Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ý Kiến Trái Chiều Về Thương Nhân Trung Quốc Mua Tôm

Ý Kiến Trái Chiều Về Thương Nhân Trung Quốc Mua Tôm
Publish date: Tuesday. September 24th, 2013

Đại diện cơ quan quản lý và một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm trong nước cho rằng thương nhân Trung Quốc mua nguyên liệu tôm (tôm tươi chưa qua chế biến) tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm mục đích phá hoại ngành tôm nội địa nhưng đại diện người nuôi tôm thì lại không cho là như vậy.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Phó giám đốc một doanh nghiệp xuất tôm lớn ở ĐBSCL (yêu cầu không nêu tên), lo lắng rằng nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng thương nhân Trung Quốc mua tôm như hiện nay, doanh nghiệp chế biến tôm trong nước và người nông dân trực tiếp nuôi tôm sẽ bị thiệt hại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng cho biết, nhu cầu nhập khẩu của thị trường hiện đang cao nhưng cung quá ít vì tôm chết nhiều. Do đó, thương nhân Trung Quốc qua đây mua tôm và người nông dân có điều kiện bán được giá cao cũng là điều tốt.

Ông Nhiệm nói: “Tôi thấy lạ là khi nông dân có tôm, doanh nghiệp trong nước cùng nhau đè giá xuống và bây giờ, khi thương nhân Trung Quốc vào mua tôm, đẩy giá lên thì có doanh nghiệp lại nói thương nhân Trung Quốc phá giá. Thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua do cung không đủ cầu, và người Thái cũng qua dọc biên giới Việt Nam ở cửa khẩu Hà Tiên (cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Kiên Giang) mua tôm đó thôi”.

Theo ông Nhiệm, một số doanh nghiệp có động thái kêu thương nhân Trung Quốc mua tôm ở ĐBSCL là phá giá chẳng qua do họ cạnh tranh không lại với mức giá mua cao nên họ muốn tìm giải pháp gỡ khó từ cấp trên.

Là người có thâm niên nuôi tôm ở ĐBSCL, ông Võ Hồng Ngoãn, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu cho rằng vấn đề thương nhân Trung Quốc mua tôm nguyên liệu của Việt Nam đã diễn ra từ lâu, chứ không phải mới đây.

Người nuôi tôm tại ĐBSCL tính toán, nếu bán tôm cho thương nhân Trung Quốc tại ĐBSCL thì họ có thu nhập cao hơn từ 10 - 15 triệu đồng/tấn so với bán tôm cho doanh nghiệp trong nước.

Để gom được nhiều tôm, các thương nhân Trung Quốc đã nhờ thương nhân người Việt Nam tìm nguồn cung cho họ và sẵn sàng đưa ra mức giá cao hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh - một người chuyên vận chuyển tôm thuê cho các xí nghiệp tôm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cho biết thời gian gần đây có nhiều thương nhân người Việt Nam từ Sóc Trăng thuê xe xuống tận vùng nuôi ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh để mua tôm.

“Mức giá họ đưa ra lúc nào cũng cao hơn so với mức giá của doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, tôm sú loại 20 con/kí lô gam được doanh nghiệp trong tỉnh mua với mức giá 245.000 - 250.000 đồng/kí lô gam thì thương nhân Trung Quốc là 255.000 - 265.000 đồng/kí lô gam”, ông Tuấn cho biết.

Theo những người nuôi tôm tại huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, với giá bán cao hơn như hiện nay, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư như giống, thuốc phòng bệnh, điện, nước, nhân công… họ sẽ lãi khoảng 500 - 700 triệu đồng/héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng, sau 3 tháng nuôi.

Số liệu trên trang thông tin chuyên về thủy sản www.fis.com cho thấy dịch bệnh hoại tử gan tụy (hay còn gọi là dịch bệnh hội chứng chết sớm EMS - Early Mortality Syndrome) đã tác động lớn đến xuất khẩu tôm của Trung Quốc. Cụ thể, trong tháng 7-2013, xuất khẩu tôm của Trung Quốc chỉ đạt 18.805 tấn, trị giá trên 175 triệu đô la Mỹ, giảm 11% về lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, dù nhu cầu nhập khẩu của các nước, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn tăng mạnh trong năm nay.

Theo thống kê của hải quan, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,73 tỉ đô la Mỹ, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 8, xuất khẩu tôm đạt 335 triệu đô la Mỹ, tăng 65,5% so với cùng kỳ.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2013, Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, trị giá xuất khẩu trong 8 tháng qua đạt trên 445 triệu đô la Mỹ, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại ĐBSCL, hiện tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kí lô gam có giá 165.000 - 170.000 đồng/kí lô gam, loại 50 con/kí lô gam có giá 150.000 - 155.000 đồng/kí lô gam, loại 100 con/kí lô gam có giá 95.000 - 100.000 đồng/kí lô gam. Đối với tôm sú, loại 20 con/kí lô gam được bán với giá 250.000 - 260.000 đồng/kí lô gam.


Related news

Thắng Tôm Thẻ, Đừng Chê Tôm Sú Thắng Tôm Thẻ, Đừng Chê Tôm Sú

Năm qua là một năm đại thắng lợi của con tôm thẻ chân trắng. Trên đà đó, tôm thẻ tiếp tục được phát triển mạnh ở ĐBSCL và đang tiếp tục át vía tôm sú, kể cả ở những nơi chưa cho phép nuôi loại tôm này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng không thể bỏ tôm sú bởi nó vẫn có giá trị lớn.

Saturday. January 11th, 2014
Giá Gỗ Nguyên Liệu Giấy Tăng Mạnh Giá Gỗ Nguyên Liệu Giấy Tăng Mạnh

Từ đầu tháng 12.2013 đến nay, giá gỗ nguyên liệu keo, bạch đàn trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục tăng, hiện đang ở mức 1,15 - 1,2 triệu đồng/tấn; tăng 300 - 400 ngàn đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh là do các nhà máy dăm trong tỉnh cạnh tranh mua nguyên liệu, đẩy giá lên cao.

Wednesday. December 25th, 2013
“Sống Khỏe” Nhờ Dừa Mã Lai “Sống Khỏe” Nhờ Dừa Mã Lai

Là một trong những người đầu tiên mang loại dừa xiêm Mã Lai về trồng tại vùng đất Lê Minh Xuân, anh Lê Minh Đức (sinh năm 1973, ngụ ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) hiện đang “sống khỏe” nhờ loại cây này.

Wednesday. December 25th, 2013
Cách Làm Mới Để Thoát Nghèo Cách Làm Mới Để Thoát Nghèo

Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất trong tỉnh Cà Mau với trên 2.200 ha. Nếu như trước đây, những hộ giàu, hộ khá, hộ có đất nhiều mới nuôi, thì bây giờ, không ít hộ nghèo, cận nghèo, hộ có đất sản xuất ít vẫn mạnh dạn nuôi và bước đầu đã thành công.

Saturday. January 11th, 2014
Lộc Bình Vào Vụ Khoai Tây Lộc Bình Vào Vụ Khoai Tây

Năm nay, nông dân xã Bằng Khánh, một trong những địa phương có diện tích khoai tây vụ đông lớn nhất huyện, xuống giống trên 30ha. Như đã thành nếp, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân trong xã bắt tay vào làm đất, trồng khoai tây vụ đông với phương châm “lúa thu hoạch đến đâu, làm đất trồng khoai tây đến đó”. Ở Bằng Khánh, nhà ít cũng trồng 1 - 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), nhà nhiều trồng 4-5 sào khoai tây.

Wednesday. December 25th, 2013