Xuất khẩu tôm đảo chiều đi lên
Sau nhiều tháng giảm, xuất khẩu tôm trong tháng 7/2019 đảo chiều tăng trưởng dương, các doanh nghiệp kỳ vọng tôm xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng.
Lần đầu tiên tăng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 7/2019, lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt tăng trưởng dương. Riêng tháng 7/2019, xuất khẩu tôm đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Bảy tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ giảm đã chậm lại nhờ XK tăng trưởng dương trong tháng 7. Với xu hướng này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam kỳ vọng đạt những kết quả tích cực hơn trong những tháng cuối năm.
Giá tôm nguyên liệu và giá tôm XK không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng, nhu cầu thị trường đã sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng 7/2019.
Bảy tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 68,2%, tôm sú chiếm 21,6% và còn lại là tôm biển. xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tôm sú đạt gần 383,7 triệu USD, giảm 15%; XK tôm biển khác đạt 181 triệu USD, tăng 5%. xuất khẩu tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 34%. xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 57%.
Tháng 7/2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang top 8 thị trường chính (gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan) đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. Trong đó, XK sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số.
Cụ thể, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7/2019 tăng 47,7% đạt 51,6 triệu USD. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 285 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 7 năm nay, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam do giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác. Nguồn cung tôm lớn thứ hai cho Trung Quốc là Ấn Độ dự báo giảm sản lượng trong năm nay do thời tiết xấu và dịch bệnh. Argentina đứng thứ 4 về cung cấp tôm cho Trung Quốc cũng công bố giảm sản lượng khai thác tôm do sinh khối tôm tại ngư trường khai thác của nước này giảm.
Tác động tích cực từ EVFTA
Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đã chính thức ký kết từ 30/6/2019, theo đó thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ năm 2020), tuy nhiên thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Tháng 7/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU đạt trên 77 triệu USD, tăng 3,8% so với tháng 7/2018. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Đức, Hà Lan), XK sang Anh và Đức tăng lần lượt 12,9% và 13% trong khi XK sang Hà Lan giảm 12,8%. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 377,5 triệu USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh, chủ yếu chỉ có Thái Lan và Indonesia. Tôm chế biến có thuế suất cao nếu không có GSP (từ khoảng 10-20%), các đối thủ của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh về giá. Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng nên thị trường này đủ để các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình.
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 23% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, XK sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.
Nhật Bản vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay. Nhờ những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản, nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản nửa đầu năm nay không bị giảm sâu như các thị trường chính khác.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật trong tháng 7/2019 tăng 2,2% đạt gần 56 triệu USD. xuất khẩu tôm sang thị trường này mặc dù tăng không nhiều nhưng tăng trưởng liên tục trong 3 tháng 5,6 và 7 năm nay. Bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 329 triệu USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7 năm nay tăng 37,2% đạt 77 triệu USD. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 327,4 triệu USD, tăng 5%.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đang kỳ vọng đạt mức thuế thấp nhất trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 công bố tới đây.
Với những lợi thế trên, cùng với sự đảo chiều tăng trưởng dương trong tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp xuất tôm kỳ vọng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực này sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.
Related news
Một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam do chưa nắm rõ quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ, nên không xuất khẩu hàng được vào thị trường này
Để có được thu nhập cao từ nuôi thuỷ đặc sản, anh Hưng đã đổi gần 3.000m2 đất canh tác “bờ xôi ruộng mật” của gia đình
Việc chỉ lo nuôi trồng chế biến xuất khẩu mà “bỏ quên” công tác làm giống, nhất là xây dựng phát triển nguồn tôm giống bố mẹ khiến cho việc sản xuất tôm
Nếu cần thiết thì bà con có thể tái sử dụng nguồn nước có độ mặn cao từ vụ nuôi trước đó và áp dụng các biện pháp để loại bỏ lớp bùn đáy ao trước khi thả nuôi
Hàng năm trên địa bàn lưới điện do đơn vị quản lý có hàng trăm vụ tai nạn điện xảy ra làm chết và bị thương hàng trăm người.