Yên Định phấn đấu đạt huyện NTM
PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Vũ Lâm (ảnh), Chủ tịch UBND huyện, về tiến độ thực hiện Chương trình đến thời điểm này.
Dân chủ, công khai
Thưa ông, Yên Định lấy cơ sở nào để đăng ký phấn đấu đạt huyện NTM vào đầu năm 2016?
Quan điểm của chúng tôi là làm NTM bền vững nhưng cũng phải đặt ra một cái đích để cùng nỗ lực phấn đấu.
Và cái đích đó chính là đạt huyện NTM vào đầu năm 2016.
Còn cơ sở để đăng ký phấn đấu, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Tiếp đến là yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Sau khi Trung ương, tỉnh phát động Chương trình, Yên Định nắm bắt thời cuộc, rà soát từng tiêu chí ở các xã để xem mình đang đứng ở đâu, sau đó lựa chọn xã chỉ đạo điểm để từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã thực hiện sau.
Hơn nữa, Yên Định là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn (gần 14 nghìn ha) với đại đa số người dân sống ở khu vực nông thôn nhưng tư duy SXNN hàng hóa được người dân áp dụng trước cả khi thực hiện Chương trình NTM nên việc giải quyết bài toán thu nhập cơ bản thuận lợi.
Ngoài ra, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực, tiếp thêm sức mạnh giúp chúng tôi tự tin phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Tiến độ thực hiện ở các xã đến thời điểm này đến đâu rồi, thưa ông?
Hiện chúng tôi đã có 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 7 xã cơ bản đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh tiến hành thẩm định.
Các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Những đổi mới rõ nét mà các xã đạt chuẩn NTM thu được chính là nâng cao thu nhập cho người dân, bình quân GDP đầu người toàn huyện hiện đạt trên 35 triệu đồng/người/năm (tăng 18,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2011).
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến theo hướng tăng diện tích cây trồng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa bao tử; thâm canh lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; khuyến khích mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, bảo vệ môi trường.
Cơ sở vật chất hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, công sở được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn theo hướng bền vững…
Để đạt được kết quả bước đầu đó, ngay từ những ngày đầu phát động Chương trình Yên Định tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên tiên phong hiến đất làm đường GTNT, chỉnh trang vườn hộ, phát triển chăn nuôi, trồng trọt để quần chúng noi gương học tập.
Yêu cầu các thôn, xóm phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ xây dựng NTM là Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó người dân là chủ thể, huy động sức dân để lo cuộc sống cho dân.
Việc tuyên truyền “thấm” vào tư tưởng người dân đồng nghĩa với giai đoạn đầu của Chương trình đã thành công.
Theo đó, 5 năm qua (2011-2015) tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình đạt 4.100 tỷ đồng.
Trong đó, nhân dân đóng góp chiếm 55,45%; DN hỗ trợ và lồng ghép các chương trình khác 858 tỷ đồng (chiếm 20,93%).
Góp phần xây mới 23 công sở; 16 trung tâm văn hóa - thể thao xã; 28 nhà văn hóa thôn; hơn 210 km đường giao thông; 115 km kênh mương nội đồng, 18 khu xử lý rác thải được xây dựng...
Đặc biệt, trong quá trình triển khai, tất cả các xã, thôn đều khuyến khích người dân cùng tham gia bàn bạc, giám sát các công trình xây dựng công cộng nhằm đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch.
Giám sát chặt chẽ
Theo điều tra riêng của Báo NNVN, thời gian vừa qua một số xã đã đạt chuẩn trên địa bàn huyện có biểu hiện chạy theo thành tích, xin ông cho biết có thực trạng này hay không? Nếu có thì huyện có giải pháp nào chấn chỉnh hay chưa?
Kết quả xây dựng NTM trên địa bàn huyện Yên Định đã được tỉnh ghi nhận nhưng đúng như phản ánh của Báo NNVN, một số xã do nóng vội trong chỉ đạo, điều hành để phấn đấu sớm hoàn thành 19 tiêu chí trong khi chưa cân đối được nguồn lực huy động nên mới để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và trích ngân sách mua BHYT cho người dân.
