao.
Ông Trương Văn Điền, GĐ HTX Thủy sản xã Phú Thuận B cho biết: “Thị trường cá tra giống chưa khởi sắc do giá cá tra thương phẩm giảm, người nuôi thua lỗ nặng nên số lượng treo ao ngày càng nhiều.
Hiện HTX chủ yếu cung ứng bao bì sản phẩm, thuốc thủy sản HCG (kích dục tố)... còn lĩnh vực SX cá tra giống chưa mở rộng nhiều. Hướng tới HTX sẽ liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ cá tra giống”.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết: Khoảng 2 năm gần đây số hộ hạn chế diện tích hoặc bỏ nghề SX cá tra giống chiếm gần một nửa. Nguyên nhân do tỷ lệ hao hụt quá nhiều, chiếm đến 40 - 50%, giá bán ra cũng giảm mạnh.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết: Nguyên nhân khiến cá tra giống giảm mạnh trong thời gian qua là do thị trường XK cá tra những tháng đầu năm gặp khó khăn (giá cá nguyên liệu giảm xuống 21.500 – 22.000đ/kg), từ đó người nuôi không dám mạo hiểm thả giống tiếp, kéo theo giá cá tra giống giảm mạnh.
Hiện toàn tỉnh có 88 cơ sở sản xuất cá tra bột và nhân giống cá tra, nhiều nhất là các huyện Hồng Ngự, Châu Thành và Cao Lãnh, cung cấp hơn 8 tỷ con/năm.
Tại An Giang tình hình cũng không sáng sủa hơn. Toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở sản xuất cá tra bột với tổng đàn cá tra bố mẹ khoảng 57.000 con, đủ cung cấp cho nhu cầu ương nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Thời điểm đầu năm 2012, giá cá tra giống (loại 35 - 40 con/kg), dao động trong khoảng 1.000 - 1.400đ/con, nay giảm xuống chỉ còn 600 - 700đ/con, tương đương với khoảng 20.000đ/kg. Trong khi đó, để sản xuất được 1 kg cá tra giống người nuôi phải đầu tư nhiều khoản như: Tiền thức ăn, thuốc thú y thủy sản, tiền cải tạo ao và các chi phí khác... tính ra khoảng 20.000 - 22.000đ/kg (chưa kể công).
Với giá bán cá tra giống hiện nay, người ương cá tra giống lỗ từ 3.000 - 5.000đ/kg. Với năng suất bình quân đạt 1 - 2 tấn cá giống/công, tính ra người ương cá tra giống lỗ từ 3 - 10 triệu đồng/công.
Related news

Từng gắn bó với cây cà phê hơn 15 năm nhưng nhìn đi nhìn lại số tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, có lúc còn rơi vào cảnh nợ nần khi giá cà phê xuống thấp. Sau nhiều lần trăn trở, bàn tính, năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Gia Thiện ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện MDrak, tỉnh Dak Lak) quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi heo siêu nạc.

Từ tháng 4-2012 đến nay, cá tra nguyên liệu liên tục rớt giá thảm hại, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất làm cho người nuôi cá tra rơi vào tình cảnh khốn khó triền miên.

Nông dân Trần Thái Hưng (tư Hưng, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là người đã thành công với mô hình nhân lúa giống xác nhận 1 và thu lợi nhuận gấp đôi so với việc sản xuất lúa hàng hóa.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn và trải đều ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, qua thẩm định của các ngành chức năng cho thấy vẫn còn một số vùng nuôi chưa đảm bảo về môi trường. Theo qui hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ có vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn với tổng diện tích 2.400 ha. Hiện nay toàn tỉnh có 1.400 ha nằm trong vùng nuôi cá tra, ngoài ra còn có đến 225 ha nuôi ngoài quy hoạch, gây khó khăn cho việc quản lý. Tình trạng trên xảy ra chủ yếu tại 03 huyện Tân Hồng, Tam Nông và Thanh Bình.

Ngày 23/11, Ban thực hiện Dự án 3PAD thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội thảo mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại xã Yến Dương (Ba Bể).