Yên Định là một trong những huyện đứng đầu Thanh Hóa về SXNN hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân
Về vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo cấp cơ sở rà soát nhu cầu thực tế, cấp thiết cũng như nguồn lực đối ứng hiện có để đầu tư.
Đối với các công trình được đầu tư xây mới, hồ sơ thiết kế, dự toán phải được UBND huyện thẩm định, thông qua mới được khởi công xây dựng, tránh việc huy động quá sức đóng góp của nhân dân và gây lãng phí, không hiệu quả trong quá trình sử dụng.
Đối với việc trích ngân sách mua BHYT cho dân, huyện cũng đã yêu cầu các phòng chức năng kiểm tra, làm rõ, nếu địa phương nào thực hiện không đúng quy định thì xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc đóng BHYT thực hiện theo luật mới đó là đóng BHYT theo hộ nhưng đối với các hộ ở khu vực nông thôn để vận động họ trích một khoản tiền không nhỏ mua BHYT sẽ rất khó khăn.
Do đó, một số xã đã họp bàn và đưa ra giải pháp xã trích ngân sách mua BHYT cho những hộ dân có nhu cầu và các hộ dân được thanh toán sau nhiều vụ SX.
Cách làm này được người dân đồng tình ủng hộ và là một giải pháp sáng tạo để xã hoàn thành tiêu chí Y tế, còn người dân tránh được việc đóng góp một lúc quá sức.
Như vậy, đến nay Yên Định còn 8/27 chưa hoàn thành 19 tiêu chí.
Để thực hiện đạt mục tiêu đầu năm 2016 trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn NTM, hướng chỉ đạo sắp tới của địa phương như thế nào?
Để đạt huyện NTM như đăng ký, từ nay đến cuối năm Yên Định phải có thêm 5 xã đạt chuẩn.
Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì vậy chúng tôi đang tập trung chỉ đạo 7 xã đã nộp hồ sơ thẩm định hoàn thiện các công trình còn lại để Ban Chỉ đạo tỉnh sớm công nhận đạt chuẩn.
Phân công cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo huyện, xã hướng dẫn cơ sở hoàn thành các tiêu chí còn lại, nhất là tiêu chí môi trường, thu nhập, hộ nghèo.
Tạo điều kiện cho các xã trong việc lồng ghép các chương trình mục tiêu với Chương trình NTM.
Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn nhân lực thực hiện các tiêu chí; tuyên truyền rộng rãi, minh bạch trong việc xây dựng công trình phúc lợi công cộng; tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ các nguồn lực tài chính huy động để tránh lãng phí, kém hiệu quả…
Xin cảm ơn ông!
Related news
Mưa lớn liên tiếp trong 2 buổi chiều (2 và 3-12) đã khiến nhiều diện tích lúa vụ hè - thu chưa kịp thu hoạch tại huyện Trảng Bom bị đổ ngã, gây thiệt hại lớn cho bà con nơi đây.
Giai đoạn từ 2016-2020, tỉnh ta phấn đấu nâng giá trị gia tăng lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp lên 700 tỷ đồng, chiếm 10% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Diện tích trồng rừng tập trung phấn đấu đạt 16 nghìn ha, trong đó có 14 nghìn ha rừng sản xuất, 2 nghìn ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mới có thể thành hiện thực, bởi từ năm 2011 đến nay kế hoạch trồng rừng luôn đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra.
Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT cho biết, chúng tôi đã thành lập đội kiểm tra liên ngành quản lý tình trạng mua bán, vận chuyển cá non tại các chợ trong tỉnh. Ðối với hành khai thác, buôn bán cá non chúng tôi kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ cá non.
Nếu mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường giảm thì cấp bù theo lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước công bố. Những năm tiếp theo, sẽ cấp bù phần chênh lệch giữa lãi suất ngân hàng cho vay với mức lãi suất chủ tàu phải trả theo quy định.
Các xã này đều đạt đủ 19 tiêu chí quốc gia, trong đó có nhiều tiêu chí đạt cao như: Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông trục xã, liên xã đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người từ 23 đến gần 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; không có nhà tạm, nhà dột nát; tất cả các thôn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn...